Giới chức Thụy Sĩ ngày 3/6 thông báo họ đã nhận được yêu cầu của Đức và Đan Mạch về chuyển giao vũ khí cùng vật tư quân sự cho Ukraine.
Yêu cầu của Berlin liên quan đến khoảng 12.400 viên đạn pháo 35 mm được Thụy Sĩ sản xuất cho pháo phòng không tự hành cùng xe thiết giáp Piranha III, vốn được cất tại Đức sau khi Đan Mạch loại biên. Trong khi đó, Copenhagen gửi yêu cầu liên quan đến 22 xe thiết giáp Piranha III do Thụy Sĩ sản xuất, theo AFP.
"Theo Đạo luật Vật tư Chiến tranh và nguyên tắc đối xử bình đẳng theo luật trung lập, Thụy Sĩ không thể chấp thuận yêu cầu của Đức và Đan Mạch chuyển giao vũ khí Thụy Sĩ cho Ukraine", chính phủ Thụy Sĩ cho biết.
Đạo luật Vật tư Chiến tranh quy định Thụy Sĩ không được phép xuất khẩu vũ khí, đạn dược do nước này sản xuất sang một quốc gia đang liên quan tới xung đột vũ trang trong nước hoặc quốc tế
Tuy nhiên, các linh kiện riêng lẻ hoặc bộ phận lắp ráp vẫn có thể chuyển cho các công ty quốc phòng châu Âu, kể cả khi những vật dụng này được dùng để chế tạo vũ khí gửi cho Ukraine, chính phủ Thụy Sĩ cho biết.
Xe tăng Leopard 2 của Đức tập trận năm 2019. Ảnh: Reuters. |
Chính phủ Thụy Sĩ ngày 3/6 chấp thuận yêu cầu của hai công ty nước này về xuất khẩu các linh kiện và bộ phận lắp ráp cho các doanh nghiệp quốc phòng ở Đức và Italy, liên quan đến bộ phận chế tạo vũ khí chống tăng và vũ khí phòng không cầm tay, theo Reuters.
"Hội đồng Liên bang cho phép xuất khẩu linh kiện và bộ phận lắp ráp nếu tỷ trọng của chúng trong thành phẩm thấp hơn ngưỡng cho phép (50% trong yêu cầu của Đức và Italy)", chính phủ Thụy Sĩ cho biết.
Trạng thái trung lập của Thụy Sĩ liên quan đến chính trị và lập trường trong các vấn đề quốc tế. Nước này thực thi những lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) nhắm vào Nga, song nhiều lần từ chối yêu cầu chuyển giao vũ khí đến Ukraine.