Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, cà phê là một trong những nông sản chủ lực sụt giảm mạnh cả về lượng lẫn giá trị xuất khẩu trong năm nay. Tính đến hết tháng 7, doanh nghiệp chỉ xuất khẩu 786.493 tấn, trị giá 1,62 tỷ USD (giảm 34,3% về lượng và 34,2% giá trị so với cùng kỳ 2014). Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, mặt hàng cà phê hòa tan (CPHT) xuất khẩu lại có mức tăng trưởng tốt. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam lọt top 5 nước xuất khẩu CPHT lớn trên thế giới, đứng sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.
Thị phần của CPHT Việt Nam trên thế giới phát triển mạnh trong 5 năm qua, tăng từ 1,8% lên 9,1%. Dựa trên số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, nửa đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 34.000 tấn CPHT, sản lượng tốt nhất từ 2010. Bãi đáp của mặt hàng này thường là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Philippines, Trung Quốc... Dự báo, trong niên vụ 2014/2015, Việt Nam có thể xuất khẩu 78.000 tấn CPHT, tăng 44% so với niên vụ trước.
Thị trường giàu tiềm năng
Các cơ quan, tổ chức nước ngoài đánh giá thị trường CPHT thế giới tăng trưởng mạnh trong những năm qua cũng như thời gian tới. Số liệu gần đây cho thấy, CPHT chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và tăng trưởng mỗi năm khoảng 3% trong 5 năm tới. Việt Nam có lợi thế là quốc gia sản xuất hạt cà phê Robusta lớn trên thế giới, trong khi đây là nguyên liệu chính để chế biến CPHT. Vì vậy, Việt Nam có cơ hội lớn nhờ sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào.
Cà phê hòa tan ngày càng được nhiều người dùng ưa chuộng. |
Bên cạnh yếu tố thuận lợi từ thị trường thế giới, CPHT cũng được ưa chuộng tại thị trường nội địa. Nhịp sống hiện đại khiến mọi người không còn nhiều thời gian thưởng thức cà phê pha phin truyền thống, thay vào đó là uống cà phê nhanh chóng hơn và CPHT trở thành lựa chọn phổ biến. Anh Nguyễn Minh (giám đốc một công ty truyền thông tại quận 1, TP HCM) chia sẻ: “Nhiều lúc công việc dồn dập không còn thời gian ngồi quán, nếu muốn uống cà phê, tôi chọn loại hòa tan để giữ đầu óc tỉnh táo”. Còn chị Nguyễn Hồ (nhân viên bộ phận khách hàng cho một công ty nhiên liệu tại quận 7, TP HCM) chọn CPHT để tiếp khách hàng ngay tại công ty vì sự tiện lợi của sản phẩm.
Doanh nghiệp thay đổi để phát triển
CPHT tiện sử dụng, bảo quản lâu, dễ sử dụng và đáp ứng nhu cầu cho những ai không có nhiều thời gian thưởng thức. Thế nhưng, nhiều người như chị Lan Anh (nhân viên văn phòng tại quận 3, TP HCM) không thích dùng CPHT vì cho rằng hương vị không ngon như loại pha phin. Do đó, để thỏa ý thích, chị thường dậy sớm pha cà phê theo cách truyền thống và mang đến văn phòng làm việc.
Nguyên nhân làm hương vị CPHT lại không giống pha phin là CPHT thường chiết xuất ở nhiệt độ cao, làm cà phê bị ninh nhừ và bay mất chất. Do vậy, những người sành cà phê sẽ không cảm thấy thật sự ngon khi uống. Đây cũng là một điểm yếu của mặt hàng này tại thị trường nội địa. Để khắc phục, nhiều ông lớn trong ngành CPHT đã nghiên cứu hoàn thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng.
Cà phê hòa tan Vinacafé Chất của Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa. |
Đơn cử như Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa, một trong những đơn vị sản xuất CPHT lớn tại Việt Nam, vừa giới thiệu thương hiệu cà phê sữa đá Vinacafé Chất. Sản phẩm sử dụng 100% nước cốt đầu tiên của cà phê rang xay nguyên chất, mang đến cho người thưởng thức ly cà phê sữa đá uống liền đậm ngon như pha phin. Điều này được những tín đồ cà phê đón nhận nồng nhiệt, bởi họ có thể thưởng thức món uống ngon đúng điệu ngay cả khi bận rộn. Đồng thời, sản phẩm cũng mở ra hướng phát triển mới cho mặt hàng CPHT Việt Nam.