Để lưu trữ địa chất sâu cho chất thải phóng xạ, giới chức Thụy Sĩ đã chọn một địa điểm ở miền Bắc Thụy Sĩ, khá gần biên giới với Đức, Guardian đưa tin.
Sau gần 50 năm tìm cách tốt nhất để lưu trữ chất thải phóng xạ, Thụy Sĩ đang rục rịch chuẩn bị cho "dự án của thế kỷ". bằng việc chôn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sâu dưới lớp đất sét.
Hôm 10/9, tổ chức phụ trách xử lý chất thải phóng xạ của nước này đã quyết định chọn Nördlich Lägern là khu vực tốt nhất trong số ba khu vực mà họ đã khảo sát để làm nơi lưu trữ dưới lòng đất.
Một nhà máy điện hạt nhân gần Leibstadt, Thụy Sĩ - nơi chứa 83.000 m3 chất thải phóng xạ dự kiến phải được chôn lấp. Ảnh: Reuters. |
Felix Glauser, phát ngôn viên của Hợp tác xã Quốc gia về Xử lý Chất thải Phóng xạ (Nagra) đã viết email cho báo chí rằng: "Nördlich Lägern đã được chọn là nơi an toàn nhất để làm kho lưu trữ địa chất sâu".
“Các cuộc khảo sát mở rộng đã chứng minh rằng Nördlich Lägern là địa điểm phù hợp nhất và là nơi dự trữ an toàn lớn nhất”, ông nói thêm.
Nagra đã thông báo trực tiếp cho người dân địa phương và dự kiến trình đề xuất với chính phủ Thụy Sĩ vào ngày 12/9.
Chính phủ Thụy Sĩ sẽ không đưa ra quyết định cuối cùng cho đến năm 2029, nhưng quyết định của họ sẽ chưa phải là cuối cùng. Có thể vấn đề này sẽ được đưa đến một cuộc trưng cầu dân ý, theo hệ thống dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ.
Hơn 50 năm qua, các nhà máy điện hạt nhân của Thụy Sĩ đã xả chất thải phóng xạ ra ngoài môi trường. Sau sự cố hạt nhân năm 2011 tại nhà máy điện Fukushima ở Nhật Bản, Thụy Sĩ quyết định loại bỏ dần điện hạt nhân: Các lò phản ứng của họ có thể tiếp tục hoạt động miễn là chúng vẫn an toàn.
Hiện tại, chất thải đang được lưu trữ tại một kho trung gian ở Würenlingen, cách biên giới Đức 15 km.
Với điều kiện mới, Thụy Sĩ hy vọng sẽ bước chân vào một câu lạc bộ các quốc gia xây dựng nơi lưu trữ địa chất sâu. Cho đến nay, mới chỉ có Phần Lan xây dựng một kho bằng đá granit.
Vào tháng 1, Thụy Điển đã cho phép xây dựng địa điểm riêng để chôn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trong đá granit. Pháp cũng đang có kế hoạch lưu trữ chất thải phóng xạ dưới lớp đất sét.
Tại Thụy Sĩ, 83.000 m3 chất thải phóng xạ, trong đó một số chất thải có hoạt tính cao, cần phải được chôn lấp. Khối lượng này tương ứng với vòng đời hoạt động 60 năm của các nhà máy điện hạt nhân Beznau, Gosgen và Leibstadt, và 47 năm khi mà Muhleberg đã hoạt động trước khi đóng cửa vào năm 2019.
Việc chôn lấp chất thải hạt nhân dưới lòng đất sẽ bắt đầu vào năm 2060, sau đó là đến giai đoạn theo dõi chặt chẽ. Nơi này sẽ bị phong tỏa một thời gian vào thế kỷ 22.