Bảo Vi (25 tuổi, Tân Bình, TP.HCM) đã gọi điện đến 4-5 tiệm nail để đặt lịch nhưng chỉ nhận được những lời từ chối do tiệm đã kín khách cho đến tận 30 Tết.
Cuối cùng, Vi may mắn chốt được một suất làm nail vào lúc 21h tối 28 Tết. Để chắc chắn, phía tiệm yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước 100.000 đồng để giữ chỗ. Nếu hủy hẹn, Vi sẽ phải chịu mất khoản tiền này.
Sát Tết, nhu cầu nhuộm tóc, làm nail, nối mi tăng vọt. Nhiều khách hàng phải đặt trước 2-3 tuần, chấp nhận trả số tiền lớn hơn để kịp làm đẹp ăn Tết.
Khách hàng kiên nhẫn chờ đợi để được làm tóc sát Tết. Ảnh: Gu Hair Salon. |
Giống như Bảo Vi, Thuỳ Dung (27 tuổi, TP Thủ Đức) cũng phải đặt trước lịch làm nail để “chắc suất" trong thời gian cao điểm.
“Không giống như quần áo, mỹ phẩm có thể mua sắm trước, làm nail hay nối mi phải làm sát Tết để chơi được lâu. Vậy nên, năm nào tôi cũng chờ đến 27-28 Tết".
Cũng vì tâm lý chung này nên các tiệm nail luôn trong tình trạng quá tải. Ngọc Tâm (21 tuổi) - nhân viên tiệm nail ở quận 3 cho biết cô đã làm việc liên tục từ 8h sáng đến 22h đêm.
“Khách vào nối tiếp nhau cả ngày, nhiều khi 3-4h chiều tôi mới nghỉ tay để ăn bữa đầu tiên trong ngày” - Ngọc Tâm chia sẻ. Nhiều hôm, nữ nhân viên này còn làm việc đến 1-2h sáng vì khách đến muộn hay phát sinh một số dịch vụ như nối móng, vẽ móng cầu kỳ.
Ly Lê - founder của hệ thống 21 tiệm nail tại TP.HCM cho biết các tiệm của cô đã kín lịch đặt chỗ trước cho đến 30 Tết. Xác định sớm đây là thời điểm vào mùa kinh doanh chính, cô đã chuẩn bị trước nhân sự cũng như dịch vụ để làm việc hết công suất trước thềm năm mới.
“Khách có xu hướng chi tiêu nhiều hơn vào dịp Tết vì thường chọn làm mẫu nail cầu kỳ, phức tạp. Một hóa đơn thông thường rơi vào khoảng 300.000 đồng đến 500.000 đồng nay có thể lên đến 600.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng" - Ly Lê nói với Zing.
Tình trạng đông đúc, quá tải cũng diễn ra ở nhiều tiệm làm tóc. 3 tầng lầu tại Gu Hair Salon quận 1 luôn trong tình trạng chật kín khách.
“17 ghế tại tiệm của tôi luôn trong tình trạng kín khách. Vì khách đông nên thợ cũng phải làm việc hết công suất từ 8h đến 2h sáng ngày hôm sau” - Nguyễn Vũ Hiếu, founder của salon tóc này nói với Zing.
Cũng theo anh Huy, dịch vụ được ưa chuộng nhất là tẩy và nhuộm tóc. Vào dịp Tết, một khách hàng có thể chi trả lên đến 15 triệu đồng cho dịch vụ cắt, nhuộm, phục hồi tóc.
Vì quá bận rộn nhưng chưa đặt lịch trước, Bảo Chung (28 tuổi, Bình Thạnh) còn chấp nhận trả số tiền 1,5 triệu đồng để được hair stylist cắt tóc, tạo kiểu vào chiều 30 Tết. Dù khoản tiền này đắt gấp 6-7 lần so với ngày thường nhưng vị khách này cho rằng mức giá đó là hợp lý cho dịch vụ vào “phút thứ 90”.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế