Ngày 12/5, Elon Musk khiến cổ phiếu Twitter chao đảo khi tuyên bố tạm dừng thương vụ thâu tóm công ty. Giới phân tích cho rằng vị tỷ phú có thể rút lui, hoặc muốn thương lượng lại với giá thấp hơn.
Tuy nhiên, tài liệu dài 139 trang được nộp ngày 17/5 cho thấy hội đồng quản trị Twitter và Musk đã nhất trí hoàn tất thương vụ với giá 54,20 USD/cổ phiếu.
Theo Bloomberg, các ngân hàng hỗ trợ tài chính cho thương vụ đang chuẩn bị tài liệu để hoàn tất thỏa thuận. Hội đồng quản trị Twitter đã khuyến khích các cổ đông chấp nhận, thậm chí sử dụng "biện pháp mạnh" để hoàn tất thỏa thuận bất chấp mọi động thái của Musk.
Twitter có thể làm gì?
Trong điều khoản thâu tóm, Musk và Twitter nhất trí đền bù 1 tỷ USD cho bên còn lại nếu có hành động đơn phương chấm dứt hoặc ảnh hưởng đến hợp đồng. Thỏa thuận còn bao gồm điều khoản bắt buộc Musk hoàn tất thương vụ.
Điều đó đồng nghĩa nếu phải ra tòa, đại diện Twitter có thể buộc vị tỷ phú hoàn tất thỏa thuận trong mọi trường hợp thay vì trả phí đền bù.
Đoạn tweet của Musk về việc tạm dừng thỏa thuận khiến cố vấn cả 2 phía bất ngờ. Nhiều người cho rằng đó chỉ là phát ngôn bông đùa của vị tỷ phú, quyết định bỏ qua để tiếp tục công việc.
Nguồn tin thân cận của Bloomberg cho biết hội đồng quản trị Twitter không có lý do để thương lượng giá cả. Parag Agrawal, CEO Twitter vẫn điều hành công ty bình thường. Ông phủ nhận tin đồn cho rằng Musk đứng sau "giật dây" quyết định cắt giảm chi phí hoạt động và sa thải 2 lãnh đạo cấp cao vào tuần trước.
Twitter đã tổ chức cuộc họp tại San Francisco (Mỹ) với sự tham gia của Musk, Agrawal và Giám đốc Tài chính Ned Segal. Nguồn tin nội bộ cho biết cuộc họp diễn ra khá tích cực, bất chấp những bình luận trước đó giữa Musk và Agrawal về tình trạng tài khoản spam trên Twitter.
Nếu thỏa thuận hoàn tất, cố vấn của Twitter, Goldman Sachs và JPMorgan sẽ thu về khoản phí 133 triệu USD. Dù vậy, đại diện các ngân hàng đều hiểu rõ tính cách khó đoán của Musk khi mọi thứ được ký trong chớp nhoáng, thường xuyên đăng tweet bất ngờ vào nửa đêm.
Gánh nặng khổng lồ cho Twitter
Khi tuyên bố mua lại Twitter vào cuối tháng 4 với giá 44 tỷ USD, Elon Musk đã đàm phán để các ngân hàng cho vay 13 tỷ USD. Trong trường hợp thỏa thuận hoàn tất, Bloomberg nhận định khoản vay sẽ trở thành gánh nặng lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của Twitter bởi mức lãi có thể lên đến 1 tỷ USD/năm, tăng mạnh so với 53,5 triệu USD trong năm 2021.
Với khoản vay theo hình thức đòn bẩy (leveraged loan) và trái phiếu có lợi suất cao, hãng nghiên cứu tín dụng CreditSights ước tính lãi vay hàng năm của Twitter sẽ tăng đáng kể, đạt khoảng 900 triệu USD. Trong khi đó, số liệu theo tính toán của Bloomberg Intelligence là 750 triệu đến 1 tỷ USD.
"Đây là cơ cấu vốn khá tồi để áp dụng cho Twitter, một doanh nghiệp chưa bao giờ chứng minh khả năng sinh lời cao. Họ đã trở thành công ty đại chúng trong một thời gian, và chưa bao giờ tìm ra cách kiếm tiền hiệu quả từ người dùng", John McClain, Giám đốc Danh mục đầu tư tại Brandywine Global Investment Management nhận định.
"Đòn bẩy cao và dòng tiền tự do âm là những yếu tố rủi ro cho thỏa thuận... Twitter thực sự cần phát triển cơ cấu vốn, tăng doanh thu để trang trải chi phí đầu tư và trả lãi", Jordan Chalfin, nhà phân tích tại CreditSights cho biết.
Vay ngân hàng chỉ là một trong 3 yếu tố hỗ trợ tài chính cho Musk. Vị tỷ phú đã đàm phán với 19 nhà đầu tư để tăng vốn sở hữu lên 27,25 tỷ USD, bên cạnh khoản vay ký quỹ 6,25 tỷ USD dựa trên cổ phần của ông tại hãng xe điện Tesla. Musk cũng thuyết phục một số tổ chức đầu tư như Apollo Global Management và Sixth Street để giảm lượng tiền túi bỏ vào thỏa thuận.
Với lãi vay cao, Twitter sẽ "đốt" rất nhiều tiền để trả nợ, tạo áp lực cho Elon Musk khi phải tìm nguồn doanh thu mới và cắt giảm chi phí hoạt động. Con số trên chỉ chính xác nếu doanh thu của Twitter trong năm 2022 đạt kỳ vọng từ các nhà phân tích Phố Wall. Mọi thứ có thể tệ hơn nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Doanh thu của Twitter phần lớn đến từ quảng cáo. Theo nhà phân tích Robert Schiffman của Bloomberg Intelligence, nền kinh tế suy giảm sẽ khiến các doanh nghiệp thu hẹp chi phí quảng cáo trên mạng xã hội. Điều đó khiến áp lực trả nợ của Twitter thêm nặng nề. Giải pháp bán nợ cũng không hiệu quả do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa tăng lãi suất, khiến chi phí vay tăng cao.
Nhà phân tích ước tính lợi nhuận trước thuế của Twitter trong năm 2022 có thể đạt 1,67 tỷ USD, trong khi chi phí vốn được công ty dự báo là 925 triệu USD. Trừ đi khoản tiền trên và tính thêm lãi vay mà Musk tạo ra, Twitter sẽ "đốt" tiền rất nhanh.
Tính toán của Schiffman cho thấy Twitter đang sở hữu khoảng 6,3 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn, có thể giúp công ty "đốt" tiền trong vài năm. Theo Chalfin, nếu thương vụ hoàn tất và Musk giúp Twitter tăng doanh thu, khoản nợ sẽ dễ chi trả hơn, dòng tiền có thể cân đối vào năm 2023, thậm chí sinh lời từ năm 2024. Trong tình huống ngược lại, khoản nợ sẽ là gánh nặng khổng lồ cho Twitter.
Elon Musk nêu điều kiện tiếp tục mua lại Twitter
Sau khi tuyên bố tạm dừng thỏa thuận, CEO Tesla cho biết sẽ tiếp tục mua lại Twitter nếu công ty chứng minh tỷ lệ tài khoản giả mạo dưới 5%.
Elon Musk đang muốn 'mặc cả' với Twitter
CEO Tesla cho biết ông đang cân nhắc thỏa thuận với Twitter, do các số liệu về tài khoản spam và bot tự động trên mạng xã hội này.
Đại diện pháp lý Twitter tố Elon Musk vi phạm điều khoản
Căng thẳng giữa Elon Musk và Twitter tiếp tục tăng cao khi mạng xã hội tố tỷ phú công nghệ phá vỡ điều khoản của họ.