Trong tiếng địa phương, pirarucu có nghĩa là con cá màu đỏ. Tên này được đặt theo lớp vây của chúng, phản chiếu ánh sáng màu đỏ khi đang bơi. Lớp vây này hoạt động như chiếc áo giáp, rất dày và giúp chúng tránh tổn thương khi bị cá piranha tấn công. |
Gần khúc quanh ở sông Itaquaí, nằm trên bãi sình lầy trong thung lũng Javari là một kiến trúc bằng gỗ nhỏ. Đây là nơi kháng cự cuối cùng của lực lượng kháng chiến thuộc những bộ tộc thổ dân.
Nơi đây là một chốt kiểm tra được xây dựng bởi nhà hoạt động cho quyền của thổ dân Bruno Pereira.
Dòng sông Itaquaí nhìn từ chốt kiểm soát do ông Pereira xây dựng. Ảnh: Guardian. |
Ông Pereira hy vọng trạm kiểm soát này có thể kiềm chế ảnh hưởng ngày càng lan rộng của những băng nhóm tội phạm đang hoạt động tại thung lũng Javari, đe dọa đến hệ sinh thái của tự nhiên và cuộc sống của những người bản địa đang sinh sống tại đây.
Nhưng hai tuần sau khi thi thể của Pereira và nhà báo điều tra người Anh Dom Phillips được tìm thấy gần chốt kiểm soát trên, người dân bản địa không cảm thấy tình hình an ninh được cải thiện.
Chốt kiểm soát trước đây được canh giữ bởi các thành viên của Univaja, một phong trào vận động quyền của người bản địa mà Pereira là một thành viên. Nhưng hiện tại, chỉ có một người đàn ông 76 tuổi người Peru có tên Juan da Silva và con chó săn của ông đang túc trực tại đây.
Chỉ được trang bị một ngọn đuốc, một cái cần câu cá, vài hộp đồ ăn và thi thoảng là một chiếc đài radio, ông Da Silva mỗi đêm đều lo lắng cho sự an nguy của bản thân.
"Tôi muốn rời khỏi đây. Tôi không muốn chết. Tôi muốn được sống", ông Da Silva nói.
Chốt kiểm soát này cũng chính là nơi Pereira và Phillips ngủ lại vào đêm cuối cùng trước khi họ bị sát hại hồi tháng 6.
Dom Phillips (trái) và Bruno Pereira. Ảnh: AFP. |
Pereira ngủ bên tay phải của tòa nhà, nơi nhìn ra cửa sông, được những ngư dân đánh cá trái phép sử dụng để tiếp cận một hồ nước nơi có hàng nghìn con cá pirarucu.
Loài cá quý hiếm này còn có tên gọi khác là cá hải tượng long, là cá nước ngọt khổng lồ sinh sống ở vùng châu thổ sông Amazon - được mệnh danh là thủy quái khổng lồ sông Amazon.
Lối đi nói trên cũng thường được sử dụng để tránh các chốt kiểm soát được chính phủ Brazil thiết lập ở gần đó.
"Những ngư dân thường trở nên giận dữ khi chúng tôi không cho họ qua. Đôi khi tôi không thể ngăn họ. Vì nếu làm thế, họ sẽ giết tôi", ông Da Silva chia sẻ.
Điểm nóng của hoạt động tội phạm
Tại khu vực hẻo lánh này của rừng Amazon, vẻ đẹp nguyên sơ của những khu rừng đã dần bị lu mờ khi tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng bởi hoạt động của các băng nhóm tội phạm trong khu vực.
Trận chiến tiếp cận những tài nguyên của khu vực này đã diễn ra từ khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro lên nắm quyền vào năm 2018.
Giới chức an ninh cho biết thung lũng Javari, với diện tích tương đương với Bồ Đào Nha và là nơi tập trung số bộ lạc thổ dân chưa có liên hệ với bên ngoài nhiều nhất trên thế giới, giờ đây là tuyến đường vận chuyển ma túy lớn thứ 2 tại Brazil. Nơi đây cũng là điểm nóng về các hoạt động khai thác gỗ, đánh bắt cá và khai thác mỏ trái phép.
Cách chốt kiểm soát ở sông Itaquaí một vài cây số là một làng chài có tên São Rafael. Người đứng đầu ngôi làng, ông Manoel Vítor Sabino da Costa, hay còn được gọi là Churrasco, đã chia sẻ về những khó khăn mà ông phải đối mặt trong những năm gần đây.
Ông Churrasco ban đầu là nghi phạm trong vụ sát hại ông Pereira và nhà báo Phillips nhưng đã phủ nhận mình có liên quan đến vụ việc.
Ngôi làng chài São Rafael. Ảnh: Guardian. |
Ông Churrasco cho biết hai người trên đã cố gắng tìm gặp ông trước khi họ bị ám sát. Nhưng lúc này ông đang đi câu cá ở một hồ nước gần đó.
Trong một thời gian dài, ông Pereira đã tích cực vận động người dân tại São Rafael dừng các hoạt động đánh bắt cá trái phép. Rất nhiều loài cá trên sông Itaquaí là những loài nằm trong diện được bảo vệ. Ngoài ra việc đánh bắt cá tại khu vực của những bộ tộc bản địa trên thượng nguồn cũng bị nghiêm cấm.
Tuy vậy, một con cá pirarucu, một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới và nặng hơn 100 kg, có giá thị trường lên tới hơn 1.000 USD. Trong khi một con cá thể rùa rừng Amazon có giá 200 USD.
Mỗi con cá pirarucu quý hiếm khi trưởng thành có thể nặng hơn 100 kg và có giá 1.000 USD trên thị trường. Ảnh: Guardian. |
Những người dân địa phương cho biết hoạt động tội phạm ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Một người chia sẻ từng thấy chiếc thuyền chở đầy cá quý hiếm với 3 người mang súng đi cùng.
Theo báo cáo của tổ chức Univaja, các đối tượng đánh bắt cá trái phép thường sử dụng xuồng nhỏ chất đầy đá để len lỏi vào khu vực của các bộ tộc bản địa vào ban đêm. Những người này sau đó sẽ chuyển số cá bắt được sang những con tàu lớn hơn chờ ở nhánh chính của dòng sông.
Churrasco nói rằng 3 người bị tình nghi sát hại ông Pereira và Phillips. Những người này sống tại São Gabriel, một làng chài khác gần São Rafael, nơi giờ đây gần như không còn người ở. Hai trong số những người này là cháu họ của ông Churrasco.
Ông Churrasco khẳng định một trong những nghi phạm, Oseney da Costa de Oliveira, trước đó từng dùng súng đe dọa ông vì đã ngăn không cho đối tượng này và đồng bọn đánh bắt cá trái phép.
"Anh ta đã chĩa súng vào người tôi và đe dọa sẽ giết tôi. Anh ta có liên quan tới những tội phạm nguy hiểm", ông kể lại. Oliveira sau đó đã đánh chìm thuyền của ông Churrasco, buộc ông phải bơi vào bờ.
Trong tuần trước, cảnh sát tại Brazil đã mở rộng điều tra vụ sát hại ông Pereira và Phillips với giả định hành vi của các nghi phạm đã được lên kế hoạch. Tuy nhiên, lực lượng cho biết hiện vẫn đánh giá đây là một vụ án mang tính bộc phát, không có chuẩn bị trước.
Theo ông Alexandre Saraiva, một sĩ quan cảnh sát cấp cao tại Brazil, ngành đánh bắt cá trái phép tại thung lũng Javari mang lại lợi nhuận tương đương với hoạt động vận chuyển và buôn bán ma túy và là một phần của mạng lưới tội phạm có tổ chức trong khu vực.
Saraiva là người đứng đầu lực lượng cảnh sát tại bang Amazonas cho tới năm 2021, khi chính quyền của Tổng thống Bolsonaro buộc ông thôi việc do dẫn đầu một cuộc điều tra liên kết nguyên Bộ trưởng Môi trường Ricardo Salles với các hoạt động khai thác gỗ trái phép trong rừng Amazon.
"Chúng tôi đã bắt giữ hàng chục chuyến tàu chở ma túy và cá pirarucu tại thủ phủ Manaus của bang Amazonas", ông Saraiva chia sẻ. Ông cho biết, mỗi con tàu có thể chở 5 tấn cá pirarucu với giá trị lên tới 50.000 USD.
Quân đội Brazil và lực lượng cảnh sát trong quá trình tìm kiếm Pereira và Phillips đã thu giữ một con cá pirarucu trên con tàu tại Atalaia do Norte vào hôm 11/6. Ảnh: Guardian. |
Trong quá khứ, các sĩ quan dưới quyền ông Saraiva từng bắt giữ một con tàu chở theo 600 con rùa sông Amazon, có giá trị hơn 100.000 USD.
"Hoạt động đánh bắt cá trái phép không mất chi phí. Bạn không cần mất tiền cho cá ăn và chúng khá dễ bắt. Trong khi đó, bạn không mất nhiều tiền để thuê người bắt cá. Một ngư dân chỉ kiếm được 400 USD mỗi tháng. Hơn nữa, việc đánh bắt cá trái phép không có rủi ro lớn như buôn ma túy", ông Saraiva phân tích.
Bên cạnh đó, khai thác gỗ cũng là một hoạt động trái phép mang lại lợi nhuận cao. Ông Saraiva đề cập đến Alcides Guizoni, một ông trùm tội phạm trong khu vực, sau khi ngồi tù 6 năm vì buôn bán ma túy, đã chuyển hướng sang khai thác gỗ trái phép. Theo tài liệu của cảnh sát Brazil, chỉ trong 4 năm, Guizoni đã thu về khoảng 3,2 triệu USD từ hoạt động này.
Manoel Vítor Sabino da Costa, còn được biết đến với tên gọi Churrasco. Ảnh: Guardian. |
Những lợi nhuận tiềm năng có thể kiếm được từ những hoạt động trái pháp luật tại thung lũng Javari đã lôi kéo các băng nhóm tội phạm lớn nhất Brazil như Red Command và First Capital Command tới khu vực này.
Bên cạnh đó, thung lũng cũng là nơi hoạt động của một ông trùm ma túy ở khu vực sông Javari thuộc chủ quyền của Peru, được biết đến với tên gọi Colombia.
Do các biện pháp cắt giảm ngân sách của chính phủ, Cơ quan Môi trường Liên bang (IBAMA) thuộc Bộ Môi trường Brazil đã buộc phải đóng cửa các văn phòng của mình trong khu vực kể từ năm 2018.
Hiện tại, còn 3 chốt kiểm soát của Cơ quan Bảo vệ Người bản địa (FUNAI) vẫn còn duy trì hoạt động tối thiểu tại thung lũng Javari.
Theo một phóng sự của cơ quan thông tấn Publica, số vụ bắt giữ các chuyến hàng trái phép đã giảm mạnh dưới thời Tổng thống Bolsonaro. Theo tài liệu nội bộ của FUNAI, chốt kiểm soát gần với hiện trường vụ sát hại ông Pereira và Phillips nhất đã bị các băng nhóm tội phạm tấn công 7 lần trong 2 năm qua.
Việc các cơ quan bảo vệ môi trường liên bang giảm sự hiện diện tại Javari đã buộc các cá nhân và nhóm vận động như Pereira và Univaja phải tự tiến hành giám sát các hoạt động phạm pháp trong khu vực mà không có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.
Sau cái chết của Pereira và Phillips, Tổng thống Bolsonaro đã bình luận rằng hai ông đã tự gây ra cái chết của mình đã đi "thám hiểm" ở những khu vực nguy hiểm. Ông Saraiva chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố này.
"Dom Phillips không phải một nhà thám hiểm. Ông là một phóng viên chiến trường đến ghi lại một cuộc chiến đang diễn ra", ông Saraiva nói.
Theo ông Saraiva, chính quyền liên bang có đủ nguồn lực để chấm dứt các hoạt động trái phép ngày càng lan rộng tại Javari.
Trong quá khứ, ông Saraiva đã từng sử dụng lực lượng quân đội để chấm dứt nạn khai thác vàng trái phép trong lãnh thổ của bộ tộc Yanomami bản địa bằng cách phá hủy thiết bị và phương tiện vận chuyển của các đối tượng khai thác trái phép.
"Chính quyền Bolsonaro từ chối can thiệp vì không có đủ quyết tâm chính trị", ông Saraiva nhận định.
Ông Saraiva, giờ đây bị thuyên chuyển về một thành phố nhỏ ở ngoại ô thủ đô Rio de Janeiro, tin rằng vụ ám sát nhà hoạt động Pereira có sự chấp thuận của một ông trùm tội phạm trong khu vực.
Vụ ám sát chấn động
Khu vực mà Phillips và Pereira bị bắn chết là nơi sinh sống của loài cá heo sông Amazon quý hiếm, còn được gọi là botos. Loài cá này thường kiếm ăn theo đàn và tạo ra một tiếng kêu đặc trưng trong màn đêm khi chúng nổi lên mặt nước để thở.
Những nhóm tìm kiếm người bản địa đã tìm thấy địa điểm nơi thuyền của những nghi phạm cập bến bằng cách quan sát những sự thay đổi về cảnh quan bờ sông như những cành cây gãy hay những tán cây bị trầy xước.
Trong khu vực hẻo lánh này của rừng Amazon, thứ duy nhất phân biệt địa điểm Phillips và Pereira bị sát hại chỉ là những dải băng vàng được căng bởi cảnh sát.
Tại Atalaia do Norte, thị trấn nhỏ ven sông nơi Phillips và Pereira dự kiến trở về sau chuyến đi, người dân địa phương tiếc thương sự ra đi của hai người. Bên cạnh đó, những cộng đồng bản địa tại đây lo ngại tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới.
Một cuộc biểu tình trước cửa văn phòng FUNAI tại Atalaia do Norte. Ảnh: Guardian. |
"Bruno and Dom Phillips là những người anh hùng của chúng tôi. Họ là một phần phong trào của chúng tôi", Delcimar Tamakuri Kanamari, một lãnh đạo bộ tộc thổ dân và thành viên của phong trào Univaja cho biết.
Một lễ tưởng niệm được tổ chức vào tuần trước đã thu hút sự tham gia của hàng chục người bản địa từ 5 cộng đồng thổ dân trong thung lũng Javari. Trong số này có những người dành phần lớn thời gian trong năm ở khu vực của người bản địa và biết về vụ việc qua radio.
Nạn buôn lậu ma túy tại Javari
Theo dữ liệu của Liên Hợp quốc (UN), tại khu vực sông Javari, biên giới nước chia cắt hai nước Brazil và Peru, diện tích trồng cây coca, loại cây được dùng để sản xuất cocaine, đã tăng 20% kể từ năm 2021.
Theo những lãnh đạo của các bộ tộc thổ dân, các phòng thí nghiệm trong rừng tại Peru có nhiệm vụ chế biến trái phép cây coca thành cocaine và vận chuyển chất này dọc theo sông đến nơi lưu trữ trong vùng đất của các bộ lạc thổ dân tại Brazil, nơi cảnh sát Peru không có thẩm quyền.
"Bằng cách này không ai có thể tìm ra các chuyến hàng. Các lực lượng chức năng Brazil không hoạt động trong khu vực này và những tên tội phạm sẽ giết chúng tôi nếu cố gắng ngăn chặn hoạt động của họ", những lãnh đạo này cho biết.
Theo ông Tamakuri, những đối tượng buôn lậu ma túy gần đây cũng bắt đầu dụ dỗ và chiêu mộ thanh niên trong những bộ tộc thổ dân. Bị dụ dỗ bởi những khoản thù lao hàng trăm USD cùng lời hứa được cấp quần áo và điện thoại di động, những người này làm việc hàng tháng trời. Trong khi đó, những người bỏ trốn sẽ bị giết hại.
Delcimar Tamakuri Magalhaes Kanamari, một lãnh đạo thổ dân và thành viên phong trào Univaja. Ảnh: Guardian. |
Tuần trước, Tamakuri và một số người khác đã chuyển một tài liệu dài 20 trang cho văn phòng của FUMAI ở Atalaia do Norte, trong đó bao gồm ảnh về những hoạt động đánh bắt cá trái phép và vận chuyển ma túy trong vùng đất của thổ dân.
"Cuộc sống của chúng tôi bị đe dọa bởi những người da trắng đánh bắt cá trái phép, những nhóm lâm tặc người Peru và những kẻ buôn ma túy từ Colombia", tài liệu có viết, đồng thời nhắc đến mối đe dọa từ những kẻ săn bắt trộm và những nhà truyền giáo đối với cộng đồng thổ dân.
Thổ dân bản địa biểu tình trước cửa văn phòng của FUNAI. Ảnh: Guardian. |
Nhà báo Phillips đã dành phần lớn thời gian trong những năm qua của ông để cho công chúng biết về những nguy hiểm mà những cộng đồng thổ dân ở đây phải đối mặt, trong đó có vụ thảm sát một bộ tộc thổ dân bởi những đối tượng khai thác vàng trái phép vào năm 2017.
Vào cuối lễ tưởng niệm cái chết của Pereira và Phillips, đứng cạnh chân dung được phủ hoa của 2 người, nhà nhân chủng học Almerio Alves Vadique đã chia sẻ cảm xúc với những người đến dự.
"Đây là một thảm kịch hoàn toàn có thể đoán trước. Hôm qua là Bruno và Dom, ngày mai có thể bất kỳ ai trong số chúng ta", ông chia sẻ.