- Ngày 27/6, tài khoản Facebook của ca sĩ Thủy Tiên chia sẻ video thí nghiệm về sữa từ một kênh TikTok. Kênh này dùng kính hiển vi so sánh 2 loại sữa, kết luận sữa của một thương hiệu "sạch" hơn so với sữa thông thường.
- Thủy Tiên đã chia sẻ lại video này để quảng cáo, kèm theo hashtag #SữaTươiVượtChuẩn. Bài đăng thu hút hơn 50.000 lượt tương tác.
- Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nội dung video này đã thực nghiệm sai khoa học.
- Nói với Zing, chủ kênh TikTok thừa nhận đây là video quảng cáo, dùng thủ thuật để phóng đại kết quả từ kính hiển vi.
- Thủy Tiên đã xóa bài đăng trên Facebook và hiện không thể liên lạc qua điện thoại. Kênh TikTok nói trên đã xóa đoạn video gây tranh cãi.
Soi 2 loại sữa dưới kính hiển vi để "so sánh chất lượng"
Video nói trên đăng tải lên kênh TikTok Kính Hiển Vi vào ngày 5/6, thu hút hơn 700.000 lượt xem. Trong đó, người thực hiện thí nghiệm lấy mẫu sữa của hai thương hiệu khác nhau, gồm sữa của hãng C* (sau đó được Thủy Tiên quảng cáo trên trang cá nhân) và một loại “sữa thường”, đưa vào kính hiển vi để so sánh.
Bài đăng của ca sĩ Thủy Tiên nhận hàng chục nghìn lượt tương tác, nhưng đã bị xóa sau khi có phản biện về tính chính xác của video. |
Theo lời dẫn video, ở mức phóng đại 1.000 lần, "sữa từ thương hiệu C* có mật độ protein, chất béo, dưỡng chất cao hơn". Người thực hiện video tiếp tục sử dụng mức phóng đại 2.000 lần và cho rằng mẫu sữa thường có "mật độ tạp trùng cao hơn".
“Như vậy là có thể kết luận mẫu sữa đầu vào từ trang trại C* chất lượng hơn hẳn mẫu sữa thường, thậm chí còn sạch vượt chuẩn nữa”, kênh Kính Hiển Vi kết luận trong video.
Phần thứ hai trong video của kênh Kính Hiển Vi là màn soi mẫu sữa của hãng C* ở mức phóng đại 400 lần và 1.000 lần. Kênh này đưa ra kết luận sữa tiệt trùng của thương hiệu này hoàn toàn không có “tạp trùng”, đồng thời giữ nguyên được hàm lượng các chất dinh dưỡng có lợi.
Kết thúc video, kênh này kêu gọi người dùng mua sản phẩm này để sử dụng. Video này được tài khoản Facebook của ca sĩ Thủy Tiên chia sẻ lại với hashtag #SữaTươiVượtChuẩn và tên hãng sữa vào ngày 27/6.
“Xưa giờ Tiên cũng nghĩ đơn giản là sữa tươi nào cũng như nhau, nhưng bây giờ nhờ xem video của Kính hiển vi mà phát hiện sữa C* sạch vượt cả chuẩn sữa Việt Nam luôn”, ca sĩ này viết trên trang cá nhân. Bài viết đã thu về hơn 50.000 lượt tương tác và hơn 1.800 bình luận.
Đến trưa 28/6, một nhân viên phòng thí nghiệm vi sinh đăng bài viết phản biện lại video này trên mạng xã hội, thu hút hơn 300 lượt chia sẻ. Tác giả video phản biện là anh T.H.Â, đang làm việc tại một phòng thí nghiệm kỹ thuật vi sinh tại Long An.
Ngoài ra, anh T.H. cũng cho rằng các thành phần chất dinh dưỡng trong sữa như chất béo, chất dinh dưỡng, hàm lượng vitamin không thể xác minh thông qua mức phóng đại 400 lần trên kính hiển vi. Bên cạnh đó, thành phần vi sinh, lợi khuẩn hại khuẩn phải nuôi cấy và xét nghiệm PCR để biết là chủng gì chứ không thể dùng kính hiển vi để kết luận.
Bài viết của anh  nhận được nhiều sự đồng tình từ người đọc. Tác giả sau đó cho biết tài khoản chính của mình đã bị báo cáo, tạm khóa sau khi bình luận vào bài viết của ca sĩ Thủy tiên.
Hiện tại, cả bài viết của Thủy Tiên và video trên kênh Tiktok Kính hiển vi đều đã bị xóa, nhưng fanpage chính thức của Kính hiển vi trên Facebook vẫn còn giữ video này.
Zing đã liên hệ ca sĩ Thủy Tiên nhưng chưa có phản hồi. Trong khi đó, đại diện kênh TikTok Kính hiển vi cho biết đã xóa video quảng cáo với lý do "không muốn tranh cãi".
Chưa chuẩn xác về mặt khoa học
Nhận định về clip này, nhiều chuyên gia cho rằng phần thao tác là “diễn”, không đúng quy trình. Các kết luận về chất lượng sữa của clip cũng không chuẩn xác nếu chỉ dựa vào kính hiển vi.
Theo đó, loại kính hiển vi quang học đang sử dụng ở các phòng thí nghiệm cũng như trong video gồm hai thành phần là thị kính và vật kính. Thị kính có mức phóng đại 10 lần, vật kính có 4 mức phóng đại là 4, 10, 40 và 100. Do vậy, các mức phóng đại cao nhất mà loại kính hiển vi này có được là 40 lần, 100 lần, 400 lần và 1.000 lần, không thể đạt 2.000 lần như trong video.
“Một số kính hiển vi quang học có thể độ phóng đại tối đa khoảng 1.500 lần. Tuy nhiên, khi sử dụng để quan sát mẫu có chất nền phức tạp, rất khó để xem ở độ khuếch đại hơn 1.000 lần”, PGS. TS. Nguyễn Đức Hoàng, Trưởng Bộ Môn Vi sinh, Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM chia sẻ với Zing.
Chuyên gia cho rằng nếu chuẩn bị mẫu sữa như trong video, không thể "soi" ở những mức khuếch đại cao. Ảnh cắt từ video. |
Thông thường, khi thực hiện soi “tươi”, tức là không làm khô mẫu vật trên lam kính, thì độ phóng đại chỉ ở mức 40 lần. Ở mức 400 lần, thường người thực hiện phải dùng một lam kính đậy lên trên mẫu vật để ép, cố định mẫu.
Khi soi mẫu vật dưới kính hiển vi ở độ phóng đại trên 900 lần, người thực hiện phải dùng một giọt dầu có chiết suất bằng với lam kính để đồng nhất môi trường, giảm hiện tượng khúc xạ khi tia sáng đi qua môi trường không đồng nhất giữa không khí và lam kính.
Các bước này đều không xuất hiện trong video kênh Kính hiển vi đăng tải.
"Nếu chỉ chuẩn bị mẫu đơn thuần như trong video, không thể quan sát với độ khuếch đại trên 400 lần", TS. Nguyễn Đức Hoàng nhận định.
Trong video của Kính hiển vi, kênh này kết luận các hạt lớn trong hình là chất béo hoặc protein, còn hạt nhỏ là tạp trùng, từ đó đưa ra nhận định về sữa.
Chia sẻ ẩn danh qua email, một chuyên gia về công nghệ thực phẩm đang công tác tại Đại học Bách Khoa - ĐHQG Hà Nội khẳng định không thể xác định chất lượng sữa bằng kính hiển vi.
“Để xác định chất lượng sữa thì phải ly tâm tách béo, xác định chất béo, hoặc đo tỉ trọng sữa. Tất cả được quy định rõ trong Tiêu chuẩn quốc gia về sữa và sản phẩm sữa, theo TCVN 11216:2015. Tôi chưa biết đến cách soi như vậy (dùng kính hiển vi) để xác định chất lượng sữa", chuyên gia cho biết.
Nếu chỉ chuẩn bị mẫu đơn thuần như trong video, không thể quan sát với độ khuếch đại trên 400 lần
PGS. TS. Nguyễn Đức Hoàng, Trưởng Bộ Môn Vi sinh, Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG HCM
"Về 'tạp trùng', theo nghĩa thông thường đây được hiểu là vi sinh vật không mong muốn. Để quan sát được vi sinh vật trên kính cho rõ, thường phải nhuộm nó, và khá khó quan sát và khẳng định nếu trên kính có nhiều thứ đến vậy. Còn để xác định đó là vi sinh vật gì thì họ phải nuôi trên các môi trường đặc hiệu cho mỗi loại, hoặc xác định theo kỹ thuật sinh học phân tử”, chuyên gia này nói thêm.
Kênh TikTok thừa nhận làm video để quảng cáo
Sáng 1/7, Zing liên hệ với đại diện kênh Kính Hiển Vi có tên Huy. Trả lời câu hỏi về nội dung, ông Huy thừa nhận đây là video có quảng cáo.
“Sau 6 tháng làm nội dung trên TikTok, đây là quảng cáo thứ hai kênh chúng tôi nhận. Tuy nhiên, chúng tôi có đo lường kết quả xem có đúng như nhà sản xuất công bố hay không rồi mới nhận quảng cáo”, ông Huy cho biết.
Video "soi sữa" của kênh Kính Hiển Vi. |
Về mức phóng đại 2.000 lần, kênh này cho biết có vài cách để đạt mức trên, tuy nhiên cách làm của kênh không phải là phóng đại quang học. Cách họ sử dụng là dùng kính phóng đại quang học 1.000 lần, sau đó thực hiện phóng to video 2 lần (zoom số) để giả lập thành phóng 2.000 lần.
Đối với quy trình đặt mẫu vật, ông Huy khẳng định chỉ cần đậy lam kính, nhỏ giọt dầu soi lên lam kính đó là có thể dùng vật kính 100 lần soi bình thường nếu có kỹ thuật tốt. Tuy nhiên, bước này không xuất hiện trong video nhóm đăng tải.
Về việc khẳng định các chất có trong sữa, ông Huy thừa nhận là không thể xác minh qua phương pháp soi kính hiển vi như trong video. Đại diện kênh này cho biết họ cũng dùng phương pháp tách chất gồm các bước đặt sữa ở nhiệt độ phòng, quay ly tâm để tách các chất thành các lớp khác nhau.
"Kết quả mình thu được không chính xác như kết quả của trung tâm kiểm định, do hãng sữa gửi kèm", đại diện kênh TikTok cho rằng kết quả kiểm định do nhóm tự thực hiện chỉ ở mức tương đối.