Sáng 13/2 (mùng 2 Tết), nhiều hộ kinh doanh ở Hà Nội đã khai trương, mở hàng đầu năm. Nhân viên tại cửa hàng hoa trên phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) đã luôn tay luôn chân từ sáng sớm để chuẩn bị cho việc khai trương lấy ngày. |
Nhà ở Văn Lâm (Hưng Yên) giáp ranh với huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) nên năm nay, chị Nguyễn Thị Liên (45 tuổi), bán hoa trên đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), quyết định ăn Tết tại Hà Nội. “Mọi năm, tôi đều xem ngày để mở hàng và năm nào cũng bán vào sáng mùng 2. Năm nay, tôi mở bán từ 8h sáng và chuẩn bị nhiều mẫu hoa mới vì sắp tới ngày Lễ Tình nhân”, chị Liên chia sẻ. |
Bán bún hơn chục năm trên phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), bà Hồng (chủ quán) cho biết năm nào cũng mở bán từ 6h sáng đến khoảng 4h chiều mùng 2 Tết. “Năm nay dịch bùng phát trước Tết nên bán được ít hơn mọi năm”, bà cho biết thêm. |
Gần 10h sáng, cửa hàng điện nước, máy bơm trên phố Tây Sơn mới mở hàng đầu năm vì đây là nhà riêng. Chủ cửa hàng cho biết, tuy không tìm hiểu ngày nào đẹp để khai trương, mọi năm đều mở hàng vào sáng mùng 2. |
“Có năm mở hàng vào mùng 1, có năm mùng 2, lại có năm mùng 4. Năm nào tôi cũng xem ngày để mở hàng đầu năm cho năm mới thuận lợi, buôn may bán đắt. Tôi chỉ mở tới trưa, sau đó dọn dẹp nghỉ ngơi rồi chiều đi chúc Tết”, ông Trần Quang Xô (54 tuổi), chủ tiệm vàng trên phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ. |
Một số cửa hàng buôn bán xuyên Tết. Cửa hàng ăn trên phố Tây Sơn bán qua đêm nên đã lấy ngày từ đêm mồng 1, sau khi bắn pháo hoa giao thừa. |
Người kinh doanh thường hay xem ngày để khai trương, buôn bán. Những ngày chẵn như mùng 2, mùng 4 và mùng 6 thường là các ngày được chọn để mở hàng đầu xuân lấy may. |
Năm nay, mùng 6 người dân đi làm trở lại nên cũng có cửa hàng mở bán trước từ mùng 5. |
Một số ki-ốt trong các chợ dân sinh cũng hoạt động từ sáng sớm mùng 2. Hình ảnh ghi nhận ở chợ Nam Đồng (quận Đống Đa). |