Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến thời điểm này, hệ thống điện quốc gia có 81 nhà máy thủy điện đang vận hành (chỉ tính các nhà máy có công suất đặt trên 30 MW) với tổng công suất khoảng 15.570 MW, chiếm hơn 40% công suất đặt toàn hệ thống.
Trong đó, chỉ có 38 hồ có khả năng điều tiết nước phục vụ phát điện, tưới tiêu và cấp nước hạ du trong cả mùa khô với tổng dung tích hữu ích hơn 33 tỷ m3. Hơn 40 hồ thủy điện không có khả năng này.
Hạn hán kéo dài từ giữa năm 2015 đến nay, hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện thiếu nước nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều nhà máy thủy điện ở miền Trung phải ngừng hoạt động để xả nước cho vùng hạ lưu.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Lô, Trưởng ban Chuẩn bị đầu tư, kiêm Người phát ngôn công ty Cổ phần Thủy điện A Vương (Quảng Nam) cho biết, từ tháng 8/2015, nhà máy thủy điện A Vương ở Quảng Nam đã hoàn toàn ngừng hoạt động, để phục vụ xả nước chống hạn hán. Nhà máy thủy điện A Vương có tổng công suất 210 MW gồm 2 tổ máy, điện lượng bình quân hàng năm là 815 triệu KW/h.
Ông Lô cho biết thêm, lượng nước trong hồ chứa A Vương thiếu hụt 19 m (chỉ đạt cao trình 361,81 m so với 380 m) nhưng dung tích thiếu đến 55% lượng nước. Với lượng nước này, thủy điện A Vương vẫn có thể xả nước sản xuất điện nhưng theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp thì buộc phải ngừng hoàn toàn.
Theo kế hoạch năm 2016 do Bộ Công Thương giao, nhà máy thủy điện A Vương phải phát điện 530 triệu KW/h, nhưng sản lượng cho đến nay mới được 3,9 triệu KW/h, chưa đầy 1% kế hoạch.
Về việc lượng điện sản xuất không đủ phục vụ đời sống, kinh doanh của người dân, ông Lô cho rằng: "Sản lượng điện từ thủy điện không đủ kế hoạch được giao nhưng Tập đoàn Điện lực sẽ điều tiết các nguồn điện khác để phục vụ người dân trong mùa khô hạn. Chúng tôi là đơn vị kinh doanh nên phải ưu tiên xả nước để phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh cho bà con vùng hạ du".
Thủy điện A Vương phải ngừng hoạt động vì hạn hán. Ảnh: EVN. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Oánh, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, cho hay, để phục vụ nước cho vùng hạ du tỉnh Bình Thuận, hai nhà máy thủy điện Đa Nhim và Hàm Thuận phải hoạt động cầm chừng, có thời điểm ngừng hẳn hoạt động.
"Hạn hán ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty. Chúng tôi đã phải ngừng bán điện từ 2 nhà máy này. Tất cả phải phục vụ xả nước cho bà con hạ du chống hạn, rồi mới tính đến lợi nhuận của doanh nghiệp", ông Oánh nói.
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, đến giữa tháng 3, cả nước có 15/51 nhà máy thủy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh đã phải tạm dừng hoạt động để ưu tiên xả nước cho sinh hoạt và thủy lợi vùng hạ du.
EVN cũng cho hay, năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, các hồ chứa thủy điện trên toàn hệ thống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các hồ thủy điện trên địa bàn từ Thanh Hóa trở vào. Các nhà máy thủy điện trên các khu vực miền Trung và miền Nam đang được vận hành chủ yếu theo yêu cầu cấp nước cho hạ du.
Theo thống kê của EVN, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy điện hiện khá thấp, tổng lượng nước còn lại là 23,4 tỷ m3 (tương ứng 69,1% tổng dung tích hữu ích của các hồ). Lượng nước của các hồ khu vực miền Trung và miền Nam thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.