Tàu ngầm được ví như "quan tài sắt di động". Tàu ngầm hoạt động trong điều kiện đặc thù nơi có áp suất nước biển rất cao. Cứ xuống sâu thêm 10 m, áp suất nước biển lại tăng thêm 1 Atmosphere. Để đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị bên trong, tàu ngầm được chế tạo theo những tiêu chuẩn khắt khe nhất.
Tàu ngầm thường được chế tạo bằng thép cường độ cao để chịu được áp suất nước biển ở độ sâu vài trăm mét. Không gian bên trong tàu được điều áp để đảm bảo điều kiện cho thủy thủ làm việc và sinh hoạt với môi trường gần giống trên mặt nước.
Các thiết kế của tàu ngầm
Các tàu ngầm của Nga được chế tạo với thân tàu đôi, trong đó thân bên ngoài sẽ chịu áp lực của nước biển, thân bên trong là không gian cho máy móc và nơi làm việc của thủy thủ. Khoảng cách giữa 2 thân tàu là nơi bố trí các khoang dằn giúp tàu lặn hoặc nổi.
Thiết kế này giúp tàu lặn sâu hơn, tăng khả năng sống sót trong trường hợp bị tấn công, va chạm hay rò rỉ nước. Tuy nhiên, nhược điểm của thiết kế thân đôi là khối lượng lớn nên thời gian lặn hoặc nổi chậm hơn, độ ồn khi hoạt động cao hơn. Không gian bên trong tàu khá chật chội nên phải tiết giảm tối đa các thiết bị và vũ khí mang theo.
Tàu ngầm được ví von là "quan tài sắt" di động. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Các tàu ngầm phương Tây thường chế tạo với thân tàu đơn kết hợp với các khoang dằn bố trí xung quanh để lặn và nổi. Giải pháp này giúp tàu lặn, nổi nhanh hơn, giảm khối lượng, tăng không gian cho thiết bị và vũ khí. Tuy nhiên, thiết kế thân đơn đòi hỏi sử dụng loại thép siêu cường để đảm bảo khả năng chịu áp lực nước. Tàu dễ tổn thương khi bị tấn công, va chạm hoặc rò rỉ nước.
Thủy thủ tàu ngầm thoát nạn như thế nào?
Khi tàu ngầm lặn xuống nước, thủy thủ đoàn phải sống trong một môi trường hoàn toàn tách biệt so với bên ngoài. Họ quan sát mọi thứ xung quanh thông qua một thiết bị có tên là sonar.
Do điều kiện hoạt động đặc thù, thủy thủ tàu ngầm phải là những người được tuyển chọn rất khắt khe. Họ phải đảm bảo các tiêu chuẩn rất cao về sức khỏe và tinh thần. Họ phải trải qua những khóa huấn luyện từ cơ bản đến chuyên sâu để thuần thục mọi thao tác trước khi nhận nhiệm vụ.
Đối với tàu ngầm đang hoạt động dưới nước, bất kỳ sai sót nào dù là nhỏ nhất của một thủy thủ đều có thể đe dọa tính mạng của toàn bộ thủy thủ đoàn. Tai nạn đối với tàu ngầm khi đang ở dưới nước là điều khủng khiếp nhất đối với thủy thủ.
Tuy vậy, khi thiết kế tàu ngầm, các kỹ sư đã tính đến những kịch bản xấu nhất và trang bị cho thủy thủ đoàn nhiều thiết bị giúp họ có thể tự cứu mình trước khi có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Tuy nhiên, chỉ một vài khoang trên tàu, thủy thủ có thể tự thoát ra ngoài, những khoang còn lại cần phải có sự trợ giúp từ tàu cứu hộ.
Một thủy thủ Hải quân Mỹ huấn luyện cách thoát thân bằng bộ đồ lặn SEIE. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Các thủy thủ làm việc ở những khoang phía trước mũi tàu, họ có thể thoát ra ngoài qua ống phóng ngư lôi. Các thủy thủ sẽ mặc đồ lặn đặc biệt được gọi là SEIE. Mỗi nhóm khoảng 3 thủy thủ sẽ chui vào ống phóng ngư lôi, thủy thủ bên trong tàu sẽ đóng nắp phía sau, mở van điều áp để cân bằng với áp suất nước biển. Khi áp suất cân bằng, thủy thủ bên trong ống phóng mở nắp cho nước biển tràn vào và bơi ra ngoài.
Người đầu tiên thoát ra ngoài sẽ thả một chiếc phao đặc biệt để xác định hướng nổi lên và phát tín hiệu cấp cứu. Thủy thủ sẽ cố định dây neo phao vào thân tàu để các thủy thủ khác bám vào dây và nổi lên mặt nước.
Bộ đồ lặn SEIE có thể duy trì thân nhiệt cho người mặc, chống lại sự giảm áp khi nổi lên. Theo Survitec Group Ltd, một tập đoàn sản xuất đồ bảo hộ cho thủy thủ Hải quân Mỹ, về lý thuyết SEIE cho phép thủy thủ thoát khỏi tàu ngầm chìm ở độ sâu tới 183 m.
Tuy nhiên, việc thoát ra ngoài bằng ống phóng ngư lôi chỉ dùng được một lần, vì khi tàu ngầm gặp nạn, các máy bơm có thể không hoạt động được để rút nước ra ngoài. Ngoài ra, nếu tàu chìm ở độ sâu vượt quá 183 m thì việc thoát thân qua ống phóng ngư lôi là điều không thể.
Theo các chuyên gia tàu ngầm, việc thoát thân bằng ống phóng ngư lôi rất ít khi được sử dụng. Thủy thủ hầu như không biết chính xác điều kiện môi trường bên ngoài, chui vào ống phóng ngư lôi đồng nghĩa với việc “một đi không trở lại”.
Lượng oxy bên trong SEIE khá hạn chế nên không duy trì sự sống được lâu. SEIE hoạt động theo cơ chế tự nổi, nếu thủy thủ thoát ra từ độ sâu lớn và trồi thẳng lên mặt nước thì người này có thể tử vong ngay lập tức vì hiện tượng giảm áp.
Đối với những thủy thủ làm việc ở phòng chỉ huy, họ có thể leo lên tháp chỉ huy mở cửa cho nước biển tràn vào và thoát ra ngoài, tương tự như cách thoát thân qua ống phóng ngư lôi. Khu vực này được bố trí thành một khoang tách biệt với thân tàu nên cũng chỉ sử dụng được một lần.
Về mặt kỹ thuật, các thủy thủ có thể tự cứu mình bằng cách thoát ra ngoài theo những cách nói trên. Tuy nhiên, cứu hộ bằng khoang cứu hộ tàu ngầm DSRV chuyên dụng vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Một số tàu ngầm hiện đại còn được trang bị khoang cứu hộ tự nổi, thường được bố trí ở cánh buồm chính. Khi tàu ngầm gặp nạn, các thủy thủ sẽ trèo vào khoang cứu hộ, mở van xả áp và nổi lên mặt nước. Theo Military Systems & Technology, trang thông tin của công nghiệp quốc phòng Anh, bên trong khoang có thức ăn và nước uống dự trữ cho phép duy trì sự sống cho thủy thủ trong 5 ngày.
Khoang cứu hộ được điều áp nên có thể thoát thân ở độ sâu lớn. Trong trường hợp tàu ngầm không có khoang cứu hộ tự nổi, tàu gặp nạn ở độ sâu quá lớn thì thủy thủ đoàn chỉ còn biết trông chờ vào sự trợ giúp từ bên ngoài.