Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thương xá Tax di dời, tiểu thương 'chết đứng'

Việc thương xá Tax thông báo kết thúc hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh tại đây trước ngày 1/10 đã khiến các tiểu thương “chết đứng”.

Trong khi đó, khu vực kinh doanh trên đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) bị ảnh hưởng bởi việc xây nhà ga metro cũng kêu trời khi việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trở tay không kịp

Ngồi giữa ba gian đồ thủ công mỹ nghệ trên lầu 3 thương xá Tax, ông Đoàn Văn Phùng, chủ của các gian hàng này, rầu rĩ.

“Theo hợp đồng đã ký, đến cuối năm 2014 mới hết hạn hợp đồng thuê mặt bằng. Việc đơn vị chủ quản của Tax là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên (SATRA) cách đây hai tuần bất ngờ thông báo phải dọn dẹp trả mặt bằng trước ngày 1/10 khiến tôi trở tay không kịp. Đáng ra phải báo trước ba tháng theo như thỏa thuận trong hợp đồng, để chúng tôi không nhập thêm hàng” - ông Phùng nói.

Khu vực bán đồ lưu niệm thủ công mỹ nghệ trong thương xá Tax đìu hiu khách mua dù giảm giá.
Khu vực bán đồ lưu niệm thủ công mỹ nghệ trong thương xá Tax đìu hiu khách mua dù giảm giá.

Ông cho biết lượng hàng cả cũ và mới của ông rất lớn, không sao xử lý kịp theo thời hạn Tax đưa ra. “Vừa rồi tôi đã nhập hàng chuẩn bị bán cho mùa cao điểm, đủ bán đến qua tết. Giờ không biết giải quyết sao với số hàng này nữa”, ông nói.

Như ông Phùng, ông Lê Chí Thanh cũng là hộ kinh doanh gắn bó hơn 30 năm tại trung tâm thương mại này. “Cả gia đình, ba mẹ tôi gắn bó với nơi này mấy chục năm nay rồi. Việc di dời chúng tôi ủng hộ, không có gì phàn nàn nhưng đường đột quá, làm sao chúng tôi xoay xở?”, ông Thanh cho biết.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, một hộ kinh doanh tại Tax, cho biết sau khi thông báo trả mặt bằng trước hạn, Tax có hỗ trợ hai tháng thuê mặt bằng. “Sự hỗ trợ đó không thấm tháp gì so với mất mát quá lớn của chúng tôi khi được thông báo quá gấp gáp”, bà nói.

Những ngày cuối cùng của Thương xá Tax

Trước khi Thương xá Tax chính thức đóng cửa để xây dựng tòa tháp 40 tầng, nhiều người Sài Gòn tới đây để mua sắm lần cuối, chụp ảnh kỷ niệm tại trung tâm mua sắm 130 năm tuổi.

Hầu hết tiểu thương tại Tax cho biết trước dự án công cộng to lớn như xây dựng metro, họ chấp nhận dời đi nơi khác, song chỉ muốn có thêm thời gian thu xếp.

“Nguyện vọng của chúng tôi giờ chỉ là được ở đây thực hiện cho hết hợp đồng năm 2014, bán được hết qua mùa giáp Tết để phần nào giảm bớt thiệt hại, thu xếp cho những ngày làm ăn phía trước”, bà Đoàn Thị Dung, chủ một quầy hàng lưu niệm, nói.

Doanh số tuột dốc

Tương tự với thương xá Tax, buồn bã cũng là tâm lý chung của nhiều tiểu thương kinh doanh quanh khu vực đường Nguyễn Huệ bị ảnh hưởng bởi rào chắn để xây nhà ga metro. “Đề xuất gì bây giờ? Nhà nước quyết định vậy rồi, chúng tôi đành chịu chứ chẳng biết làm sao cả”, chủ một tiệm mua bán máy ảnh nói.

Theo chủ tiệm này, doanh số đã tuột dốc không kiểm soát được, khách không ai vào. Tuy nhiên, hằng ngày cửa hàng của ông vẫn còn phải nuôi 3-5 thợ, khiến nỗi lo lỗ nặng càng trở nên chồng chất.

Khu vực thương xá Tax đang được rào chắn để thi công công trình tháp thông gió ga nhà hát thành phố của tuyến metro số 1.
Khu vực thương xá Tax đang được rào chắn để thi công công trình tháp thông gió ga nhà hát thành phố của tuyến metro số 1.

Chủ một cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ cho biết cũng như nhiều hộ khác, cửa hàng này xin hỗ trợ giảm trừ từ cơ quan thuế. “Thấy chi cục thuế bảo phải chờ xin ý kiến của TP, đến bây giờ vẫn chưa có kết quả gì cụ thể” - chủ cửa hàng này nói.

Cũng nằm trên trục đường Nguyễn Huệ, tiểu thương kinh doanh tại trung tâm thương mại Lucky Plaza cho biết cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi rào chắn bít lối đi, khiến người dân không vào mua sắm. “Lúc trước, tầm trưa còn có khách hàng ra vào, mua ít nhiều gì cũng được vài món. Nay thì gần như chẳng còn ai có thể buôn bán được gì”, một tiểu thương kinh doanh quần áo tại lầu 2 cho biết.

200 gian hàng chưa biết đi đâu khi thương xá Tax đóng cửa

Hơn 200 gian hàng và khoảng 1.000 nhân viên sẽ phải dọn khỏi thương xá Tax vào ngày 1/10, để bàn giao mặt bằng xây dựng tòa tháp cao 40 tầng.

Bà Thu Huyền, kinh doanh mặt hàng quần áo tại khu vực lầu 2, cho biết sạp của bà đã đóng cửa hơn năm ngày, đến hôm nay 19/8 mới mở. “Đã ế ẩm, khó bán nay còn khó khăn hơn nhiều”, bà Huyền cho hay.

Miễn phí 2 tháng mặt bằng, xin giảm thuế

Ông Trần Sỹ Quý, trưởng phòng kinh doanh thương xá Tax, cho hay theo yêu cầu của UBND TP.HCM, Tax sẽ phải bàn giao mặt bằng khoảng 500m2 phía mặt đường Lê Lợi cho Ban quản lý đường sắt đô thị thi công tháp thông gió của nhà ga metro vào đầu tháng 10.

“Theo tính toán, khi tháo dỡ tòa nhà 39 Lê Lợi thì Tax không thể kinh doanh được, do tường rào thi công tuyến metro chỉ còn cách mặt tiền Tax 1,5m nên hầu như không đi được, không chuyển hàng hóa được. Do đó để đảm bảo an toàn, lãnh đạo SATRA đã họp và quyết định đóng cửa Tax từ ngày 1/10”, ông Quý nói.

Trong khi đó, khu vực sảnh chính thương xá Tax tập trung hàng ngàn người đến mua sắm hàng giảm giá.
Khu vực sảnh chính thương xá Tax tập trung hàng ngàn người đến mua sắm hàng giảm giá.

Ông Quý nói thêm, ngoài việc miễn phí tiền thuê mặt bằng hai tháng cuối tại Tax, thương xá còn hỗ trợ các tiểu thương có nhu cầu có thể dời về số C6 Phạm Hùng (quận 8) hoặc siêu thị Sài Gòn (quận 10) để tiếp tục kinh doanh.

Tuy nhiên, các tiểu thương ở đây cho rằng, mặt hàng tạo nên thương hiệu Tax với du khách và người dân chủ yếu là hàng lưu niệm, mỹ nghệ. Những mặt hàng này chủ yếu bán được ở trung tâm quận 1, nơi du khách đến thăm nhiều. “Nếu đưa về quận 8 hay quận 10, hàng của chúng tôi chẳng khác gì củi”, bà Điệp, một chủ quầy tại đây, nói.

Một đại diện khác của Tax (không muốn nêu tên) cho rằng, những sự hỗ trợ của Tax là hết sức nhân văn và hoàn toàn tự nguyện. Vị này cho biết chi phí bỏ ra để hỗ trợ không phải là nhỏ.

Thương xá Tax sắp thành cao ốc 40 tầng

UBND TP.HCM vừa yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương bàn giao mặt bằng để thi công tháp thông gió của nhà ga metro tại Thương xá Tax ngay trong tháng 9 tới.

“Một tháng tiền mặt bằng chúng tôi thu về khoảng 5 tỷ đồng. Giờ miễn phí hai tháng rồi, chúng tôi còn phải bỏ ra chi phí để truyền thông cho khách tới mua hàng giảm giá, tăng chi phí an ninh để bảo đảm an toàn khi khách đông như thế này”, vị này nói.

Đại diện SATRA cho hay, đơn vị này đã làm công văn để các tiểu thương ở Tax xin giảm thuế khi làm việc với Cục Thuế quận 1.

http://tuoitre.vn/Ban-doc/624076/thuong-xa-tax-di-doi-tieu-thuong-chet-dung.html#ad-image-2

Theo Hồng Quý - Dũng Tuấn/ Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm