Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom. Ảnh: Scanpix. |
Thông báo về sự dịch chuyển chính sách đối ngoại của Thụy Điển được Ngoại trưởng Billstrom đưa ra vào hôm 18/10, một khoảng thời gian ngắn sau khi Thủ tướng Ulf Kristersson công bố các vị trí trong nội các.
"Bình đẳng giới vẫn là một giá trị cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Thụy Điển. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không tiếp tục áp dụng chính sách ngoại giao nữ quyền. Việc chú ý đến tên gọi của một thứ gì đó đôi khi khiến chúng ta quên mất nội dung bên trong", ông Billstrom cho biết.
Chính sách "ngoại giao nữ quyền" được công bố vào năm 2014, biến Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên coi vấn đề bình đẳng giới là trọng tâm lớn nhất trong chính sách đối ngoại.
Được công bố bởi cựu Ngoại trưởng Margot Wallstrom, chính sách bao gồm 3 yếu tố chủ đạo là quyền của phụ nữ, mức độ tham gia của phụ nữ trong chính trị và đầu tư cho phụ nữ.
Trong thời gian áp dụng chính sách "ngoại giao nữ quyền", Thụy Điển cho biết nước này đã đạt được một số thành công quan trọng như thúc đẩy quyền và sự tham gia của phụ nữ trong chính trị tại 20 quốc gia.
Quan hệ giữa Thụy Điển và Saudi Arabia đã xấu đi nhanh chóng vào năm 2015 sau những phát ngôn của cựu Ngoại trưởng Margot Wallstrom về quyền của phụ nữ tại quốc gia Hồi giáo này. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, chính sách trên cũng tạo ra những tác động tiêu cực trong quan hệ của Thụy Điển với các quốc gia khác.
Sau khi cựu Bộ trưởng Wallstrom chỉ trích chính sách về quyền dân chủ và quyền phụ nữ của Saudi Arabia vào năm 2015, vương quốc Hồi giáo này đã đáp trả bằng việc triệu hồi đại sứ của mình tại Stockholm về nước.
Theo DW, vào tháng 10/ 2015, Thụy Điển cũng tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận hợp tác quân sự với Saudi Arabia, một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của quốc gia Bắc Âu, sau khi Riyadh chỉ trích bài phát biểu của bà Wallstrom mang tính xúc phạm và can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.