Theo Bloomberg, trong những ngày qua, các “thợ săn thủy ngân" thuộc tổ chức EcoWaste Coaliton ở Manila (Philippines) liên tục đến các khu chợ, mua nhiều loại loại kem làm trắng da để làm xét nghiệm.
Tại trụ sở của EcoWaste Coaliton, chuyên gia hóa chất Thony Dizon sử dụng máy phân tích huỳnh quang tia X (XRF) để kiểm tra các loại kem làm trắng da. Chỉ mất vài giây, XRF xác định lọ Goree Beauty Cream giá 5 USD chứa 23.000 ppm thủy ngân. Chỉ 1 ppm đã bị coi là nguy hiểm.
Tương tự, lọ kem trắng da Goree Day & Night Whitening Cream chứa 19.900 ppm thủy ngân. Cả hai sản phẩm này đều bị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines cấm sau các thử nghiệm tương tự của EcoWaste.
Những hình ảnh quảng cáo trên các sản phẩm làm trắng da. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, chúng vẫn đang được thương lái bán tràn lan trên thị trường. "Không có gì đáng ngạc nhiên cả. Đối với họ, đó là chuyện kinh doanh", Bloomberg dẫn lời chuyên gia Dizon nhận định.
Chỉ là phần nổi của tảng băng
Trên thực tế, Bloomberg cho biết nhóm điều tra của Thony Dizon cũng như các cơ quan quản lý nhiều nước trên thế giới mới chỉ chạm vào phần nổi của tảng băng "khủng hoảng thủy ngân toàn cầu". Thủy ngân có mặt tràn lan trong các loại kem và xà bông làm trắng, sáng da.
Thị trường ước tính có tổng giá trị lên đến 20 tỷ USD mỗi năm, bao gồm hàng xịn, hàng nhái và các sản phẩm giá rẻ chứa thủy ngân độc hại. Và rất khó để phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn nếu chỉ dựa vào thông tin trên nhãn mác.
Ông M. Arslan Tariq - Giám đốc phát triển công nghệ và kinh doanh của Goree Cosmetics Pvt. tại Lahore (Pakistan) - khẳng định sản phẩm Goree xịn không chứa thủy ngân và hàng được EcoWaste thử nghiệm tại Manila là đồ giả 100%.
Ông Tariq nhấn mạnh hàng nhái thương hiệu Goree xuất hiện tràn lan trên thị trường và công ty đã khiếu nại với Cơ quan Điều tra Liên bang Pakistan.
Các sản phẩm được EcoWaste kiểm nghiệm đều có chứa thủy ngân. Ảnh: Getty Images. |
Kem và xà bông làm sáng da là những sản phẩm làm đẹp cực kỳ phổ biến trên phạm vi toàn cầu và châu Á chiếm thị phần lớn nhất. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 40% phụ nữ ở Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước châu Á thường xuyên sử dụng các sản phẩm làm sáng da. Châu Phi cũng là một thị trường lớn.
Công ước Minamata về Thủy ngân - nhằm kiểm soát ngộ độc và ô nhiễm thủy ngân, được 128 quốc gia thông qua - sẽ có hiệu lực vào năm 2020. Sau năm 2020, việc sản xuất, nhập khẩu hoặc xuất khẩu các loại mỹ phẩm có chứa thủy ngân nhiều hơn mức cho phép sẽ bị cấm.
Tuy nhiên, việc thực thi lệnh cấm là không dễ dàng. Ở một số quốc gia, hành vi bổ sung thủy ngân vào các loại kem và xà bông không bị coi là bất hợp pháp.
Độc tố nguy hiểm
Các hãng sản xuất sử dụng thủy ngân vì nó có khả năng ức chế sự hình thành sắc tố melanin. Khi sử dụng các sản phẩm này, ban đầu da của bạn sẽ trở nên sáng hơn. Tuy nhiên, sau đó thủy ngân gây ra hiện tượng không đồng màu trên làn da. Nặng hơn, nó có thể làm tổn thương hệ thần kinh và thận của người sử dụng.
Mối nguy hiểm không dừng lại ở đó. Phần lớn thủy ngân trong kem làm sáng da và xà bông sẽ xâm nhập nguồn nước thải, từ đó đi vào chuỗi thức ăn. Hồi thập niên 1950, một nhà máy hóa chất xả thủy ngân vào vịnh Minamata (Nhật Bản).
Người dân địa phương ăn phải cá nhiễm thủy ngân. Khoảng 900 người thiệt mạng, hơn 2.000 người ngộ độc thủy ngân với các triệu chứng từ yếu cơ đến điên loạn, tê liệt, tử vong và kéo theo dị tật bẩm sinh.
Sau cuộc khủng hoảng Minamata, thế giới đã hiểu ra hiểm họa của tình trạng hải sản chứa thủy ngân. Tuy nhiên, thủy ngân vẫn được sử dụng tràn lan trong các ngành công nghiệp hay hoạt động khai thác vàng, dễ dẫn đến ô nhiễm ngoài tầm kiểm soát.
Các sản phẩm "nhái" được bày bán công khai trên thị trường. Ảnh: EcoWaste. |
Trên thực tế, sản phẩm làm sáng da của các công ty mỹ phẩm toàn cầu không chứa thủy ngân, thay vào đó là các dẫn xuất của Vitamin C và hydroquinone, có khả năng cản trở hoạt động sản xuất melanin và an toàn ở nồng độ thấp.
Nhưng người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn không thể mua một lọ L'Oréal Paris White Perfect (giá 11,5 USD ở Philippines). Họ tiếp cận những sản phẩm rẻ tiền hơn, và tất nhiên chúng chứa các thành phần độc hại.
Năm 2019, chính quyền Pakistan tiến hành các xét nghiệm và phát hiện chỉ 3 trong số 59 sản phẩm có thủy ngân dưới 1 ppm. Một nghiên cứu năm 2017 ở Trinidad và Tobago cho thấy mức thủy ngân đáng kể trong tất cả 15 sản phẩm được xét nghiệm.
Sản phẩm "thay đổi" hoàn toàn cuộc đời
Cô Grace Reguyal người Philippines là một nạn nhân điển hình của kem làm sáng da chứa thủy ngân. Trước đây, cô ấy thường xuyên đăng ảnh selfie trên Facebook. Năm ngoái, Reguyal mua kem làm sáng da và xà bông dán nhãn Goree Beauty Cream và Goree.
Cô sử dụng chúng hàng ngày trong ba tuần liên tiếp. Sau đó, Reguyal bị nổi mẩn đỏ ở mặt và cổ. Những vết sẹo do thủy ngân giờ chằng chịt trên khuôn mặt và cổ của cô. Giờ đây, trên mạng xã hội, cô thường xuyên cảnh báo mọi người về hiểm họa kem làm sáng da chứa thủy ngân.
Grace Reguyal trả giá quá đắt vì sử dụng kem làm trắng da chứa thủy ngân. Ảnh: Grace Reguyal/Facebook. |
Rất nhiều sản phẩm bị EcoWaste xác định là có nồng độ thủy ngân cao hiện vẫn được quảng cáo tràn lan trên EBay, Amazon và Facebook. Ví dụ, Feique - một loại kem làm sáng da có xuất xứ Trung Quốc - được rao bán trên EBay.
Loại kem này được mô tả là chứa khoáng chất làm sáng da. EcoWaste phát hiện kem dưỡng da ngày và đêm của Feique chứa lần lượt 19.200 ppm và 14.300 ppm thủy ngân. Sau khi Bloomberg liên hệ, eBay cho biết sẽ loại bỏ các sản phẩm Feique ra khỏi trang web.
Kem Goree cũng được rao bán phổ biến trên Amazon. Các quan chức Goree thừa nhận không thể bảo đảm chất lượng các sản phẩm dán nhãn Goree không do công ty trực tiếp bán ra. Họ nhấn mạnh hàng nhái Trung Quốc có bao bì rất xịn, khó phân biệt được là hàng giả.
Phía Goree chuyển một số loại kem chính hãng tới văn phòng Bloomberg ở Hong Kong. Trung tâm Kiểm tra và Tiêu chuẩn Hong Kong thực hiện xét nghiệm và phát hiện một sản phẩm chứa 5.430 ppm thủy ngân, sản phẩm khác có 43 ppm thủy ngân. Goree phủ nhận kết quả này.
Phía EcoWaste cho biết cuộc chiến chống ngộ độc thủy ngân sẽ còn rất gian nan. Bởi thị trường chợ đen luôn tìm ra cách tiêu thụ hàng cấm. Rất nhiều sản phẩm làm đẹp bị chính quyền Philippines cấm cửa vẫn dễ dàng có mặt ở quốc gia này, và được rao bán công khai trên mạng.