Sáng 14/8, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang họp báo về tình hình thu phí và kẹt xe tại trạm BOT Cai Lậy.
Theo báo cáo của Sở GTVT Tiền Giang, từ khi BOT Cai Lậy bán vé (1/8) đến nay, mỗi ngày có 2-3 lượt tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá 200-500 đồng để qua trạm. Có trường hợp tiền được vo tròn, nhàu nát nhét vào chai nhựa hoặc túi nylon, cá biệt có tài xế nhúng tiền vào nước.
Trạm Cai Lậy bán vé trở lại từ 0h ngày 14/8. Ảnh: Việt Tường. |
Ngày ùn tắc giao thông đầu tiên là 9/8, có 14 ôtô gắn logo "bạn hữu đường xa" chạy chậm từ hướng Mỹ Thuận về Trung Lương, tạo thành đoàn nối đuôi vào trạm để phản đối giá vé và vị trí đặt trạm. Qua thống kê của ngành GTVT, đến nay có tất cả 19 xe (biển số Tiền Giang, TP.HCM, Cần Thơ, Sóc Trăng và An Giang) được tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm.
Đối với xe né trạm, nhiều ôtô có trọng tải vượt 10 tấn đã khiến mặt đường huyện 63 và 67 bị hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đến chiều 13/8, nhiều tài xế sử dụng tiền lẻ qua trạm đã gây ùn tắc giao thông kéo dài trên quốc lộ 1 và đường tránh thị xã Cai Lậy khoảng 3 km. Trước tình hình này, BOT Tiền Giang cho xả trạm nửa giờ. Đến 20h, trạm Cai Lậy tiếp tục kẹt xe, buộc phải xả trạm lần 2 đến 0h ngày 14/8.
"Trước phản ánh của người dân, Sở GTVT Tiền Giang kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ GTVT xem xét giảm phí tại Cai Lậy nhằm giảm chi phí vận tải, góp phần giảm chi phí hàng hóa lưu thông tại miền Tây đến các tỉnh, thành và ngược lại", ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang nói.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang (đứng) tại họp báo sáng 14/8. Ảnh: Việt Tường. |
Theo ông Bon, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương xem xét miễn vé cho các phương tiện của người dân 4 xã (Phú Nhuận, Mỹ Thạnh Nam, Bình Phú, Phú An) của huyện Cai Lậy; giảm 50% giá vé đối với phương tiện kinh doanh vận tải của chủ phương tiện tại 4 xã trên và các tuyến xe buýt có lộ trình qua trạm.
Tham dự họp báo, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết tổng chiều dài các tuyến quốc lộ khoảng 24.000 km, trong đó 50% cần bảo trì. Chỗ nào hư hỏng cục bộ thì vá sửa, làm lại với kinh phí mỗi đoạn từ 5-10, 20-30 tỷ đồng.
"Để 24.000 cây số phải đảm bảo thông suốt trong tình hình kinh phí khó khăn, Bộ GTVT phải huy động nhiều nguồn để đầu tư, nâng cấp, cải tạo quốc lộ. Quốc lộ 1 thì vốn lớn hơn, phải xã hội hóa theo hình thức BOT hoặc vốn ODA", ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, từ khi Tiền Giang có 12 km đường tránh thì giảm được ùn tắc ở thị xã Cai Lậy. Do kinh phí của ngành GTVT khó khăn nên tuyến đường này làm theo hợp đồng BOT cùng với việc nâng cấp 26,5 km quốc lộ tại Tiền Giang với kinh phí 300 tỷ đồng.
"Vốn quá lớn như vậy thì không có nguồn bảo trì nào đáp ứng nổi, nên phải thực hiện bằng hình thức BOT", ông Thắng chia sẻ.
Văn bản kiến nghị của ngành GTVT Tiền Giang. Ảnh: Việt Tường. |
Đối với kiến nghị của tỉnh, ông Thắng hứa sẽ tập hợp để trình Bộ GTVT xem xét, xử lý phù hợp với tình hình chung.
"Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói là nhà đầu tư đã đầu tư ra thì được phép thu phí nhưng phải hài hòa, đảm bảo thu hồi vốn theo hợp đồng đã ký. Một điều nữa là phải đảm bảo lợi ích người dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội và giao thông thông suốt toàn tuyến", lãnh đạo Tổng cục Đường bộ kết luận.