Một báo cáo mới cho thấy các lời tuyên truyền chống vaccine ở Indonesia thường được lan truyền từ những người có ảnh hưởng tôn giáo ở quy mô nhỏ. Xung quanh đó là các thuyết âm mưu và quan điểm chống chính phủ và chống Trung Quốc. Điều này đã đặt ra thách thức cho nỗ lực tăng tốc tiêm chủng của Indonesia trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ở nước này tiếp tục tăng, theo South China Morning Post.
Báo cáo do Yatun Sastramidjaja và Amirul Adli Rosli tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak (ISEAS-Yusof Ishak) ở Singapore viết, cho biết số lượng thông tin tuyên truyền chống vaccine trên mạng xã hội hiện nay ở Indonesia là “đáng lo ngại”.
Theo báo cáo này, một số người có tầm ảnh hưởng vi mô về tôn giáo, có từ 10.000 đến 50.000 người theo dõi trên mạng xã hội, “có nền tảng, phạm vi tiếp cận và khả năng tạo nội dung để truyền bá thông điệp của họ đến một số lượng lớn người ủng hộ, gồm những người sùng đạo, tin tưởng vào các hình mẫu tôn giáo”.
Một khu chôn cất các nạn nhân Covid-19 ở Jakarta, Indonesia, ngày 24/6. Ảnh: Reuters. |
Thông tin sai lệch tràn lan
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi các bài viết có gắn thẻ #vaksin (vaccine) và #tolakvaksin (từ chối vaccine) được người dùng Indonesia đăng trên TikTok vào tháng 3 và tháng 4.
Video hàng đầu trên nền tảng này được đăng tải vào tháng 3, có gắn thẻ #vaksin. Người xuất hiện trong đoạn phim là nghị sĩ Ribka Tjiptaning - một thành viên của đảng Dân chủ - Đấu tranh Indonesia (PDI-P). Trong video, nghị sĩ này lên tiếng phản đối chương trình tiêm chủng của đất nước và đặt ra những nghi ngờ về tính an toàn của vaccine Covid-19.
Đoạn phim do tài khoản @adab.ulama đăng tải, tên tài khoản này tạm dịch là "tư cách học giả tôn giáo", đã thêm một bài hát về tôn giáo vào clip nói của Ribka. Video thu hút 1,6 triệu lượt thích, 577.000 bình luận và 51.600 lượt chia sẻ, theo báo cáo. Video đã bị TikTok gỡ bỏ.
“Chính phủ Indonesia phản ứng với thông tin sai lệch trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác bằng các biện pháp kiểm duyệt và ngăn chặn”, các nhà nghiên cứu viết.
“Tuy nhiên, cách tiếp cận nặng tay này không khắc phục được sự do dự về vaccine, và không giải đáp được các mối bận tâm cho người dân”. Nhóm nghiên cứu cho rằng khi gạt bỏ hoặc im lặng trước những ý kiến chống vaccine như vậy trên mạng xã hội, chính phủ có nguy cơ bỏ qua lo lắng của một bộ phận đáng kể người dân.
Tiêm chủng tại nhà cho người dân ở Cianjur, Tây Java, Indonesia, ngày 15/6. Ảnh: Reuters. |
Tuyên truyền chống vaccine vẫn đang lan tràn trên mạng xã hội ở Indonesia bất chấp chính phủ và các nền tảng mạng xã hội liên tục ngăn chặn. Tuần này ở châu Á, một video trên kênh YouTube ủng hộ Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) - một nhóm theo chủ nghĩa chính thống Hồi giáo bị cấm - được đăng tải vào đầu tháng 6, quảng bá về các thuyết âm mưu và bài Do Thái, thu hút hơn 230.000 lượt xem.
Trong video, một giáo sĩ cho rằng việc Indonesia mua vaccine của Trung Quốc là điều đáng xấu hổ, vì hiệu lực của loại vaccine này vẫn còn bị nghi ngờ. Ông cũng nhiều lần chia sẻ các thuyết âm mưu nói rằng vaccine là "công cụ của người Do Thái để tiêu diệt người Hồi giáo", và chính phủ khởi động chương trình tiêm chủng vì "Indonesia mắc nợ các nước tư bản". Video hiện vẫn tồn tại trực tuyến.
“Các anh chị em Hồi giáo của tôi, chúng ta sẽ đoàn kết. Chúng ta sẽ chiến đấu. Đừng để họ đánh lừa chúng ta”, một người bình luận về video.
Sức khỏe trở thành công cụ tuyên truyền chống phá
Các thuyết âm mưu chống vaccine cũng xuất hiện trên Instagram. Trang This Week in Asia đã tìm thấy một đoạn clip của một giáo sĩ khác nói rằng bất kỳ ai tiêm vaccine “sẽ chết trong khoảng hai hoặc ba năm”. Đoạn video ban đầu do cùng kênh ủng hộ FPI trên YouTube đăng tải, thu hút 8.000 lượt xem trên Instagram.
“Bất kỳ vấn đề nào ở Indonesia đều có thể trở thành lý lẽ để công kích chính phủ. Nhưng không may, giờ đây sức khỏe đang bị đem ra làm công cụ. Điều này có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của người dân về việc tiêm vaccine”, Ika Karlina Idris, giảng viên trường cao học về truyền thông tại Đại học Paramadina ở Jakarta, cho biết.
“Chính phủ nên trả lời mối quan tâm của công chúng về vaccine, để họ không đưa ra kết luận sai lầm”, Idris nói.
Bệnh nhân Covid-19 nằm trong lều tạm bên ngoài khu cấp cứu của một bệnh viện ở Bekasi, ngoại ô Jakarta, Indonesia, ngày 25/6. Ảnh: Reuters. |
Muhammadiyah, nhóm Hồi giáo lớn thứ hai của đất nước, cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về thông tin sai lệch về vaccine.
“Nếu các quan điểm chống vaccine, chống lại các tầm nhìn về Covid-19 tiếp tục phát triển, công chúng sẽ mất cảnh giác và nhân viên y tế tại bệnh viện sẽ lại quá tải. Có khả năng thông tin sai lệch tạo ra bất hòa trong nhân dân”, người đứng đầu Muhammadiyah, Haedar Nashir cho biết vào ngày 23/6.
Ông Haedar cho rằng tâm lý bài vaccine một phần cũng đến từ sự mất lòng tin của người dân đối với cách chính phủ xử lý đại dịch Covid-19.
“Chính phủ cấm di chuyển nội địa nhưng địa phương vẫn cho phép mở các điểm du lịch. Điều này nhấn mạnh sự bất đồng giữa chính quyền trung ương và địa phương”, Haedar nói.
Theo Mafindo, một nhóm chống thông tin sai lệch, những người chống vaccine cũng lợi dụng tâm lý bài Trung Quốc trên mạng xã hội Indonesia.
“Tâm lý chống Trung Quốc này rất dễ bị lợi dụng”, theo Aribowo Sasmito, một trong những người sáng lập của nhóm chống thông tin sai lệch.
Indonesia đã triển khai hơn 104 triệu liều vaccine Covid-19. 94,5 triệu liều trong số đó là vaccine Sinovac của Trung Quốc, còn lại là vaccine AstraZeneca và Sinopharm.
Tiêm chủng Covid-19 tập trung tại sân vận động Istora Senayan ở Jakarta, Indonesia, ngày 16/6. Ảnh: Reuters. |
Trên Twitter, khi tìm kiếm cụm từ “vaksin China” (vaccine Trung Quốc), kết quả bao gồm một bài đăng vào ngày 23/6 từ một tài khoản chống chính phủ có hơn 24.000 người theo dõi. Bài đăng viết: “Vaccine của Trung Quốc nguy hiểm vì chúng là vũ khí sinh học dùng để tiêu diệt người bản địa Indonesia”.
Chuyên gia Ika của Đại học Paramadina cho biết tâm lý chống Trung Quốc đã gia tăng kể từ khi đại dịch tấn công Indonesia.
Cô nói: “Năm ngoái, kỳ thị tiêu cực đối với Trung Quốc và người Trung Quốc rất mạnh mẽ”. Điều này bắt đầu vào đầu tháng 3, khi Indonesia công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Trước đó, nhiều công nhân và khách du lịch của Trung Quốc đã đến ở nước này.
Indonesia ngày 27/6 đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới theo ngày ở mức kỷ lục, với 21.342 trường hợp, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 2.115.304 trường hợp, theo dữ liệu từ lực lượng đặc nhiệm Covid-19 của nước này. Dữ liệu cũng cho thấy có 409 trường hợp tử vong mới chỉ sau một đêm, nâng tổng số người chết vì Covid-19 ở Indonesia lên 57.138 người - con số cao nhất ở Đông Nam Á.