Năm 2018, Mỹ tăng trưởng ổn định nhờ chính sách cắt giảm thuế và chi tiêu công, qua đó trở thành đầu tàu kéo cả nền kinh tế thế giới tiến bước. Tuy nhiên, khi nước Mỹ vật lộn với đại dịch có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), nền kinh tế toàn cầu lao đao, đối mặt nguy cơ suy thoái.
Theo Reuters, từ Mexico tới Nhật Bản, chính phủ các quốc gia đang vô cùng lo lắng. Xuất khẩu của Đức đã lao dốc, trong khi Canada nhìn về phía nam với nhiều quan ngại, bởi tăng trưởng Mỹ sụt giảm sẽ lập tức ảnh hưởng trực tiếp đến quốc gia láng riềng.
"Thế giới sẽ đối mặt với nhiều tháng, thậm chí nhiều năm rất khó khăn. Vấn đề lớn nhất là các ca nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục tăng", đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định. Tổ chức này cho rằng bất ổn xã hội leo thang do đói nghèo sẽ là một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thể hoạt động trở lại do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: CNBC. |
Theo IMF, thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới trong thời gian tới là một bộ phận lớn dân số Mỹ sống chật vật với tình trạng mức sống suy giảm và khó khăn kinh tế. Khi đó, nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ trượt dốc, ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.
Đến nay, chính phủ Mỹ đã cam kết chi hơn 3.000 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ vẫn tiếp tục tăng trong khi các chương trình cứu trợ sắp kết thúc. Hơn 3,6 triệu người Mỹ đã nhiễm virus và 140.000 người tử vong. Số ca mắc mới hàng ngày tăng gấp ba so với tháng 5. Một số bang như Texas và California đã phải áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội.
Với các nền kinh tế lớn khác cũng đang lao đao vì dịch Covid-19, sức khỏe của nền kinh tế Mỹ là vấn đề rất lớn. Nền kinh tế Mỹ chiếm khoảng 1/4 GDP toàn cầu. Người Mỹ mất việc làm đồng nghĩa với việc chi tiêu của họ giảm, nhập khẩu vào Mỹ sụt và đầu tư vào sản xuất ở các khu vực khác lao dốc.
Nhập khẩu của Mỹ trong 5 tháng đầu năm giảm hơn 13%, tương đương 176 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Đức, xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ôtô lao dốc 24%. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng ảm đạm này sẽ tiếp diễn.
IMF dự đoán GDP Mỹ sẽ giảm 6,6% trong năm nay. Ảnh: AFP. |
"Tình hình hiện tại thực sự gây thất vọng", chuyên gia Gabriel Felbermayr, Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel, than thở. "Việc số ca nhiễm tăng mạnh trở lại tại Mỹ là điều nằm ngoài dự đoán".
Ở Nhật Bản, tốc độ phục hồi kinh tế gắn chặt với sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. "Sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản sẽ bị trì hoãn nếu dịch vẫn hoành hành tại Mỹ và xuất khẩu từ các nước châu Á sang Mỹ không tăng trở lại", nhà kinh tế Hideo Kumano, cựu quan chức Ngân hàng Nhật Bản, nhấn mạnh.
IMF dự đoán GDP Mỹ sẽ giảm khoảng 6,6% trong năm nay. Ngân hàng Canada bi quan hơn khi cho rằng GDP Mỹ có thể lao dốc tới 8,1%. Đây sẽ là cơn ác mộng với Canada bởi 75% hàng xuất khẩu của nước này đi tới Mỹ.
Tại biên giới phía nam nước Mỹ, Mexico cũng đang chật vật vì số ca nhiễm tăng kỷ lục mỗi ngày. Các nhà kinh tế dự báo GDP Mexico sẽ giảm 10% hoặc hơn trong năm nay. Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador hi vọng thỏa thuận thương mại ba bên giữa Mỹ, Mexico và Canada - có hiệu lực từ ngày 1/7 - sẽ thúc đẩy đầu tư và kinh doanh Mexico.
Nhưng sự bi quan ở Mexico đang lan rộng bởi nền kinh tế Mỹ vẫn còn tê liệt vì dịch bệnh. "Việc người Mỹ mất việc, bị giảm thu nhập sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tiêu thụ toàn cầu", nhà kinh tế Elizabeth Crofoot thuộc Conference Board khẳng định. "Chúng ta đang tiến một bước nhưng lùi hai bước".