Hai mẹ là bà mối
Ngày mới kết hôn, đôi lúc tôi thấy buồn vì không được hoạt động nghệ thuật nhiều, nhưng hiện tại, nhìn hai thiên thần đáng yêu và cuộc sống gia đình đầy ắp tiếng cười, tôi nghĩ mình đã lựa chọn đúng.
Mẹ anh Anh Tuấn và mẹ tôi vốn là bạn thân lâu năm nhưng người Bắc người Nam nên ít khi gặp mặt. Năm 2005, anh Tuấn về nước nghỉ hè, cả gia đình vào Sài Gòn du lịch và chúng tôi chính thức gặp nhau.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là: chàng trai này sao thư sinh, da trắng quá. Tôi thích đàn ông da ngăm ngăm đen hơn vì cảm giác họ mạnh mẽ, nam tính. Tuy nhiên, yếu tố đó không cản trở được cảm xúc đặc biệt ngay từ giây phút đầu. Nhờ sự trợ giúp của hai bà mẹ, tình cảm càng tiến triển thuận lợi.
Vừa quen và yêu nhau, chúng tôi lại phải tạm chia tay để anh sang Mỹ học tiếp. Thời gian xa cách, chúng tôi chủ yếu liên lạc bằng chat, điện thoại. Mọi người đùa: Khi yêu, đàn ông ai cũng tốn một khoản tình phí, còn tình phí của anh Tuấn là tiền cước điện thoại.
Năm năm xa cách một vòng trái đất, tình yêu của chúng tôi không sợ yếu tố thời gian, không gian nhưng có chút lung lay vì những đồn thổi khi tôi tham gia nghệ thuật. Anh ấy ở xa, lại chưa hiểu về showbiz nên ban đầu có nghi ngờ. Để tạo lòng tin với anh, tôi không nói những lời sáo rỗng, không giải thích nhiều vì tin rằng mình làm việc và sống thế nào thì thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất.
Tôi đã bớt bướng bỉnh hơn
Năm 2010, sau khi anh Tuấn tốt nghiệp tiến sĩ, chúng tôi làm đám cưới. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi ra Hà Nội sống.
Vốn được chăm lo, bảo bọc từ nhỏ nên tôi không thể tưởng tượng mình sẽ làm dâu thế nào, tổ chức cuộc sống ra sao khi môi trường sống thay đổi hoàn toàn. Thế nhưng mọi lo lắng của tôi là thừa.
Bố mẹ chồng sống hiện đại, không đòi hỏi, ép buộc con dâu bằng điều này, lệ kia. Những ngày giỗ chạp, lễ tết, mẹ chồng vẫn lo việc nấu nướng. Với gia đình nhỏ, tôi lại được sự giúp sức hết mình của chồng. Tôi nhận ra rằng người phụ nữ khi lấy chồng, không cần qua khóa học nào, bản năng sẽ trội dậy, mách bảo họ biết phải làm gì.
Từ khi lấy chồng, tôi nấu được nhiều món hơn. Tuy chỉ là những món đơn giản như xào, luộc, hấp nhưng đó là cả sự tiến bộ không ngờ của tôi. Để có sự hòa hợp về khẩu vị, chúng tôi đã trải qua quá trình điều chỉnh dần dần.
Ban đầu, nấu món nào tôi cũng cho nhiều đường, anh ấy không thể nuốt nổi. Sau đó, chúng tôi thống nhất một số món sẽ không dùng đường như canh chua, xào, kho, còn một số món như cá sốt cà, sườn ram chua ngọt thì vẫn có đường nhưng ít hơn...
Vợ chồng Thùy Lâm trong một cuộc vui cùng bạn bè. |
Nhiều người nghĩ tôi là hoa hậu chắc được chồng chiều lắm. Đúng là lúc yêu thì anh ấy chiều hết mực, muốn gì được nấy nhưng khi về sống chung, đòi hỏi không hợp lý sẽ bị từ chối.
Chẳng hạn, tôi muốn chồng đi làm xong về thẳng nhà chứ không được đi đâu, kể cả chơi tennis. Anh giải thích: "Anh phải chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe chứ". Tôi biết mình vô lý nên không cằn nhằn nữa. Lấy chồng, có con rồi tôi tự nhủ mình không nên bướng bỉnh như ngày con gái. Điều đó dễ dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng.
Gia trưởng nhưng tâm lý
Anh Tuấn là người Bắc nên khó tránh khỏi tính gia trưởng. Tuy nhiên, tôi thấy điều đó cần thiết để tạo nên sự mạnh mẽ, quyết đoán của người đàn ông. Gia trưởng nhưng không có nghĩa là anh áp đặt mọi thứ cho tôi.
Từ ngày kết hôn, chúng tôi chưa từng to tiếng. Nếu tội nhận được một lời mời công việc, anh ấy sẽ phân tích ưu/ nhược điểm nếu tôi làm và người quyết định cuối cùng là tôi.
Trong nhà, chuyện kinh tế chồng tôi là người chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, tôi không phải mẫu người thụ động, chỉ thích quanh quẩn ở nhà. Thời gian ở cữ, đôi khi tôi buồn chán vì thấy mình vô dụng, không giúp gì được cho chồng. Anh đọc được điều đó trong ánh mắt tôi nên nói: "Em sinh con và chăm con là việc làm vĩ đại, anh đâu làm được". Nghe chồng nói vậy, tôi rất vui nhưng vẫn ý thức mình sẽ đi làm lại khi con gái cứng cáp hơn. Trước mắt, tôi sẽ phụ chồng kinh doanh, tương lai không xa là kinh doanh riêng, có liên quan đến nghệ thuật, làm đẹp.
Mẹ con Hoa hậu Thùy Lâm. |
Có lẽ ai cũng có máu ghen, nhưng vợ chồng tôi chưa từng phải thể hiện điều đó với nhau. Như một thói quen, chúng tôi đi đâu, làm gì quan trọng đều gọi điện, nhắn tin thông báo cho nhau. Tôi không thắc mắc nhiều khi chồng đi ăn, gặp gỡ ai... Có khi anh ấy để điện thoại cả ngày ở nhà tôi cũng không kiểm tra tin nhắn, cuộc gọi. Đó là sự tôn trọng tối thiểu. Hơn nữa, sống với nhau phải có niềm tin.
Vợ chồng tôi duy trì thói quen nhắn tin, gọi điện hàng ngày và xem đó như chất keo gắn kết tình cảm. Chồng tôi là dân kinh tế nên ít khi nói những lời có cánh. Khi đi làm, người lãng mạn có thể nhắn: "Anh nhớ em", nhưng chồng tôi thường nhắn: "Anh đến công ty rồi", "Vợ ăn cơm chưa?"... Những điều giản dị đó cũng đủ làm tôi ấm lòng, hạnh phúc.