“Chiếc tiêm kích hạ cánh khẩn cấp vì bộ phận hạ cánh không mở ra. Điều này có nghĩa chiếc máy bay ‘hạ cánh bằng bụng’”, một quan chức quân đội Hàn Quốc nói, CNN đưa tin ngày 5/1.
Quan chức Hàn Quốc cho biết người phi công trên chiếc tiêm kích bình yên vô sự. Nhà chức trách đã tạm dừng hoạt động của mọi chiếc F-35A trong lúc điều tra sự việc, theo Yonhap News.
Theo các chuyên gia, lần “hạ cánh bằng bụng” này là sự kiện chưa có tiền lệ đối với mẫu tiêm kích tàng hình trị giá 100 triệu USD do Mỹ thiết kế và đang được hơn một chục nước sử dụng hoặc đặt mua.
Một tiêm kích F-35A của Hàn Quốc bay trình diễn trong một sự kiện tại căn cứ không quân Seoul vào năm 2019. Ảnh: Yonhap. |
Hiện chưa rõ liệu chiếc máy bay có bị thiệt hại trong sự việc hay không. Nhưng kể cả khi có thiệt hại, điều này vẫn thể hiện kỹ thuật bay xuất sắc của phi công, CNN dẫn lời một quan chức quân đội Hàn Quốc khác.
“Tôi rất ngạc nhiên khi hệ thống hạ càng máy bay khẩn cấp không hoạt động hoặc không được sử dụng”, Peter Layton, một cựu sĩ quan Không quân Australia, nói.
Ông Layton cũng tỏ ra ngạc nhiên vì người phi công Hàn Quốc không kích hoạt ghế phóng thoát hiểm, “nhưng rõ ràng là người này đã làm điều đúng đắn”.
Vụ việc ngày 4/1 là sự cố đầu tiên đối với một chiếc F-35 của Hàn Quốc, nhưng loại tiêm kích này từng có liên quan tới ít nhất 8 sự cố khác trên thế giới, theo trang F-16.net.
Trong sự cố gần nhất, một chiếc F-35 của Anh đã đâm xuống biển Địa Trung Hải sau khi cất cánh từ tàu sân bay vào tháng 11/2021. Phi công đã bật ghế phóng thoát hiểm an toàn.
Hàn Quốc nhận chiếc F-35 đầu tiên do Mỹ sản xuất vào năm 2019. Đây là một phần của đơn đặt hàng đầu tiên gồm 40 chiếc tiêm kích động cơ đơn, theo nhà sản xuất Lockheed Martin.