Kết luận sau phiên chất vấn ngày 1/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự cố gắng của hai bộ trưởng Công thương và Y tế trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong hoạt động quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của hai bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể như hoạt động thu mua nông sản, thuỷ sản của thương nhân nước ngoài gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh trong nước, tình trạng khai thác và xuất khẩu trái phép khoáng sản vẫn diễn biến phức tạp. Việc điều hành giá các mặt hàng điện, xăng, dầu chưa thật sự công khai, minh bạch, điều chỉnh có lúc chưa phù hợp đã ảnh hưởng tới tâm lý, đời sống của người dân.
Trong lĩnh vực y tế, tình trạng quá tải ở bệnh viện tuy đã bước đầu được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức, nhân viên y tế vẫn còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Việc chấn chỉnh về y đức chuyển biến còn chậm.
Bên cạnh đó, công tác quản lý giá thuốc, chất lượng thiết bị y tế còn nhiều bất cập. Giá viện phí, thuốc chữa bệnh tăng gây khó khăn cho người dân có thu nhập thấp. Công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế.
Nhiều lưu ý được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển tới hai vị tư lệnh Y tế, Công thương sau phiên chất vấn đầu tháng 4. |
Đối với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, sử dụng đường dây nóng, sự tham gia của cơ quan báo chí, lắng nghe góp ý của nhân dân, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân vi phạm pháp luật hoặc vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề y.
"Tiếp tục triển khai các giải pháp hữu hiệu để giảm tải ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương trong thời gian tới", Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Bộ trưởng Y tế.
Ngươi đứng đầu ngành y tế được yêu cầu triển khai các giải pháp hữu hiệu để giảm tải ít nhất 50% tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương trong thời gian tới.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tiến cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước và tư nhân, đồng thời, xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình sai phạm quy định về hành nghề.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy định liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đối với các hoạt động mua, bán nông sản, thuỷ sản, hải sản có biểu hiện bất thường.
Tư lệnh ngành công thương còn được yêu cầu khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác, xuất khẩu trái phép và gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản, bảo đảm đến năm 2015 chấm dứt tình trạng này.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cần lưu ý thực hiện đúng quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng giá điện theo giá thị trường và các quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Chỉ đạo việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và chấn chỉnh các hoạt động đầu tư kinh doanh của ngành điện.
Đối với quản lý giá xăng dầu, Bộ trưởng Công thương được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và theo xu hướng giá thế giới. Đồng thời, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 84 ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu nhằm tạo môi trường sản xuất, kinh doanh xăng, dầu có tính cạnh tranh; công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng, dầu.
Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội sẽ có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện lời hứa của hai bộ trưởng.