Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủy thủ Nghệ An kể lại phút nhảy xuống kênh đào Panama

"Do tàu đi một thời gian dài không vào đất liền nên thực phẩm dần cạn kiệt, chúng tôi phải ăn cá ươn, cá mồi câu để sống qua ngày".

Hơn 3h sáng ngày 20/8, 4 thuyền viên nhảy khỏi tàu Đài Loan xuống kênh đào Panama cách đây ít ngày đã trở về tới gia đình ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Vẻ mặt thất thần, mệt mỏi sau nhiều ngày tìm đường trở về quê nhà, các thuyền viên cho biết đến giờ họ vẫn chưa tin là mình đã sống sót, trở về đoàn tụ với người thân.

Dùng cá mồi câu làm thức ăn hàng ngày

Sau khi lấy lại được bình tĩnh, các thuyền viên đã chia sẻ về việc mình tự ý nhảy xuống biển để tìm cách trở về quê.

Các thuyền viên nhảy kênh đào Panama kể về vụ việc.

Anh Đào Ngọc Trung (27 tuổi, 1 trong 4 thuyền viên), người nấu ăn trên tàu kể lại, do cuộc sống ở quê khó khăn nên tháng 6/2012, anh cùng người cháu là Trần Văn Dương (21 tuổi, trú cùng xã), làm thủ tục xin đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan thông qua sự môi giới của một người tại địa phương. Chi phí cho chuyến đi là 11,5 triệu/ người với mức lương thỏa thuận 500 USD/tháng đối với anh Trung và 400 USD/tháng đối với anh Dương.

Sau khi sang Đài Loan, hai cậu cháu anh Trung được bố trí làm việc trên tàu Cheng Cheng Shipping, tàu này chuyên đánh bắt cá ngừ. Sau đó, trên tàu này còn có thêm hai người Việt Nam cùng quê xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, là anh Hồ Thanh Tùng (30 tuổi) và Lê Đức Chín gia nhập đội.

Lên tàu, anh Trung được bố trí làm đầu bếp còn 3 người kia làm công nhân đánh cá. “Thời gian đầu, còn lượng thực phẩm dự trữ nên khẩu phần ăn uống của anh em bình thường, được đảm bảo. Tuy nhiên, do tàu đi một thời gian dài không vào đất liền nên thực phẩm dần cạn kiệt, chúng tôi phải ăn cá ươn, cá mồi câu để sống qua ngày”, anh Trung cho hay.

Anh Đào Ngọc Trung: "Chúng tôi phải nhảy xuống biển để tự cứu lấy mình".

Theo các thuyền viên thì trước đây họ từng đi biển nhiều lần nhưng chưa nơi nào ăn uống kham khổ như vậy. Ngoài những con cá làm mồi cầu, mực ươn và ít thịt ướp lạnh thì không có gì thêm. Đặc biệt là rau thì không lúc nào có trong mâm cơm.

Không chỉ ăn uống thiếu thốn, kham khổ, các thuyền viên còn cho biết giờ làm việc cũng căng thẳng. Mỗi ngày họ phải làm việc 18 tiếng và chỉ ngủ được dăm tiếng. “Công việc diễn ra thường xuyên, chúng tôi phải cật lực làm việc giữa đại dương mênh mông. Mặc dù họ không đánh đập nhưng các thuyền viên trên tàu đều phải làm hết sức mình, chỉ có ít thời gian để nghỉ ngơi”, anh Hồ Thanh Tùng cho biết.

Từ khi các thuyền viên lên làm việc trên tàu Cheng Cheng Shipping, tàu chưa lần nào vào đất liền. Suốt 14 tháng trời đi trên tàu, các thuyền viên chỉ được gọi điện về nhà duy nhất 1 lần vào dịp tết âm lịch năm 2013. Còn lại người thân họ ở quê nhà không có một tin tức gì, cho đến khi mọi người trốn thoát trở về.

Liều mình nhảy xuống biển khơi để tìm đường về nước

Vì không chịu nổi cuộc sống kham khổ, cực nhọc trên tàu, 4 thuyền viên Việt Nam đã bàn nhau tìm cách trở về nước. Đầu tháng 8/2013, tàu Cheng Cheng Shipping vào đảo Panama để bơm dầu, 4 thuyền viên nhận thấy đây là cơ hội tốt để trốn thoát. Sau khi bơm dầu xong, tàu chạy qua lạch kênh Panama neo để chờ hải quan nước này kiểm tra. Vào đêm 14, rạng sáng 15/8, nhân lúc thuyền trưởng, cai tàu không để ý, 4 thuyền viên Việt Nam đã ôm can, phao nhảy thẳng xuống kênh đào Panama rồi bơi vào bám lấy cọc tiêu phân luồng, chờ tới sáng thì thấy thuyền của cảnh sát biển Panama đi qua, các thuyền viên đã chủ động gọi và được giải cứu.

Niềm vui đoàn tụ của anh Trung khi được trở về với vợ, con.

 

“Hôm đó là khoảng 12h đêm, anh em chúng tôi đã bàn nhau từ trước, khi thấy đồn cảnh sát biển cách đó không xa nên lặng lẽ tìm các vật cứu sinh rồi cùng nhảy xuống kênh để trốn thoát. Đến 6h sáng ngày 15/8, chúng tôi được các cảnh sát nhìn thấy và đưa vào bờ. Lúc này chúng tôi biết rằng mình đã được cứu sống nhưng vẫn sợ hãi vô cùng”, anh Tùng nhớ lại.

"Lúc đó mọi người ai cũng sợ bị thuyền trưởng và cai tàu bắt lại nên cố bơi thật nhanh, tránh xa chỗ tàu đang neo đậu để trốn thoát. Khi thấy một cọc tiêu phân luồng, chúng tôi liền rủ nhau vào đó bám lấy để ẩn nấp chờ sáng ra gọi người giải cứu. Cũng may là họ không phát hiện ra chúng tôi trốn chứ nếu không thì chưa biết chuyện gì xảy ra", anh Trần Văn Dương thở phào.

Sau khi được đưa lên bờ, các cảnh sát biển ở đây đã hỗ trợ cho các thuyền viên nhiệt tình để sớm được trở về quê nhà. Đến sáng ngày 17/8, 4 thuyền viên được lực lượng chức năng đưa lên máy bay trở về nước. Chiều ngày 19/8, các thuyền viên đã đáp xuống sân bay Nội Bài để về đoàn tụ với người thân tại quê nhà.

Bế đứa con đứng bên cạnh chồng, chị Tô Thị Hằng, vợ anh Đào Ngọc Trung vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe chồng kể về cuộc sống trên tàu. “Tôi tưởng chồng mình đi làm bên đó cũng được ăn uống sung sướng như ở nhà. Ai ngờ họ lại đối xử như vậy. Có lẽ giờ anh ấy trở về rồi thì tôi sẽ không cho đi nữa, mạng người là quan trọng”, chị chia sẻ.

Được biết, anh Trung hiện còn 2 tháng lương, 5 triệu đồng tiền đặt cọc và 1.400 USD tiền tiêu vặt chưa được thanh toán, anh Dương còn 4 tháng lương.

Chị Trần Thị Năm, vợ thuyền viên Hồ Thanh Tùng thì cho biết, Anh Tùng đi được 7 tháng, chị ở nhà mới nhận được 4 tháng tiền tiền lương của chồng.

Khi được hỏi vì sao các thuyền viên khi trở về nước đã tránh mặt các phóng viên, người của công ty xuất khẩu lao động, anh Trung và mọi người đều khẳng định không có một ai ra đón các anh tại sân bay Nội Bài. “Khi chúng tôi xuống máy bay thì chỉ có duy nhất anh trai của thuyền viên Lê Đức Chín ra đón, ngoài ra chúng tôi không thấy một ai cả”, anh Đào Ngọc Trung khẳng định.

Phạm Hòa

Bạn có thể quan tâm