Ngày 28/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết tình hình biên giới với Ấn Độ về tổng thể vẫn ổn định, và 2 bên đang giải quyết các vấn đề qua đàm thoại.
“Hai nước nên có phát ngôn và hành động nhằm hạ nhiệt tình hình và tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, chứ không phải điều ngược lại”, ông Uông nói.
Ông Uông tuyên bố như trên trong bối cảnh Ấn Độ vừa điều thêm 50.000 binh sĩ tới vùng biên giới với Trung Quốc, theo báo South China Morning Post.
Trong vài tháng qua, Ấn Độ di chuyển binh lính và đội phản lực tiêm kích tới 3 khu vực dọc biên giới với Trung Quốc, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết ngày 28/6.
Ấn Độ hiện có khoảng 200.000 binh lính tập trung tại biên giới với Trung Quốc, tăng 40% so với năm 2020. Điều này sẽ cho phép chỉ huy Ấn Độ có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiến hành các hoạt động quân sự và gia tăng kiểm soát ở vùng biên giới nếu thấy cần thiết, theo Bloomberg.
Một đội xe quân đội của Ấn Độ chở viện binh và quân nhu qua tuyến đường núi sát Trung Quốc tại Ladakh, Ấn Độ vào đầu tháng 6. Ảnh: TNS. |
Ba ngày trước khi Bloomberg đưa tin, ngày 25/6, Ấn Độ và Trung Quốc có cuộc gặp về vấn đề kiểm soát biên giới.
Quan chức ngoại giao hai bên nhất trí “củng cố kết quả (đạt được trong việc) ngừng leo thang và giải quyết hợp lý những vấn đề còn lại ở vùng phía tây biên giới”, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra rạn nứt sau các cuộc đụng độ ở vùng biên giới Ladakh vào năm 2020, khiến ít nhất 20 lính Ấn Độ và 4 lính Trung Quốc tử vong.
Tuy vậy, một số nhà quan sát Trung Quốc cho rằng việc Ấn Độ điều động thêm quân và xây thêm hạ tầng nhiều khả năng sẽ không làm căng thẳng leo thang.
Long Hưng Xuân, chuyên gia về quan hệ tại vùng Đông Á và chủ tịch Viện Quan hệ Thế giới Thành Đô (Trung Quốc), cho biết khả năng phóng chiếu sức mạnh của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Ấn Độ. Vì thế, Bắc Kinh sẽ không quá lo ngại trước động thái của đối phương.