Nhiều chủ cửa hàng ăn uống nghe tin được phép tiếp khách tại chỗ từ 6h ngày 14/10 liền lục đục dọn dẹp, chuẩn bị thực phẩm, đồ đạc ngay trong tối 13/10. Hình ảnh tại phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy. |
Anh Tuân, chủ một cửa hàng bún tại quận Cầu Giấy, dọn dẹp quán và chuẩn bị nước dùng. “Quán tôi nghỉ bán từ tháng 7 đến hôm nay, tất cả nhân viên đều về quê hết rồi, hiện tại chỉ có một mình tôi sửa soạn. Nghe tin được mở cửa bán lại tôi rất vui, mặc dù một hơi cực một chút”, anh nói. |
“Quán cà phê của mình nghỉ bán 3 tháng nay rồi, cũng không bán mang về, may mắn được chủ nhà chia sẻ bớt một phần tiền mặt bằng nên cũng đỡ phần nào. Nhân viên của mình chủ yếu là các em sinh viên và vẫn chưa lên Hà Nội được. Ngày mai cũng chỉ có mỗi một mình mình bán hàng thôi”, chị Hòa - chủ một cửa hàng cà phê tại phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy - chia sẻ. |
Chị Tâm - chủ quán phở Ngũ Xã tại phố Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy - dọn dẹp lại bàn ghế để chuẩn bị cho ngày mai bán hàng. “Thực sự tôi rất vui khi biết được mở bán tại cửa hàng. Những ngày qua tôi đã bán cho khách mang về nhưng không đủ chi phí để chi trả cho nhân viên và tiền mặt bằng”, chị Tâm nói. |
Con trai chị Tâm lắp đặt và lau chùi các tấm chắn để đảm bảo yêu cầu phòng dịch theo yêu cầu. |
“May mắn là mặt bằng là của gia đình tôi nên cũng đỡ đi phần nào chi phí. Những ngày vừa qua tôi cũng đã mở bán mang đi nhưng chỉ đạt được 50% doanh số", anh Duy - chủ một quán phở tại Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy - nói. Do nhân viên đều đã về quê nên cả gia đình anh cùng nhau tự dọn dẹp. |
Chị Mai - chủ một quán phở tại Tô Hiệu - chuẩn bị những khâu cuối cùng cho việc mở bán vào ngày mai. “Ba tháng vừa qua thực sự rất khó khăn với quán, tiền mặt bằng không được giảm, một số đầu bếp chủ chốt về quê nhưng mình vẫn phải trả lương để giữ chân”, chị nói. |
Tại một cơ sở bún chả Sinh Từ ở quận Ba Đình, công tác chuẩn bị đã được hoàn tất, các tấm chắn đã được lắp đặt. Anh Nguyễn Quốc Đạt - quản lý quán - cho biết tất cả nhân viên đều đã tiêm đủ hai mũi vaccine. |
Quán lẩu hải sản của gia đình chị Chu Thị Hiền cũng nghỉ bán suốt 2 tháng qua. Do đặc thù món ăn không thể bán mang về gia đình chị chấp nhận "mất việc". Nhận được tin Hà Nội cho phép khách ăn tại chỗ, ngay tối 13/10, ba mẹ con chị Hiền bắt tay ngay vào dọn dẹp, lau rửa hàng chục bộ bàn ghế. |
"Không biết sau dịch buôn bán như nào nhưng cứ được mở lại là tôi thấy khởi sắc rồi. Nếu không quay lại bán hàng, chỉ chi phí thuê mặt bằng thôi tôi cũng xoay không kịp", chị Hiền chia sẻ. Giống như nhiều hàng quán khác, điều chị Hiền lo lắng hiện nay là nhân viên về quê hết nên khó để thuê được người làm. |
Nghỉ học vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, Loan (con gái chị Hiền) ra tiệm để phụ mẹ. 20h, cô bé vẫn cặm cụi trong căn bếp ngổn ngang hộp xốp, nguyên liệu, bát đĩa... |
Thuê nhà mở quán đồ uống chưa được một tháng thì phải đóng cửa nghỉ dịch, Quang Sáng cũng lấy làm mừng vì được đi làm trở lại. |
21h, Sáng có mặt ở quán để bày lại bàn ghế và sắp xếp các giá sách cho gọn gàng, chuẩn bị chu đáo để tiếp những đợt khách đầu tiên sau dịch. Sáng cũng cho biết thêm do tình hình dịch bệnh, anh được giảm 10% tiền thuê nhà dù số tiền không nhiều. |
"Giờ cứ được làm việc là vui lắm rồi. Đi từ nhà ra quán thôi cũng thấy có không khí", Sáng cười nói vui vẻ sau hơn 2 tháng nghỉ việc ở nhà. |
Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Công điện 21 điều chỉnh một số hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn trong tình hình mới.
Từ 6h ngày 14/10, UBND Hà Nội cho phép cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; thường xuyên tự đánh giá nguy cơ và thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích làm việc trực tuyến.
Trong đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn. Chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR.