Nguyễn Thùy Linh sinh năm 1997, hiện là tay vợt nữ hay nhất của cầu lông Việt Nam. Thùy Linh gây ấn tượng kể từ Olympic Tokyo 2020, khi thắng 2 trận vòng bảng và thua tay vợt số một thế giới Tai Tzu Ying.
Cuối tháng 4 vừa qua, Thùy Linh tham dự giải vô địch châu Á, thua tay vợt Nhật Bản Sayaka Takahashi ở vòng đầu nhưng thể hiện sự tiến bộ. Đây là màn chuẩn bị bổ ích của cô cho SEA Games 31 trên sân nhà.
Chia sẻ với Zing, Thùy Linh thừa nhận áp lực trong việc phấn đấu giành huy chương, ngay cả khi đây là mục tiêu khiêm tốn của đội tuyển cầu lông Việt Nam ở các kỳ đại hội thể thao khu vực.
Nguyễn Thùy Linh thắng đàn chị Vũ Thị Trang ở chung kết giải cầu lông các tay vợt mạnh toàn quốc hồi tháng 4. Ảnh: Minh Chiến. |
- Xin chào Nguyễn Thùy Linh. Chị có thể chia sẻ về tình hình chuẩn bị và mục tiêu của mình tại Sea Games 31?
- Tôi đặt mục tiêu có huy chương dù chưa có phong độ tốt nhất. Để làm được điều này, tôi hy vọng được vào bảng đấu vừa sức. Ở các nội dung nữ, các vận động viên Việt Nam không thua kém quá nhiều so với các nước trong khu vực, ngoại trừ Thái Lan, các tay vợt này có trình độ cao hơn hẳn. Tôi hy vọng sẽ tránh được họ. Indonesia cũng sở hữu những tay vợt nữ xuất sắc.
- Là tay vợt nữ số một Việt Nam, vừa thi đấu Olympic, Thùy Linh có cảm thấy áp lực?
- Áp lực là có, nhưng tôi buộc phải đối diện và khắc phục nỗi sợ. Tôi luôn tự nhủ bản thân sẽ không làm được gì, nếu luôn sợ hãi. Trận đấu với tay vợt Nhật Bản ở giải vô địch châu Á vừa qua là cơ hội để học hỏi. Việc được thi đấu với các tay vợt hàng đầu sẽ giúp tôi cùng các đồng đội không bị ngợp tại SEA Games.
- Thùy Linh hẳn phải đầu tư rất nhiều cho việc tập luyện để nâng cao trình độ.
- 2 năm gần đây, do tình hình dịch bệnh, việc xuất, nhập cảnh trở nên khó khăn. Tháng 3 vừa qua, tôi có ý định đi châu Âu thi đấu để tích điểm, học hỏi kinh nghiệm, nhưng lại không thể thực hiện do thủ tục quá rắc rối. Tôi đành chấp nhận tập luyện cùng các đồng nghiệp trong nước.
- Việc chỉ tập với các VĐV có trình độ không hơn ở trong nước có phải thiệt thòi lớn đối với Linh?
- Đứng ở góc nhìn chuyên môn, các vận động viên Việt Nam có trình độ khá tốt. Tuy nhiên, họ lại không có cơ hội cọ xát. Nếu chỉ thi đấu trong nước, rất khó để tiến bộ. Bản thân tôi cũng cảm thấy nhàm chán sau 2 năm chỉ tập luyện trong nước. Các đồng đội cũng chịu nhiều thiệt thòi khi không được xuất ngoại thi đấu, một phần vì dịch bệnh, một phần do kinh tế eo hẹp.
Các VĐV phải thi đấu quốc tế được cải thiện trình độ. Minh chứng rõ nhất cho lợi ích của việc thường xuyên ra nước ngoài thi đấu là anh Tiến Minh. Tôi hy vọng các tay vợt Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong thời gian tới.
Thùy Linh thừa nhận tâm lý thi đấu là điểm yếu của các tay vợt Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
- Tuyển cầu lông Việt Nam đã thuê chuyên gia đến từ Indonesia, nền cầu lông số một Đông Nam Á, để chuẩn bị cho SEA Games 31. Linh đánh giá thế nào về sự thay đổi này?
- Do thời gian chuẩn bị cho SEA Games gấp rút, chuyên gia Indonesia không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra khối lượng bài tập nặng. Mỗi ngày, chúng tôi phải tập 6 tiếng, tính riêng thời gian trên sân. Cơ thể ai cũng mệt mỏi, dẫn đến phong độ đi xuống một chút. Hy vọng chúng tôi sẽ sớm thích nghi để đạt thành tích tốt nhất tại SEA Games.
Chúng tôi không tập nhiều các bài tập tạ mà chỉ chú trọng vào tập luyện kỹ chiến thuật trên sân. Tuy nhiên, ở độ tuổi của tôi, việc điều chỉnh kỹ thuật là gần như không thể. Chuyên gia chỉ có thể hỗ trợ chúng tôi về chiến thuật thi đấu.
- Điểm mạnh nào khiến Linh tự tin vào cơ hội cạnh tranh huy chương?
- Sở trường của tôi là sức mạnh cộng với một chút kỹ thuật. Tuy nhiên, điểm yếu của các tay vợt Việt Nam nói chung là tâm lý kém hay mắc sai sót và thiếu đi sự bền bỉ.
- Chúc Thùy Linh có phong độ tốt và thi đấu thành công.