Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thưởng tiền tỷ cho người tố cáo tham nhũng

Bên cạnh thưởng lớn, người tố cáo tham nhũng được bảo vệ tối đa với việc áp dụng các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Người tố cáo tham nhũng có thể sẽ được thưởng lên đến con số hàng tỷ đồng nhờ thụ hưởng số tiền thu hồi được từ các vụ tham nhũng do mình tố cáo, đây là điểm đáng lưu ý được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức tại Hội An sáng 4/4. Dự kiến dự thảo này sẽ được trình và thông qua vào quý II/2014.

Trích đến 20% tiền thu hồi để thưởng

Theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (TTCP), việc khen thưởng cho người tố cáo tham nhũng là hết sức cần thiết trong công tác PCTN hiện nay. Ông Hùng cho hay ngoài việc khen thưởng theo định kỳ hằng năm, dự thảo này còn quy định hình thức khen thưởng đột xuất cho các đối tượng tố cáo tham nhũng mà số tiền thu hồi được nhiều.

Theo dự thảo thì có ba hình thức khen thưởng gồm: Bằng khen của tổng TTCP; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và huân chương Dũng cảm. “Khi cần thiết thì có thể khen thưởng bí mật ngoài việc khen thưởng công khai để vinh danh. Thủ tục khen thưởng sẽ được rút gọn đơn giản” - ông Hùng thông tin thêm.

Mức thưởng đối với người nhận bằng khen của tổng TTCP là 30 lần lương tối thiểu; người nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là 60 lần lương tối thiểu và người nhận huân chương Dũng cảm là 90 lần lương tối thiểu. Đặc biệt, người nhận huân chương Dũng cảm trong tố cáo tham nhũng còn được trích thưởng thêm 20% phần trăm số tiền thu hồi được (trong vụ việc mình tố cáo), tức số tiền có thể lên hàng tỷ đồng nhưng không vượt quá 10 tỷ đồng.

Ông Ngô Mạnh Hùng cho rằng việc tăng số tiền thưởng sẽ tạo được cú hích trong công tác PCTN sắp tới. Vì thời gian qua, số tiền thưởng cho người tố cáo tham nhũng là quá thấp, không tương xứng với công lao của họ bỏ ra. “Như ở Hà Nội vừa rồi các cá nhân tố cáo vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở BV Hoài Đức, họ chỉ nhận thưởng được khoảng 350.000 đồng. Đây là số tiền quá ít ỏi, chưa hợp lý lắm. Những người này đáng lẽ có thể được tặng bằng khen PCTN với số tiền lớn hơn” - ông Hùng nói.

Quang cảnh hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về PCTN do TTCP tổ chức tại Hội An sáng 4/4.
Quang cảnh hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về PCTN do TTCP tổ chức tại Hội An sáng 4/4.

Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (TTCP), nói: “Vừa rồi báo chí cũng có nêu về việc mức thưởng đối với người tố cáo tham nhũng quá thấp chưa tạo nên được động lực cho họ phát hiện, tố cáo. Với việc nâng cao mức thưởng lần này, hy vọng có thêm được nguồn tố cáo tham nhũng trong xã hội. Cái này cũng có thể xem là một mặt của việc chúng ta mua thông tin tố cáo tham nhũng”.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (TTCP), ở các nước các cơ quan PCTN sẽ công khai luôn cả số tiền và mua các thông tin về tham nhũng từ người dân, viên chức. “Hiện nay việc phát hiện tham nhũng còn nhiều khó khăn, những người tham gia tích cực trong PCTN chưa được nhiều nên hy vọng rằng khi quỹ này ra đời sẽ đẩy mạnh việc khuyến khích mọi người tham gia, phát hiện và tố cáo tham nhũng” - ông Hiệp nói.

Bảo vệ tối đa người tố cáo tham nhũng

Bên cạnh việc nâng mức thưởng đối với người tố cáo tham nhũng, các đại biểu tại hội thảo cũng rất quan tâm tới việc bảo vệ những người tố cáo. Theo nhiều đại biểu, việc công khai có khi sẽ ảnh hưởng đến cả sự nghiệp, tính mạng của người tố cáo vì có thể họ sẽ bị trả thù, trù dập. “Quy trình khen thưởng thì không phải một người biết mà có cả một hội đồng xét duyệt biết. Vì thế việc bảo mật thông tin sẽ gặp khó khăn và người tố cáo sẽ bị lộ” - một đại biểu đưa ý kiến.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho hay việc khen thưởng công khai hay bí mật sẽ do người tố cáo quyết định. “Thực ra đa số người tố cáo sẽ không công khai vì tâm lý lo ngại bị trù dập. Có rất ít người sẵn sàng công khai việc nhận thưởng tố cáo tham nhũng. Ngay như ở Hàn Quốc người ta có thể thay đổi danh tính người được khen thưởng để bảo vệ người tố cáo” - ông Hiệp nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, cũng thông tin hiện tại các quy định về việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng đã khá hoàn thiện. “Và trong trường hợp cần thiết thì sẽ dùng cả quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước để bảo vệ cho những người tố cáo tham nhũng được khen thưởng” - ông Anh nói và nhấn mạnh: “Nguyên tắc chủ đạo là chúng ta có trách nhiệm giữ bí mật thông tin cho người tố cáo, trừ trường hợp người ta muốn công khai. Đây cũng là biện pháp bắt buộc”.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng cho rằng cần dùng các biện pháp bảo vệ tối đa người tố cáo tham nhũng: “Đối tượng tham nhũng ngày càng hung tợn, có thế lực. Và với những “con hổ” như thế nếu không đưa ra được quy định, không đảm bảo nguyên tắc bảo vệ tối đa cho người tố cáo thì rất khó để người ta tố cáo”.

Theo ông Ngô Mạnh Hùng, hồ sơ khen thưởng người tố cáo tham nhũng sẽ quy định là tài liệu mật. “Vì hiện tại gần như 100% các vụ tố cáo của chúng ta đều lộ người tố cáo. Tố cáo ngày hôm nay thì ngày hôm sau người ta đã biết rồi” - ông Hùng cho hay.

http://plo.vn/thoi-su/thuong-tien-ti-cho-nguoi-to-cao-tham-nhung-458891.html

Theo Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm