"Chúng tôi ước tính đã chi không dưới 50 tỷ đồng để tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023" - ông Trần Việt Bảo Hoàng - CEO Unicorp - chia sẻ ở họp báo khép lại cuộc thi.
Nghe đến đây, nhiều người không khỏi bất ngờ và thắc mắc việc ban tổ chức đã đổ số tiền "khủng" vào những khoản nào, cách họ huy động nguồn lực tài chính ra sao. Nhưng trong số đó, có khán giả nghi ngờ tính chính xác trong phát ngôn của người đứng đầu cuộc thi hoa hậu.
Tốn hàng chục đến trăm tỷ đồng để tổ chức cuộc thi hoa hậu
Giải thích về con số "không dưới 50 tỷ đồng", ông Bảo Hoàng nói rằng vì Miss Cosmo Vietnam 2023 là mùa giải kỷ niệm 15 năm, đồng thời đánh dấu hành trình mới của thương hiệu nên họ chọn Đà Lạt làm nơi tổ chức. Các khoản chi từ đó cũng cao hơn.
"Trong dịp đặc biệt, mừng 130 năm hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt, chúng tôi dồn rất nhiều tâm huyết vào sân khấu, vương miện 'Tre’15 the crown' (cho hoa hậu) và 'Tre’15 the tiara' (cho á hậu), tất cả công tác tổ chức, chi phí cho phần trình diễn pháo hoa đêm giao thừa...".
Theo ông Hoàng, để đêm chung kết được phát sóng khung giờ vàng trên VTV3 vào dịp cuối năm cực kỳ khó. Làm được điều này, họ chấp nhận chi số tiền không nhỏ.
Bên cạnh các khoản chi nói trên, BTC còn tốn tiền cho công tác di chuyển của thí sinh, ê-kíp, báo chí, tiền ăn uống, khách sạn, tiền thuê đội ngũ make-up, tiền quảng cáo và ti tỉ khoản lớn nhỏ khác.
Việc phát sóng trên VTV3 và màn bắn pháo hoa đêm giao thừa được cho là "ngốn" của ban tổ chức Miss Cosmo Vietnam con số lớn. Ảnh: Phương Lâm. |
Con số 50 tỷ đồng chênh lệch khá nhiều so với kinh phí đầu tư năm Phạm Hương đăng quang. Khi đó, ở họp báo, đại diện Công ty cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn (Unicorp) tiết lộ 30 tỷ là số tiền họ tạo nên mùa giải. Năm đó, cuộc thi được tổ chức ở TP.HCM, Hà Nội và Nha Trang. Đêm chung kết diễn ra tại sân khấu Hoàn Vũ (Crown Convention Center) với hơn 7.500 chỗ ngồi, nơi từng đăng cai Miss Universe 2008.
Trong khi đó, khi được hỏi về số tiền đăng cai Miss Grand International hồi tháng 10/2023, bà Phạm Kim Dung - CEO Sen Vàng - không công bố cụ thể. Song, bà chia sẻ: "Con số đối với một cuộc thi sắc đẹp cũng giống số tuổi của phụ nữ, nó chỉ là con số thôi. Vì vậy, tôi chỉ nói rằng, đối với cuộc thi hoa hậu như Hoa hậu Việt Nam, chúng tôi chưa bao giờ chi số tiền mặt dưới 60 tỷ, chưa kể tất cả dịch vụ khác".
Bà Dung cho hay, gala kỷ niệm 30 năm của Hoa hậu Việt Nam (mùa giải 2018, năm Tiểu Vy đăng quang), số tiền đầu tư lên đến cả trăm tỷ. "Số lượng sự kiện chúng tôi làm, những bộ ảnh, những chuyến đi dài cũng như những hành trình nhân ái, các bạn có thể tính ra được số tiền chi ra rất dễ", bà chia sẻ.
Trong một năm, Việt Nam ghi nhận không dưới 20 cuộc thi hoa hậu quốc gia, 2-3 cuộc thi cấp quốc tế được tổ chức. Nhưng trong số đó, chỉ vài cuộc có mức đầu tư lớn có thể nhìn thấy được như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam...
Một người từng là thành viên ban giám khảo cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam chia sẻ với Tri Thức - Znews: "Các cuộc thi nhỏ không cần phải chi số tiền lớn để tổ chức, quản lý thí sinh, marketing, mời ban giám khảo quốc tế... Một cuộc thi lớn có thể bỏ từ 10-100 tỷ đồng trong khi những cuộc thi nhỏ hơn chỉ tầm 3-4 tỷ đồng để vận hành. Vì thế, họ sẽ thu về nhiều hơn các cuộc thi lớn".
Ban tổ chức thu lại được gì?
Cũng vì chi phí tổ chức ngày càng cao, ban tổ chức phải tăng giá vé bán kết và chung kết để thu lợi nhuận. Bằng chứng, vé xem Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 tăng nhiều so với năm trước.
Cụ thể, chung kết mở bán 4 hạng vé tương ứng với mức giá lần lượt là hạng SUPERVIP (10 triệu đồng/vé), hạng VVIP (2,8 triệu đồng/vé), hạng VIP (1,5 triệu đồng/vé) và hạng PLATINUM (600.000 đồng/vé). Vì giá vé SUPERVIP quá cao so với các hạng vé khác, người hâm mộ chỉ biết "than trời".
Chung kết Miss Cosmo Vietnam 2023 có sức chứa hơn 5.000 khán giả. Ảnh: Phương Lâm. |
Trong khi, trên Ticketbox, vé đắt nhất để theo dõi chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2022 là 5,5 triệu đồng/vé cho hạng VVIP. Các hạng rẻ hơn là VIP (3,5 triệu đồng/vé), PLATINUM (1,2 triệu đồng/vé), DIAMOND (800.000 đồng/vé) và GOLD (500.000 đồng/vé).
Theo nhận định từ nhiều người xem, vé 5,5 triệu đồng tuy cao nhưng chấp nhận được vì trong dàn giám khảo xuất hiện những gương mặt quốc tế là Natalie Glebova (Miss Universe 2005), Catriona Gray (Miss Universe 2018) và Harnaaz Sandhu (Miss Universe 2021).
Đối với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, ban tổ chức từng mời Bi Rain biểu diễn năm 2016, nhiều sao hạng A của Việt Nam hát ở chung kết các năm sau. Vì thế, giá vé đêm bán kết, chung kết tăng dần theo các năm. Ở chung kết Hoa hậu Việt Nam 2022, giá vé niêm yết từ 500.000 đồng đến 6 triệu đồng tùy vị trí.
Ngoài lợi nhuận từ khoản bán vé, ban tổ chức có nguồn tài trợ từ các nhãn hàng, doanh nghiệp... Bên cạnh đó, sau cuộc thi, họ phân chia lợi nhuận từ các hợp đồng thương mại, cát-xê tham gia sự kiện của hoa hậu và á hậu (trong trường hợp có ký kết hợp đồng). Nói cách khác, khép lại một sân chơi nhan sắc, hoa, á hậu trở thành “tài nguyên” của công ty chủ quản.
Trước Xuân Hạnh, Ngọc Châu, Khánh Vân và H'Hen Niê phải ký hợp đồng với Unicorp, trở thành talent cho công ty trong một năm, hoặc hơn (tuỳ thoả thuận). Còn đối với nhà Sen Vàng, Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Tiểu Vy... được xem là "gà đẻ trứng vàng", giúp công ty kiếm tiền từ sức ảnh hưởng của họ.
Tóm lại, khi một cuộc thi sắc đẹp được tổ chức cũng là lúc thương vụ kinh doanh mới được hình thành. Nếu cuộc thi khép lại suôn sẻ, người đẹp đăng quang dễ dàng thu hút hợp đồng thương mại, và những ông chủ, nhà tổ chức đứng sau cũng thở phào nhẹ nhõm bởi sự thành công của chương trình giúp họ đạt mục tiêu kinh tế.
Chuyên mục Giải trí giới thiệu loạt sách về thời trang: Thanh lịch kiểu Pháp là một trong ba tác phẩm đình đám về chủ đề phong cách Pháp - Parisian Chic. Quỷ cái vận đồ Prada mang lại cái nhìn cận cảnh vào thế giới của tạp chí và thời trang. Dress Code đưa ra những cách kết hợp thường ngày cho những bộ trang phục bình dị.