Indra Putra sinh năm 1981, là chân sút tốt nhất lịch sử Malaysia Super League (102 bàn thắng tính đến tháng 9/2021). Ở cấp độ đội tuyển, Indra từng ghi 3 bàn vào lưới tuyển Việt Nam tại các kỳ AFF và Tiger Cup.
7 năm trôi qua kể từ AFF Cup 2014, giải khu vực gần nhất của Indra Putra, cả tuyển Malaysia và Việt Nam đều đã thay đổi rất nhiều. Chia sẻ với Zing, cầu thủ này cho biết anh vẫn dõi theo từng chuyển động của tuyển Việt Nam.
Indra Putra (số 13) là ngòi nổ nguy hiểm trong mỗi lần đối đầu tuyển Việt Nam ở AFF Cup. Ảnh: Reuters. |
"Tuyển Việt Nam ở đẳng cấp khác"
- Xin chào Indra Putra, cuộc sống của cầu thủ chuyên nghiệp ở tuổi 40 như thế nào? Tôi biết nhiều đồng nghiệp cùng lứa với anh đã giải nghệ từ lâu.
- Tôi vẫn duy trì sinh hoạt như hồi còn trẻ để giữ phong độ, vẫn đủ sức để có thể thi đấu thêm khoảng 1 năm nữa rồi mới giải nghệ. Thời gian qua, trong lúc bóng đá chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tôi có thêm thời gian để đi học bằng B huấn luyện viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).
- Sau AFF Cup 2018, Malaysia và tuyển Việt Nam lại có duyên chung bảng ở AFF Cup 2020. Anh nghĩ sao về bảng đấu này?
- Đây là bảng đấu khó khi hội tụ đủ các đội mạnh. Malaysia và tuyển Việt Nam là 2 đội vào chung kết giải đấu trước, còn Indonesia và Campuchia hay thậm chí Lào cũng đang tiến bộ và có sự chuẩn bị rõ ràng trước giải.
Chúng ta đều biết tuyển Việt Nam giờ rất mạnh, là đội bóng tốt nhất Đông Nam Á. Họ vô địch AFF Cup 2018, sau khi vượt qua Malaysia. Tôi nghĩ tuyển Việt Nam sẽ đi tiếp thôi, nhưng Malaysia khó đoán hơn, vì tôi không biết khi vào giải thì thực lực của Indonesia, Campuchia và Lào sẽ như thế nào. Nếu cố gắng, chúng tôi có thể cùng Việt Nam vào bán kết.
- Anh đánh giá thế nào về vị thế của tuyển Việt Nam lúc này so với trước đây?
- So với thời tôi còn khoác áo Malaysia, tuyển Việt Nam bây giờ rất khác. Họ có nhiều cầu thủ giỏi ở hầu hết vị trí. Tôi nghĩ sẽ khó cho các đội để cạnh tranh với Việt Nam ở giải đấu năm nay.
Tuyển Việt Nam đã ở đẳng cấp ngoài khu vực. Họ được dẫn dắt bởi Park Hang-seo, HLV giỏi, nếu không muốn nói là xuất sắc, bởi sự xuất hiện của ông ấy đã thay đổi mọi thứ về bóng đá Việt Nam.
- Anh có thể nói nhiều hơn về những thay đổi?
- Chưa nói đến chiến thuật, các tuyển thủ Việt Nam thời nay thi đấu gắn kết, họ cũng gần gũi với HLV cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Về lối chơi, tuyển Việt Nam đã chọn cách phòng ngự phản công, với cách triển khai bóng nhanh. Dưới sự dẫn dắt của HLV Park, các vị trí của tuyển Việt Nam di chuyển linh hoạt và khoa học. Trong hệ thống đó nổi bật là Nguyễn Quang Hải, cầu thủ nhỏ con nhưng nhanh nhẹn và khéo léo.
Khả năng phòng ngự của tuyển Việt Nam những năm qua cũng khác xưa nhiều. Họ di chuyển đồng nhất và tổ chức kỷ luật hơn. Sự liên kết chặt chẽ khiến hàng thủ tuyển Việt Nam khó bị xuyên phá, và gần như các hậu vệ không để bị qua người.
Tôi nghĩ tuyển Việt Nam trở nên mạnh mẽ là nhờ họ có lứa cầu thủ hiểu nhau. Tôi biết lứa này được thi đấu cùng nhau trong khoảng 2-3 năm trở lại đây.
- Anh có thể kể về vài kỷ niệm đối đầu tuyển Việt Nam?
- Tôi có nhiều kỷ niệm lắm. Một trong số đó là trận thắng 4-2 tuyển Việt Nam lượt về bán kết AFF Cup 2014. Có thể nói đó là chiến thắng oanh liệt, khi trước đó chúng tôi đã để thua 1-2 ở lượt đi trên sân nhà.
Tôi không biết vì sao HLV trưởng Dollah Salleh lại cho nhiều cầu thủ trẻ đá chính và cất nhiều trụ cột ở ngoài. Sau khi để tôi ngồi dự bị trong trận lượt đi, HLV Salleh cho tôi ra sân ở lượt về và tôi đã nỗ lực khẳng định mình.
- Điều gì khiến các anh lật ngược thế cờ trên sân Mỹ Đình?
- HLV trưởng không nói gì nhiều, chỉ thúc đẩy tôi hãy làm hết khả năng. Chúng tôi cũng hiểu đó là cơ hội cuối để giành tấm vé vào chơi trận chung kết. Chúng tôi đã chơi một trận để đời. Việc thắng được tuyển Việt Nam để vào chung kết khiến tôi hạnh phúc đến nỗi chẳng nhớ nổi báo chí viết về đội tuyển ra sao.
- Anh nghĩ sao về bàn thắng thứ 3 của tuyển Malaysia?
- Nếu có trang thống kê nào tính bàn thắng cho tôi, đó là hiểu nhầm. Đó là tình huống tôi có bóng và căng ngang vào trong. Một hậu vệ Việt Nam nỗ lực phá bóng nhưng không may phản lưới nhà.
- Ấn tượng của các anh về tuyển Việt Nam khi đó ra sao?
- Phải nói là tuyển Việt Nam thời đó thường xuyên mắc sai lầm khó hiểu. Họ liên tục để mất bóng, các tuyến gần như không có sự liên lạc, thủ môn cũng hiếm khi giao tiếp với các đồng đội phía trên.
Tuy nhiên, điều đó không còn hiện hữu ở hiện tại. Tuyển Việt Nam bây giờ là thế lực rất khác, với hàng phòng ngự kỷ luật, chắc chắn đến mức không phải đội nào cũng có thể xuyên phá được.
Thú thực tới bây giờ có đôi lúc tôi vẫn khao khát được ra sân để đối đầu với tuyển Việt Nam hiện tại. Ở tuổi của tôi, đương nhiên là không thể, nhưng nếu khi còn trẻ mà được gặp tuyển Việt Nam bây giờ quả thật thú vị.
Indra Putra (số 13) trong dịp cùng tuyển Malaysia đấu giao hữu Manchester United năm 2009. Ảnh: Reuters. |
"Tôi muốn học hỏi HLV Park"
- Từng giành huy chương bạc SEA Games 2001, một lần về nhì AFF Cup 2014, nhưng anh lại không góp mặt tại AFF Cup 2010, giải đấu mà Malaysia vô địch, đó có phải nuối tiếc lớn nhất sự nghiệp?
- Đấy chính là bóng đá. Trước AFF Cup 2010, HLV Rajagobal gọi tôi lên tuyển, chỉ 2 tuần sau khi kết thúc giải VĐQG. Tôi bảo ông ấy tôi chưa sẵn sàng, không thể cống hiến cho đội tuyển một cách tốt nhất. Thế nên, tôi không lên làm nhiệm vụ, không có mâu thuẫn gì giữa chúng tôi cả.
Các đội tuyển Malaysia vào chung kết giải khu vực nhiều lần nhưng vô duyên. Đó là bóng đá. Đôi khi nỗ lực là chưa đủ, bạn cần có may mắn ủng hộ. Nhất là ở những trận quan trọng.
- Tuyển Malaysia dưới thời HLV Tan Cheng Hoe khác xưa như thế nào? Anh kỳ vọng điều gì vào thế hệ hiện tại?
- So với thế hệ của tôi, tuyển Malaysia bây giờ không khác quá nhiều, khi vẫn dựa trên nền tảng thể lực. Lối chơi có thể khác chút, do thành phần đội tuyển bây giờ mới mẻ hơn, chơi thứ bóng đá nhanh, hiện đại và kỹ thuật hơn. Khi xưa các cầu thủ Malaysia được giữ bóng trong 2-3 giây, nhưng bây giờ họ không được làm vậy, buộc phải luân chuyển bóng trong thời gian tối đa 1 giây.
Tại vòng loại thứ hai World Cup 2022, tuyển Malaysia có thời điểm đứng ở top đầu bảng xếp hạng, nhưng tôi không hiểu sao càng về sau, họ thi đấu không được như kỳ vọng. Họ đã không trình diễn được phong độ tốt nhất.
Đội đã không còn mục tiêu ở vòng loại World Cup, nên AFF Cup là mặt trận quan trọng nhất trong năm. Tôi hy vọng các cầu thủ Malaysia hãy đem những gì tốt nhất để cống hiến cho đội tuyển quốc gia, ít nhất hãy cố gắng vào tới chung kết.
- Sự xuất hiện của nhiều cầu thủ nhập tịch có phải nguyên nhân thất bại của tuyển Malaysia ở cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022? Họ từng đứng nhì bảng G chỉ với một cầu thủ nhập tịch là Mohamadou Sumareh.
- Tôi nghĩ trong ngắn hạn, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch không hề tốt cho đội tuyển. Cầu thủ nhập tịch phải có khả năng tạo sự khác biệt, phải chứng tỏ mình giỏi hơn những cầu thủ bản địa khác mới xứng đáng lấy suất ở đội tuyển.
Tôi thấy cầu thủ nhập tịch nào cũng khao khát được chơi cho Malaysia, nhưng cống hiến cho màu cờ sắc áo là chuyện không đơn giản. Trong 3 trận ở cuối vòng loại, các cầu thủ nhập tịch không thể hiện được gì, nếu không muốn nói là tệ hại, và cả nước đều đã chứng kiến.
- Theo anh, tuyển Việt Nam có cần cầu thủ nhập tịch?
- Chưa cần, vì tuyển Việt Nam đang ổn định. Có thể sau này các bạn sẽ cần 2-3 cầu thủ nhập tịch cho mục tiêu World Cup.
- Anh dự định theo đuổi trường phái huấn luyện nào? Phong cách của HLV Park Hang-seo có phải một gợi ý?
- Việc đi học huấn luyện giúp tôi nhận ra nhiều điều. Tôi dần thay đổi tính cách của mình để học cách cư xử như HLV và điều này không hề dễ dàng. Khi còn là cầu thủ, tôi chỉ nghĩ cho bản thân, nhưng để trở thành HLV, tôi phải biết nghĩ lớn và quan tâm tới những người khác.
Dù gặp khó khăn, tôi sẽ cố gắng học hỏi. Tôi cũng xác định phải trau dồi thêm kinh nghiệm từ nhiều HLV trong và ngoài nước, trong đó có HLV Park Hang-seo.
Ông Park là HLV rất giỏi khi thay đổi mọi thứ ở tuyển Việt Nam. Về chuyên môn, ông ấy đã tạo ra lối chơi mới cho đội tuyển quốc gia. Còn trong phòng thay đồ, ông ấy là nhà quản lý gần gũi và thân thiết với cầu thủ. Đó là điều mà tôi cảm thấy đáng nể phục. Khi sợi dây liên kết được hình thành, các HLV sẽ có khả năng khiến các cầu thủ chiến đấu vì mình.
- Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện.