Là một người yêu tự do, Alister Ross (sống tại thị trấn Stirling, Scotland, Anh), sinh viên trường Đại học Robert Gordon, luôn khao khát được sống xa gia đình.
Tại Scotland, học sinh 16 tuổi có thể rời khỏi trường mà không cần hoàn thành năm cuối. Sau khi học hết năm thứ 5, Ross đã đăng ký vào trường đại học ở thành phố Aberdeen.
Suốt những ngày tháng sau đó, chàng trai sa đà vào tiệc tùng, thường xuyên đến các câu lạc bộ thoát y, mê rượu và dính đến ma túy. 2 năm sau, Ross trở nên suy sụp tinh thần và mắc khoản nợ 4.000 bảng Anh, theo VICE.
Buông thả bản thân
“Khi đến nơi ở mới, rượu chiếm phần lớn trong cuộc sống của tôi. Nhưng phải đến năm thứ 2, tôi mới bắt đầu lao vào con đường tự hủy hoại bản thân”, Ross nói với VICE.
Ross không ngừng lao vào những cuộc chơi thâu đêm và không ngần ngại chi 2.000 bảng Anh cho chất gây nghiện, quần áo hàng hiệu. Nợ nần chồng chất, khoản tiền dành cho việc học cạn kiệt, Ross quyết định đi làm.
Anh xin được một công việc phục vụ quán bar tại địa phương để có tiền tổ chức sinh nhật 18 tuổi. Điều này đã đẩy sự sa đọa của Ross lên đến đỉnh điểm.
Việc tiêu xài hoang phí khiến Ross nhanh chóng hết tiền. Ảnh: The Times. |
Mỗi tuần, chàng trai trẻ nhận được 220 bảng Anh và nhanh chóng tiêu hết toàn bộ vào các dịch vụ giải trí về đêm.
“Tôi đã tiêu tiền không đếm xuể. Chẳng bao lâu, tôi còn không đủ tiền để thuê nhà. Nhiều lần tôi phải nhảy ra khỏi cửa sổ phòng khách để trốn chủ nhà. Tôi đã phớt lờ mọi cuộc gọi, tin nhắn của anh ta. Không còn tiền mua thức ăn, tôi lén lấy thực phẩm từ các bạn sống cùng”, Ross kể.
Sau những ngày tháng ăn chơi, sức khỏe tinh thần của Ross ngày càng suy sụp. Anh rơi vào hố sâu tuyệt vọng với khoản nợ khổng lồ và sự mệt mỏi, bí bách. Bất kỳ nỗ lực nào để ngăn chặn cơn điên loạn đều trở nên vô ích.
“Tiệc tùng quá trớn ở tuổi 18 đã để lại cho tôi khoản nợ khổng lồ”.
Thoát khỏi cuộc vui
Nhiều tháng sau, Ross dần hồi phục khi hẹn hò với một cô gái cũng làm việc ở quán bar, tên là Christie. Anh tự chấm dứt tình trạng tiệc tùng mất kiểm soát và xây dựng thói quen ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ.
“Tôi không còn thấy cô đơn. Tôi chia sẻ với Christie về căn bệnh trầm cảm và những rắc rối về tiền bạc ngay từ đầu. Cô ấy chấp nhận tất cả và đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi không ngừng biết ơn về điều đó”, Ross bày tỏ.
Lần đầu tiên sau 6 tháng, anh nhấc điện thoại gọi cho bố vào sáng sớm. Chàng trai thú nhận mọi lỗi lầm và nhận được sự giúp đỡ từ gia đình về khoản nợ tiền nhà.
“Tôi phải lấy hết can đảm để gọi về nhà. Đó là cuộc trò chuyện khó khăn nhất mà tôi từng có. Tôi đã ước mình không phải rơi vào bước đường cùng này và hứa với bố mẹ sẽ làm lại từ đầu”.
Đôi trẻ kiếm được một căn hộ nhỏ hơn với giá 300 bảng Anh/tháng. Ross nhận được công việc toàn thời gian trong một cửa hàng bán thức ăn nhanh thông qua người bạn cùng lớp. Còn Christie làm việc tại một khách sạn địa phương.
Ross thường nhớ lại bài học vào năm 18 tuổi để nhắc nhở bản thân. Ảnh: New York Times. |
Ross đã tích lũy tiền lương để gửi lại khoản tiền 2.000 bảng Anh mà bố đã trả giúp. Ngoài chăm chỉ làm việc, anh cũng điều trị bệnh trầm cảm và đang dần hồi phục. Nói với VICE, Ross cho biết anh sẽ không bao giờ quên được bài học đầu đời vào năm 18 tuổi.
Khi nhìn lại thời gian đó, Ross luôn ghi nhớ từng khoảnh khắc và thấy tiếc nuối vì đã phí hoài một quãng đường tuổi trẻ.
“Tôi không bao giờ có thể vực dậy nếu không có Christie. Bố tôi nói hãy tập trung vào việc làm lại cuộc đời và tận hưởng hạnh phúc bên người yêu. Tôi đã học được bài học đó một cách khó khăn. Tôi sẽ mãi mãi biết ơn những người đã luôn ở bên và kéo tôi khỏi vực sâu”.
Ross đã lập gia đình và có một cậu con trai. Anh luôn chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và học cách quản lý tiền bạc.