Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiền đề để doanh nghiệp Việt lấn sân quốc tế

Nhiều doanh nghiệp Việt mong muốn đưa thương hiệu vươn ra thế giới. Dù vậy, mác “made in Vietnam” nhiều lần bị đối tác nước ngoài từ chối.

Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội tổ chức tọa đàm “Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập”, cung cấp kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển thương hiệu hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiểu đúng về giá trị thương hiệu

Theo ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, giá trị nguyên liệu chiếm 10-20% giá bán trong trong ngành may mặc, 30-35% đối với ngành đồ gia dụng. Chi phí nhân công sản xuất chiếm 3-5% trong khi đó, 70% còn lại nằm ở chi phí lưu thông (thuế, bán hàng, giá trị thương hiệu, lợi nhuận của chủ sở hữu).

Như vậy, với sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia được sản xuất tại Việt Nam, người Việt chỉ được nhận 3-5% giá trị “made in Vietnam”. Các giá trị khác đều quay về với quốc gia mà thương hiệu đó đăng ký.

Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của Brand Finance, Việt Nam được xem là “thiên đường” sản xuất mới tại Đông Nam Á, có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm nay, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do Covid-19.

Dù giá trị thương hiệu quốc gia tăng cao, nhận thức của doanh nghiệp về thương hiệu Việt còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Xuân Phú cho rằng, mỗi sản phẩm có chuỗi giá trị cấu thành, từ nguyên vật liệu đầu và đến quá trình nghiên cứu phát triển, gia công sản xuất, quảng cáo… Ai sở hữu thương hiệu thì sở hữu nhiều giá trị nhất. Quốc gia càng sở hữu nhiều thương hiệu, giá trị thương hiệu quốc gia càng đó cao và đó cũng là quốc gia thịnh vượng.

Sunhouse anh 1

Ông Nguyễn Xuân Phú chia sẻ tại tọa đàm “Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập”.

Thương hiệu quốc gia muốn phát triển buộc phải có những thương hiệu của sản phẩm hoặc công ty trong nước. Theo ông Phú, một doanh nghiệp được xem là thương hiệu quốc gia không phụ thuộc vào “made in Vietnam”, mà nằm ở giá trị để lại tại thị trường trong nước.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse chia sẻ thêm, khi được công nhận là thương hiệu quốc gia, sản phẩm sẽ nhận được niềm tin từ người tiêu dùng. Đây là giá trị vô hình không thể đo đếm bằng tiền. Giá trị tinh thần đó là động lực để chủ doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ, nhân viên… tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn.

Hướng đi đưa thương hiệu Việt ra quốc tế

Nhiều doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm nên bị thâu tóm khi đưa thương hiệu ra nước ngoài. Đại diện một doanh nghiệp tham gia tọa đàm cho biết, trước đây khi đàm phán xuất khẩu, đối tác đề nghị đổi sang thương hiệu Nhật Bản. “Chúng tôi chấp nhận và mất thương hiệu khi ra nước ngoài”, doanh nghiệp chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Phú cho rằng, việc đưa được thương hiệu ra nước ngoài không đơn giản, phải thực hiện từng bước. Mỗi doanh nghiệp có hướng đi riêng.

Như vậy, bên cạnh xây dựng thương hiệu, đầu tư vào hệ thống quản lý chất lượng, mỗi quốc gia còn phải đầu tư vào hệ thống chất lượng và truyền thông marketing. Làm được điều đó, chúng ta sẽ có nhiều thương hiệu nổi tiếng. Nhiều thương hiệu đi ra thế giới đồng nghĩa thương hiệu quốc gia cũng phát triển.

Các doanh nghiệp tham gia tọa đàm cũng đồng thuận ý kiến của ông Phú, việc lấn sân quốc tế phải thực hiện từng bước, ban đầu chấp thuận đi vào hệ thống của đối tác, khi thị phần lớn, có trong hệ thống thì đàm phán đặt ra thương hiệu nhánh riêng. Việc ép đối tác dùng thương hiệu của mình có thể khiến họ tìm sang đối tác khác, vì họ có rất nhiều lựa chọn.

Sunhouse anh 2

Các diễn giả tham gia tọa đàm “Định vị & Nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập” ngày 29/12.

Ở góc độ quản lý nhà nước, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại cho rằng, trong 17 năm qua, nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về việc vươn mình thế giới của các doanh nghiệp được triển khai. Câu chuyện thương hiệu được quan tâm hơn, tuy nhiên không ít doanh nghiệp chưa nhận thức được rõ vai trò của thương hiệu. Thậm chí, ý thức về giá trị thương hiệu với doanh nghiệp vẫn còn mông lung.

Theo vị đại diện này, xây dựng thương hiệu quốc gia phải thông qua sản phẩm. Nhiều nước tự bỏ kinh phí đầu tư xây dựng thương hiệu tại quốc gia đó. Ở Việt Nam, Chính phủ kiến nghị xây dựng thương hiệu sản phẩm mạnh mới có thương hiệu doanh nghiệp mạnh, từ đó quảng bá thương hiệu quốc gia.

Giang Ngân Nhi

Bình luận

Bạn có thể quan tâm