Phạm Thị Thảo và Tạ Thanh Huyền thi đấu thuyền đôi nữ hạng nhẹ LW2x. Ở vòng loại, cặp VĐV Việt Nam đạt thành tích khá tốt với thời gian 7 phút 12 giây 02. Ở lượt thi chung kết sáng 25/4, họ tranh tài cùng những VĐV của Hàn Quốc, Hong Kong, Kazakhstan, Nhật Bản và Iran. Theo quy định của ban tổ chức, nội dung này có 3 suất đến Rio de Janeiro, dành cho 3 cặp đứng đầu. Với phong độ xuất sắc, hai VĐV Việt Nam đã về đích thứ 3, qua đó vượt qua vòng loại.
Phạm Thị Thảo/Tạ Thanh Huyền từng đoạt 2 HCV SEA Games 28. Ảnh: Hoàng Hà . |
Một thành viên của Liên đoàn đua thuyền Việt Nam cho biết, chắc chắn rowing Việt Nam sẽ góp mặt ở Olympic 2016 nhưng có khả năng đội chỉ được tối đa một suất. Vì thế, việc Phạm Thị Huệ hay Phạm Thị Thảo/Tạ Thanh Huyền đến Brazil chưa thể nói trước.
Với Phạm Thị Thảo, đây lần thứ 2 lên tiếp cô vượt qua vòng loại Olympic thuyền đôi nữ hạng nhẹ sau năm 2012 (cùng Phạm Thị Hài). Cô là VĐV chủ lực của rowing nữ Việt Nam suốt vài năm qua. Tại SEA Games 28, Thảo và Huyền đã đoạt 2 HCV nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ 500 m và 1.000 m.
Trước đó một ngày, Phạm Thị Huệ đã vượt qua vòng loại tranh vé đến Brazil thuyền đơn nữ hạng nặng. Vòng loại môn rowing khu vực châu Á và châu Đại Dương diễn ra tại Chungju (Hàn Quốc) từ ngày 22 đến 25/4.
Phạm Thị Thảo (sinh ngày 15/6/1989): Cô là VĐV quê Thái Bình, được phát hiện từ Hội khỏe phù đổng của tỉnh năm 2007. Sau gần một thập kỷ gắn bó với môn thể thao này, Phạm Thị Thảo đã sở hữu bộ sưu tập thành tích đồ sộ gồm 4 HCV SEA Games, 2 HCB, 1 HCĐ ASIAD.
Tạ Thanh Huyền (sinh năm 1994): Cô ở cùng quê với Phạm Thị Thảo. VĐV 22 tuổi này gắn bó với rowing từ năm 2010 sau khi thi trượt vào đội năng khiếu bóng chuyền nữ của tỉnh. Chuyển sang tập luyện và thi đấu rowing, Huyền đã nhanh chóng gặt hái những thành công, điển hình là 2 tấm HCV thuyền đôi nữ hạng nhẹ 500 m và 1.000 m (cùng Phạm Thị Thảo). Đó là giải đấu lớn đầu tiên mà hai người kết hợp với nhau.