Elon Musk vốn nổi tiếng với những phát ngôn gây tranh cãi trên Twitter. Lần này, ông lại làm người dùng mạng xã hội dậy sóng vì nhắc đến cái chết của bản thân.
“Nếu một ngày nào đó tôi chết một cách bất thường thì rất vui vì đã biết mọi người”, vị tỷ phú giàu nhất hành tinh viết trên Twitter.
Bình luận ngay dưới bài đăng của con trai mình, bà Maye Musk viết “điều này không vui đâu con à”. Musk sau đó đã xin lỗi bà và khẳng định ông sẽ cố gắng để sống sót.
Vị tỷ phú đã không ít lần gây tranh cãi với những phát ngôn của mình. Ảnh: Getty Images. |
Ngay sau dòng chia sẻ trạng thái của Musk, những người theo dõi ông trên mạng xã hội đã nhanh chóng lan truyền những giả thuyết liên quan đến nguyên nhân của dòng trạng thái này. Có người cho rằng lo sợ của Elon Musk đến từ cái chết đột ngột của John McAfee, người tạo ra phần mềm diệt virus McAfee, trong tù hồi năm 2021.
Theo AP, sau khi điều tra nguyên nhân cái chết, chính quyền đưa ra kết luận đây có thể là một vụ tự tử. Tuy nhiên, do không đồng ý với kết luận này, vợ của ông, bà Janice McAfee đã yêu cầu cơ quan chức năng điều tra lại và muốn có một câu trả lời rõ ràng về vụ việc xảy ra, bởi trước đó ông không hề tỏ ra có bất cứ ý định tự tử nào.
Bên cạnh đó, tỷ phú Elon Musk cũng gây tranh cãi tại Nhật Bản khi cho rằng quốc gia này sẽ lụi tàn vì tỷ lệ sinh con quá thấp.
“Mọi người hẳn đều biết Nhật Bản sẽ sớm đi đến bờ diệt vong nếu tình trạng tỷ lệ sinh vượt quá tỷ lệ tử vong như hiện nay vẫn cứ tiếp diễn. Điều này sẽ là một mất mát lớn cho toàn nhân loại”, ông bình luận dưới một bài viết về dân số Nhật Bản trên Twitter.
Phát ngôn của ông đánh trúng một chủ đề nhạy cảm với người dân xứ sở hoa anh đào, khi dân số ở đây đã đạt đỉnh vào năm 2008 và giảm liên tục trong suốt 14 năm qua bất chấp những cảnh báo và nỗ lực đến từ phía chính phủ.
Dù vậy, Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới và là thủ phủ của hàng loạt hãng xe hơi, nhà phát triển game đình đám trên thế giới. Đất nước này còn là mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn trên thế giới.
“Bài đăng này có ích gì cơ chứ?”, Tobias Harris, thành viên cấp cao của Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ (Center for American Progress), tỏ ra bất bình. Theo ông, những lo ngại liên quan đến tương lai Nhật Bản không nằm ở việc liệu quốc gia này có biết mất hay không mà nên tập trung vào những xáo trộn xã hội trước tình trạng dân số liên tục giảm.
Tuy nhiên, nhiều người dùng Nhật Bản cho biết họ đã không còn bất ngờ và đề cập trách nhiệm của Chính phủ Nhật vì không cải thiện tình trạng này.