Annika Linde, người giữ chức vụ trưởng dịch tễ học Thụy Điển từ năm 2005 đến năm 2013, trước đó thể hiện sự ủng hộ đối với cách tiếp cận của quốc gia Bắc Âu trong đại dịch virus corona, dưới sự cố vấn của người kế nhiệm bà, Anders Tegnell.
Song giờ đây bà đã trở thành người đầu tiên trong giới quan chức y tế công cộng lên tiếng phản đối, nói bà đã thay đổi suy nghĩ sau khi thấy số người chết tương đối cao ở Thụy Điển so với các nước láng giềng - Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan.
"Tôi nghĩ chúng ta cần thêm thời gian để chuẩn bị. Nếu chúng ta phong tỏa từ sớm... chúng ta sẽ có thể đảm bảo rằng chúng ta có những gì cần thiết để bảo vệ những người dễ tổn thương trong thời gian đó", bà Linde nói với Observer.
Thụy Điển dựa vào ý thức người dân để chống dịch. Trong ảnh, người ngồi dày đặc ở cảng phía tây Malmo hôm 5/4. Ảnh: TT News Agency. |
Trong 2 ngày của tuần qua, Thụy Điển là nước có tỷ lệ tử vong trên đầu người vì virus corona cao nhất thế giới, tính theo trung bình trượt (rolling average) 7 ngày, và tổng số ca tử vong đã sắp chạm mốc 4.000.
Tỷ lệ tử vong trên đầu người ở Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy, các nước đều áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt hơn, hiện thấp hơn Thụy Điển lần lượt là 4 lần, 7 lần và 9 lần.
Thụy Điển áp dụng chính sách thoải mái nhất để ứng phó với virus corona trong các nước phát triển, cho phép các trường cấp hai, quán bar, nhà hàng, trung tâm mua sắm và phòng gym mở cửa, cũng như cho phép tụ tập đến 50 người. Nước này cho rằng trách nhiệm xã hội và ý thức chung của người dân là biện pháp hàng đầu để chống dịch.
Bà Linde nói bà ban đầu đồng ý với tư duy làm cơ sở cho cách tiếp cận của Thụy Điển. "Nhận thức cơ bản, theo tôi nghĩ, là dù sớm dù muộn, bất kể bạn làm gì, thì toàn bộ dân số đều sẽ nhiễm virus", bà nói.
"Vậy nên khi Anders Tegnell nói 'chúng ta sẽ làm phẳng đường cong và chúng ta sẽ bảo vệ những người dễ tổn thương', tôi nghĩ 'chúng ta sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng sau một thời gian. Đây có thể là một chiến lược tốt'. Tôi đã không phản đối".
Cùng lúc, nội dung thứ hai trong chiến lược của Thụy Điển - bảo vệ người già và các nhóm có nguy cơ khác - cũng thất bại.
"Việc chúng ta có thể bảo vệ người già, với rất ít nền tảng trong thực tế, giống như một giấc mơ", bà Linde, 72 tuổi, người đã trải qua 2 tháng bán cách ly, nhận xét.
Bà cho rằng sự thất bại của cách tiếp cận Thụy Điển một phần là do cơ quan y tế công cộng không sẵn sàng áp dụng chiến lược đã được chuẩn bị trước dựa trên kinh nghiệm về các đại dịch cúm, như cúm Tây Ban Nha và cúm lợn, đối với virus corona.
"Sự thật rằng nó được so sánh quá nhiều với các dịch cúm có thể khiến chúng ta đưa ra những giả định sai lầm ngay từ đầu", bà nói. "Chúng ta có thể đã làm khác nếu chúng ta nhận thức rõ hơn về nguy cơ lây lan từ những người không có triệu chứng chẳng hạn".
Ông Tegnell, trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh quốc gia Thụy Điển, đã thừa nhận nước này đang ở trong một "tình thế kinh khủng" nhưng bác bỏ ý kiến cho rằng việc phong tỏa đã có thể giúp ích.
"Việc chỉ trích như thế cũng rất bình thường, và nói 'nếu chúng ta phong tỏa, chúng ta có thể đã làm được nhiều hơn thế trước đây. Nhưng khi tôi đặt câu hỏi, "chính xác thì chúng ta đã có thể làm gì mang lại nhiều thay đổi hay không?', thì tôi không nhận được nhiều câu trả lời".