Chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraine khiến người dân Thụy Sĩ một lần nữa quan tâm đến những căn hầm trú ẩn hạt nhân được xây dựng từ thời Thế chiến 2. Đặc biệt khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt các lực lượng hạt nhân chiến lược của nước này trong tình trạng báo động cao.
Trước mối lo ngại của người dân, Thụy Sĩ công bố thông tin về các địa điểm trú ẩn hiện sẵn có, đồng thời kêu gọi các hộ gia đình luôn duy trì lương thực dự trữ đủ dùng cho ít nhất một tuần.
Những trận giao tranh diễn ra gần các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine cũng làm dấy lên lo ngại rằng ngay cả quốc gia có truyền thống trung lập như Thụy Sĩ cũng có thể bị ảnh hưởng.
Nicola Squillaci, người đứng đầu bộ phận bảo vệ dân thường và các vấn đề quân sự của Geneva nói rằng chính quyền đã nhận được "một lượng lớn những câu hỏi chính đáng từ các công dân".
Một số chủ sở hữu bất động sản từng tìm cách nộp phạt thay vì xây dựng boongke giờ cũng phải suy nghĩ lại, ông Squillaci cho biết.
Một đường hầm nối các boongke tại Faulensee, Thụy Sĩ ngày 19/10/2015. Ảnh: Reuters. |
Từ thập niên 1960, mọi đô thị ở Thụy Sĩ phải xây dựng các hầm trú ẩn hạt nhân cho cư dân. Quy định này cũng áp dụng bắt buộc đối với nhà ở và các tòa nhà chung cư.
Các hầm trú ẩn như vậy đã trở thành một phần không thể thiếu của bản sắc Thụy Sĩ, nổi tiếng không kém gì so với chocolate, ngân hàng, hay đồng hồ đến từ đất nước này.
Thụy Sĩ cam kết tất cả công dân sẽ có nơi trú ẩn trong trường hợp cần thiết. Trên thực tế, đất nước 8,6 triệu dân này có gần 9 triệu chỗ trú ẩn trên khắp 365.000 boongke công cộng lẫn tư nhân. Tuy nhiên, sự phân bố của chúng không đều. Chẳng hạn, Geneva chỉ có đủ chỗ cho 75% dân số.
Mạng lưới boongke rộng lớn của Thụy Sĩ có nhiều mục đích sử dụng hàng ngày khác, bao gồm làm doanh trại quân đội hoặc làm nơi ở tạm thời cho những người xin tị nạn. Tuy nhiên, nhà chức trách Thụy Sĩ yêu cầu các hầm trú ẩn phải có khả năng chuyển về chức năng sử dụng ban đầu trong vòng 5 ngày.
Cho đến nay, người dân Thụy Sĩ chưa bao giờ được lệnh xuống hầm trú ẩn, kể cả sau vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô cũ hồi năm 1986.
AFP dẫn lời các chuyên gia cho rằng kịch bản có khả năng xảy ra nhất trong trường hợp cần dùng đến những boongke này là một vụ tai nạn tại một trong những nhà máy điện hạt nhân hiện có của Thụy Sĩ. Nhưng giờ đây, xung đột bùng phát ở Ukraine đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến hạt nhân.
Các chuyên gia cảnh báo mức độ bảo vệ của những căn hầm trú ẩn không phải là tuyệt đối. Chúng phụ thuộc vào mức độ của cuộc tấn công hạt nhân, cũng như khoảng cách giữa địa điểm xảy ra so với Thụy Sĩ.