Mang đến Singapore đội hình có độ tuổi trung bình trẻ thứ ba giải đấu, Campuchia coi AFF Cup 2020 là giải đấu xây dựng nền tảng cho tương lai, nơi các cầu thủ trẻ có sân chơi để thấm nhuần triết lý bóng đá của HLV Ryu Hirose và Keisuke Honda.
Tuyển Campuchia kiên định với lối đá kiểm soát tại AFF Cup 2020 dù đối thủ là ai. |
Kiểm soát bóng dù đối thủ là ai
Trước cuộc đối đầu Indonesia tại lượt trận thứ hai, chiến lược gia người Nhật Bản Hirose đã có một tuyên bố gây bất ngờ: “Không quan trọng đối thủ là ai, chúng tôi luôn vào sân với mục tiêu duy trì và phát huy phong cách chơi bóng của mình. Chúng tôi muốn áp đặt trận đấu trước bất cứ đối thủ nào, Brazil hay bất cứ ai. Duy trì quyền kiểm soát bóng, đoạt bóng càng gần khung thành đối phương càng tốt. Đó là những gì chúng tôi đang thực hiện.”
Đó hoàn toàn không phải những phát biểu phóng đại của ông Hirose. Ở 3 trận đã đấu, Campuchia chiếm quyền kiểm soát bóng nhiều hơn trước cả 3 đối thủ là Malaysia, Indonesia và Lào. Lối chơi của đội bóng này cho thấy sự tự tin từ những lựa chọn chiến thuật lẫn tâm lý các cầu thủ trên sân. Họ sẵn sàng chơi bóng ngắn, thiết lập một cấu trúc đội hình có tính kết nối trước bất cứ đối thủ nào.
Phải thừa nhận, đẳng cấp xử lý tình huống và sức mạnh thể chất của các cầu thủ là điều Campuchia còn thua thiệt nhiều so với Indonesia hay Malaysia. Nhưng về mặt thế trận, đội bóng này luôn duy trì sự chủ động. Chiến thắng 3-0 đầy thuyết phục trước Lào là minh chứng rõ rệt cho tiến bộ trong cách phát triển bóng đá của ĐTQG nước này.
Thậm chí, Campuchia mới chính là đội xếp sau Việt Nam và Thái Lan ở số lượng đường chuyền trung bình mỗi trận. Campuchia thực hiện trung bình tới 527 đường chuyền mỗi trận, con số cao hơn nhiều so với những Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore.
Thống kê số lượng đường chuyền tại AFF Cup 2020. |
Hệ quả của khả năng kiểm soát bóng ấn tượng giúp Campuchia đang là một trong những đội tạo ra nhiều thời cơ ghi bàn tại giải đấu. Đội bóng này xếp thứ 4 về số lần dứt điểm trung bình mỗi trận đấu, chỉ xếp sau Thái Lan, Việt Nam và Indonesia.
Thống kê số lượng các pha dứt điểm tại AFF Cup 2020. |
Rõ ràng bộ đôi Hirose và Honda đang giúp ĐTQG Campuchia có được một bộ mặt hoàn toàn khác. Họ không còn ra sân với một lối chơi chịu trận mà thay vào đó là sự tự tin, chủ động. Họ muốn kiểm soát bóng, muốn tạo cơ hội ghi bàn từ chính khả năng kiểm soát của mình.
Hệ thống 4-3-3 nhuần nhuyễn
Theo dõi Campuchia thi đấu, có thể nhận thấy rõ dấu ấn huấn luyện trong cách vận hành sơ đồ 4-3-3. Những trung vệ tự tin kiểm soát bóng, tiền vệ trụ di chuyển linh hoạt hỗ trợ triển khai bóng, hai tiền vệ tấn công có xu hướng chơi dâng cao, các tiền đạo cánh và hậu vệ cánh hoán đổi vị trí một cách có ý đồ.
Những tình huống tự tin kiểm soát bóng, tư duy khai thác khoảng trống và các tình huống di chuyển không bóng của Campuchia đều cho thấy họ có sự chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng cho lứa cầu thủ trẻ của mình.
Hai bàn ngay trong hiệp thi đấu thứ nhất trước ĐT Lào mang đến một hình ảnh rất ấn tượng về lối chơi mà Campuchia đang áp dụng.
Họ kiểm soát bóng ở khu vực 1/3 giữa sân và tấn công vùng cấm địa một cách đầy tự tin. Các tiền vệ tấn công của Campuchia di chuyển không bóng và lựa chọn đường chuyền hợp lý trong khi các tiền đạo cánh cho thấy tư duy chiếm lĩnh các khoảng trống tấn công một cách có huấn luyện.
Campuchia kiểm soát bóng trên phần sân đối phương. |
Tiền vệ tấn công và tiền đạo di chuyển không bóng mở ra khoảng trống cho tiền đạo cánh chiếm lĩnh. |
Tiền đạo cánh tự tin đi bóng vào trung lộ và kiến thiết cơ hội. |
Khả năng tham gia vào phạm vi tấn công của hai tiền vệ hoạt động ở giữa sân là một dấu ấn đáng chú ý trong cách chơi của Campuchia. Các tiền vệ tấn công của đội bóng này luôn có xu hướng chơi cao, hoạt động sau lưng hàng tiền vệ của đối thủ. Điều này thể hiện tư duy muốn đẩy cao đội hình, kiểm soát bóng và tạo ra các cơ hội tấn công.
Tiền vệ tấn công ở biên có xu hướng và tư duy dâng cao, chiếm lĩnh các khoảng trống sau lưng hàng tiền vệ đối phương. |
Tiền vệ tấn công di chuyển chiều sâu, thực hiện tình huống kiến tạo. |
Các pha tấn công của Campuchia tương đối bài bản với các điểm xâm nhập vùng cấm địa đa dạng. |
Không chỉ trước Lào, Campuchia cũng thể hiện một phong cách bóng đá tương tự trước cả Malaysia và Indonesia. Ở những thời điểm hai đối thủ này không gây áp lực quyết liệt, đội bóng của HLV Honda tự tin kiểm soát bóng ở khu vực giữa sân và tạo ra những tình huống xâm nhập vùng cấm địa đối phương bài bản.
Các cầu thủ ở cùng biên di chuyển ăn ý, chiếm lĩnh các khoảng trống. |
Quyết định xử lý bóng cho thấy dấu ấn của sự huấn luyện, khi cầu thủ nhận bóng có ý đồ chuyển hướng tấn công. |
Hệ quả, tiền đạo cánh ở biên đối diện xâm nhập vùng cấm và có trạng thái một đấu một với hậu vệ Malaysia. |
Không khó để thấy những phương án tấn công khác nhau được Campuchia sử dụng trong cả 3 trận đã qua của đội bóng này tại bảng B. Lối chơi kiểm soát bóng của họ được xây dựng dựa trên khả năng hoán đổi vị trí linh hoạt giữa các cầu thủ, tư duy chơi bóng khai thác chiều rộng sân bằng các tình huống chuyển hướng cùng các tình huống di chuyển lôi kéo, tạo khoảng trống mang dấu ấn rõ nét của sự huấn luyện.
Những tình huống di chuyển lôi kéo, tạo khoảng trống ấn tượng của Campuchia ở 1/3 cuối sân. |
Đội bóng của ông Honda còn tỏ ra đầy tự tin thực hiện những tình huống triển khai bóng từ thủ môn trước áp lực của đối phương. Tâm lý thoải mái trong lối chơi lẫn mục tiêu tham dự giải đấu giúp Campuchia nhập trận với mục đích hoàn thiện chất lượng thi đấu của mình nhiều hơn là đạt được kết quả thuận lợi.
Hai trung vệ và thủ môn tự tin kiểm soát bóng. |
Thoát khỏi áp lực của đối phương. |
Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng chất lượng những tình huống xử lý bóng của các cầu thủ Campuchia vẫn còn nhiều thiếu sót. Họ tham dự giải đấu với một đội hình để chuẩn bị cho SEA Games tiếp theo, với cơ hội ra sân dành cho những cầu thủ còn rất trẻ.
Hai tiền đạo cánh Lim Pisoth và Sieng Chanthea, những người đã đá chính cả 3 trận, đều sinh sau năm 2000 trong khi trung vệ Tes Sambath mang áo số 6, đội phó của Campuchia, cũng mới 21 tuổi.
Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng dứt điểm của Campuchia trong các tình huống cuối cùng. Sự non kém của các cầu thủ Campuchia cũng nhiều lần khiến họ trả giá khi tự tin triển khai bóng từ sân nhà.
Tự tin triển khai bóng từ thủ môn. |
Tuy nhiên, kỹ thuật cá nhân không tốt khiến Campuchia để mất bóng và ngay lập tức đối mặt với cơ hội nguy hiểm. |
Dù vậy, trước trận gặp ĐT Việt Nam, ông Hirose vẫn tỏ ra kiên định với những gì bóng đá Campuchia đang theo đuổi:
“Như tôi đã đề cập xuyên suốt giải đấu, chúng tôi muốn duy trì lối chơi đã và đang được xây dựng. Chúng tôi hiểu đây là một thử thách khó bởi Việt Nam đang hướng đến vị trí nhất bảng. Nhưng chúng tôi muốn kiểm soát bóng, muốn gây ra sự nguy hiểm cho đối phương thông qua khả năng kiểm soát ở phạm vi giữa sân và 1/3 cuối sân.”
Khoảng cách về đẳng cấp
Tư duy mới mẻ và sự cải thiện ở khả năng kiểm soát bóng có thể xem là một dấu ấn đáng khích lệ mà bộ đôi Hirose cùng Honda đã tạo ra với bóng đá Campuchia. Nhưng dù đã có những cải thiện khi cầm bóng, thì khả năng phòng ngự vẫn khiến đội bóng này nhận những thất bại không nhỏ. Những kết quả ấy cho thấy khoảng cách lớn về đẳng cấp giữa họ và nhóm đầu khu vực, đặc biệt ở khía cạnh sức mạnh thể chất.
Những bàn thua của Campuchia trước Malaysia và Indonesia tương đối điển hình cho khoảng cách ấy.
Trong 3 bàn thua trước Malaysia, có một bàn đến từ sai lầm cá nhân dẫn tới quả phạt đền, một bàn từ tình huống phản công và một từ pha tấn công tốc độ của Malaysia. Campuchia cũng thua 2 bàn từ các quả phạt góc trước Indonesia, một bàn từ tình huống tranh chấp bất thành và một từ một tình huống phòng ngự thiếu chắc chắn.
Vẫn có một khoảng cách tương đối lớn về sức mạnh, tốc độ giữa cầu thủ Campuchia và những nền bóng đá mạnh trong khu vực, điều khiến họ không thể có được một hàng phòng ngự tốt.
Pha tranh chấp hớ hênh của hậu vệ Campuchia trong trận gặp Indonesia. |
Tình huống dẫn đến pha ghi bàn của Evan Dimas. |
Campuchia thua thiệt hoàn toàn trong các tình huống cố định của Indonesia. |
Bàn thắng từ tình huống phản công của Malaysia. |
Không chỉ dừng lại ở điểm yếu cá nhân, hệ thống phòng ngự của Campuchia cũng không cho thấy nhiều cải thiện. Tồn tại lớn nhất của đội bóng này nằm ở tính tổ chức. Khả năng che chắn và hạn chế các khoảng trống tấn công của 3 tiền vệ đều không tốt. Cả Malaysia và Indonesia đều đã dễ dàng khai thác hạn chế này.
Tiền vệ Campuchia áp sát mà không quan sát khoảng trống sau lưng. |
3 tiền vệ Campuchia để đối thủ thực hiện các đường chuyền xuyên tuyến tương đối dễ dàng. |
Khả năng kiểm soát khoảng trống sau lưng, chọn thời điểm áp sát của Campuchia còn nhiều thiếu sót. |
7 bàn thua sau 3 trận là con số không mấy ấn tượng. Nhưng việc đã ghi bàn ở cả 3 trận đấu, 6 lần tìm được mành lưới đối thủ cùng sự kiên định với định hướng chơi bóng của mình là tín hiệu đáng mừng không chỉ với Campuchia mà cho cả bóng đá khu vực.
Những ví dụ như Campuchia khiến chất lượng chuyên môn của AFF Cup được cải thiện đáng kể, không còn những trận đấu một chiều như trong quá khứ. Và chắc hẳn, đây sẽ không phải một trận đấu nhẹ nhàng cho ĐT Việt Nam.