Tang lễ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm diễn ra chiều 24/4 tại Nhà tang lễ Thành phố (215 Phùng Hưng, Hà Nội). Lễ tang do gia đình và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. |
Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952, là nhà thơ, nhà biên kịch nổi tiếng. Để ghi nhận cống hiến của ông, Đảng, Nhà nước đã trao tặng “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật”. Ông từ trần sáng 20/4 tại nhà riêng. |
Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, tới đưa tiễn nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Ông viết trong sổ tang: "Đài Tiếng nói Việt Nam vô cùng thương tiếc nhà thơ, nhà biên kịch tài hoa Hoàng Nhuận Cầm. Công chúng yêu quý, ngưỡng mộ, biết ơn nhà thơ về những tác phẩm tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi, yêu thương con người". Hoàng Nhuận Cầm là người thực hiện, gắn bó với hai chương trình trên VOV: "Khách đến chơi nhà" và "Đôi bạn văn chương". |
Những người lính đến tiễn đưa thi sĩ, chiến sĩ Hoàng Nhuận Cầm. Năm 1971, chiến tranh vô vùng ác liệt, Hoàng Nhuận Cầm từ ghế giảng đường đã lên đường nhập ngũ. Ông chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị giai đoạn từ năm 1971 cho tới khi đất nước thống nhất. |
NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh là người cùng làm phim với Hoàng Nhuận Cầm. Ông nói: “Hoàng Nhuận Cầm là người tận hiến cho thơ, điện ảnh. Anh là một biên kịch tài năng, để lại những kịch bản phim giá trị cho điện ảnh nước nhà như: Đêm hội Long Trì, Mùi cỏ cháy, Hà Nội mùa đông năm 1946… |
Diễn viên Điệp Vân - người vợ thứ ba của thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm - chia sẻ dù đã chia tay, hai người vẫn quý trọng nhau. |
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói Hoàng Nhuận Cầm mất đi, nhưng di sản thơ ca của ông ở lại. “Thơ Hoàng Nhuận Cầm không trực tiếp luận bàn về thế sự, không nói đến những vấn đề gai góc, nhưng đó là thứ thơ sâu sắc. Thơ của ông đẩy cảm xúc lên rất cao, cuốn hút người đọc”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tâm sự. |
Con trai nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc thơ bố thay lời đưa tiễn: “Nếu tôi chết trời xanh bình lặng / Thêm một vì sao nữa rụng rơi / Bạn ngồi uống cà phê có nhớ / Uống cả vì sao ấy hộ tôi” (Thêm một vì sao). |
Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đọc điếu văn: “Hôm nay, chúng ta đưa tiễn một thi sĩ tài năng, đích thực, suốt đời tận hiến cho thơ ca”. Ông mang trong mình bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhưng mọi người thấy ông vẫn lạc quan, năng lượng thi ca ăm ắp với những câu thơ “viết đợi Mặt Trời”. |
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là con của nhạc sĩ tài hoa Hoàng Giác. Ông được cha đặt tên Hoàng Nhuận Cầm với mong muốn con nối nghiệp thành nhạc sĩ. Mẹ đã truyền tình yêu thơ ca nghệ thuật cho ông. Những lời thơ của ông là tiêu biểu cho một thế hệ xếp bút nghiên đi bảo vệ Tổ quốc. Đất nước thống nhất, ông ra trường trở về giảng đường. Những bài thơ của ông trong trẻo, truyền cảm hứng tới người yêu thơ ca, đặc biệt là cây bút trẻ. |
Sau lễ truy điệu, thi hài ông được đưa tới Đài hóa thân hoàn vũ tại Văn Điển, Hà Nội. |
16h, đoàn đưa tiễn bắt đầu di chuyển, tiễn biệt thi sĩ lần cuối. |