Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công khai, sớm kết luận 'nghi án 16 tỷ đồng'

“16 tỷ đồng chứ đâu phải 16 đồng. Vì vậy các cơ quan chức năng phải điều tra việc có 16 tỷ đồng hối lộ hay không? Vào bằng đường nào? Ai đưa và ai nhận?”.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng cho biết khi trao đổi với PV.

Điều tra để kết luận sớm

- Báo chí đề cập nhiều tới thông tin Tập đoàn Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) khai báo với Văn phòng Công tố Tokyo rằng họ đã đưa hối lộ cho cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam 16 tỷ đồng để có được hợp đồng tư vấn thiết kế dự án sử dụng vốn ODA của Nhật tại Hà Nội. Ông nhận định thế nào về vụ việc này?

-  Khi biết đến vụ việc này thông qua báo chí, tôi thấy rất xót xa và đang chờ đợi kết luận của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, so với vụ Đại lộ Đông Tây - PCI năm 2008, tôi thấy có điềm mừng là mọi khuất tất, mọi sai trái trong xã hội đều được các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu phải làm rõ. Có thể nói, dư luận xã hội đang có sức mạnh mới. Điềm mừng thứ hai là các cơ quan chức năng đã vào cuộc khẩn trương, kịp thời.

- Phía Nhật Bản đưa ra thông tin “lót tay”16 tỷ đồng cho cán bộ ngành đường sắt, điều này cho thấy còn lỗ hổng rất lớn về việc kiểm soát thu nhập, tài sản của công chức, quan chức?

- 16 tỷ đồng chứ có phải là 16 đồng! Vì vậy các cơ quan chức năng phải sớm thẩm tra, điều tra, xác minh làm rõ và kết luận các việc: Có 16 tỷ đồng tiêu cực vào Việt Nam hay không? Vào bằng đường nào? Ai đưa và ai nhận?

Ông Vũ Quốc Hùng.
Ông Vũ Quốc Hùng.

Chúng ta cũng không chỉ nhìn vụ việc như vụ đưa và nhận hối lộ đơn thuần và không nên xử lý vụ việc này xong mà bỏ đó là xử lý theo kiểu xôi đỗ, “bắt cóc bỏ đĩa”. Bởi từ lâu trong dư luận đã nói tới “hoa hồng”, tới “lại quả”, “bôi trơn”… Thực ra đó chỉ là những mỹ từ, mà theo tôi phải gọi thẳng là ăn cắp.

Vì vậy phải thảo luận, bàn bạc, rà soát lại toàn bộ quy định pháp luật liên quan tới đấu thầu, sử dụng nguồn vốn để xử nghiêm những kẻ cắp và không để xảy ra những vụ việc như trên.

- Ông đánh giá như thế nào khi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quyết định đình chỉ, tạm dừng công tác hàng loạt cán bộ có liên quan tới vụ việc, thậm chí cả thứ trưởng về hưu để giải trình?

- Sau khi có thông tin từ phía Nhật Bản, chúng ta đã biết các cơ quan chức năng vào cuộc ngay, từ Bộ GTVT tới Chính phủ đều có quyết định, chỉ thị nhằm làm rõ vụ việc.

Dù vậy, việc làm này không mới. Bởi vì trước đây khi tôi còn đang làm việc, có nhiều cán bộ cao cấp dù đã nghỉ hưu nhưng khi có việc, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều yêu cầu phải giải trình, thậm chí phải xử lý (tôi không tiện nêu tên vì chuyện cũ đã qua). Chỉ khác là lần này, khi chưa có yêu cầu của cấp trên, đích thân cơ quan chủ quản - Bộ GTVT đứng ra yêu cầu cán bộ của mình giải trình. Như vậy có thể nói thái độ của Bộ GTVT chủ động hơn, mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, dù vào cuộc kịp thời nhưng chúng ta cần rất bình tĩnh để xử lý vụ việc. Các cơ quan chức năng phải xây dựng lộ trình giải quyết và có kết luận cuối cùng, công khai cho người dân, để người dân thấy sự công minh của pháp luật khi xử lý đúng người, đúng tội. Đồng thời những ai không sai phạm cũng phải kết luận để bảo vệ họ.

Trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu?

- Phải chăng vẫn còn quá nhiều kẽ hở trong việc giám sát sử dụng các nguồn vốn ngân sách, ODA?

- Trước các vụ việc tiêu cực được công luận phanh phui, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân việc kiểm tra, thanh tra, giám sát còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Việc kiểm tra, thanh tra giám sát chính là làm cho nội bộ mạnh lên, như thế mới giúp cán bộ không phải vướng vào vòng lao lý, có khi phải trả giá bằng chính tính mạng.

Hiện nay cơ quan nào cũng có bộ phận thanh, kiểm tra, nhưng chúng ta vẫn còn tâm lý “dễ người dễ ta”, “đấu tranh, tránh đâu”, sợ liên lụy, nể nang né tranh. Vì vậy, khi sự việc tiêu cực ở đâu xảy ra, người chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát cũng phải có trách nhiệm. Do vậy, chúng ta phải nêu rõ, quy rõ trách nhiệm, có chế tài xử lý nghiêm những người được giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát mà để sơ hở, để xảy ra sai phạm.

- Theo ông, cần phải nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sự việc?

- Tại Việt Nam việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cũng không phải việc mới. Trong thực tế, chúng ta đã nhiều lần xử lý trách nhiệm người đứng đầu như trong các vụ án Năm Cam, Thủy Cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh… Ngay tại Tổng cục Đường sắt, người đứng đầu Tổng cục này trước đây đã phải từ chức vì những bê bối của ngành mình.

Theo tôi khi có vụ việc tiêu cực xảy ra tại bất kỳ đâu, có ba đối tượng phải chịu trách nhiệm đó là những người sai phạm, người có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và người đứng đầu.

Trong “tác phẩm Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”.

Vì vậy, cần khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo ỷ lại cho cơ quan kiểm tra chuyên trách mà không coi công tác kiểm tra là công việc của bản thân mình. Điều này dẫn tới việc nhiều trường hợp do quần chúng phản ánh, cung cấp nguồn tin, cấp có thẩm quyền tiến hành kiểm tra nhưng lại kiểm tra không đến nơi đến chốn, thậm chí có trường hợp bao che cho sai phạm. Từ sai phạm nhỏ lớn dần thành sai phạm lớn, dẫn đến làm hỏng cán bộ.

- Đây không phải là câu chuyện nội bộ, không chỉ là trách nhiệm pháp lý của một số cá nhân cụ thể mà đây còn là câu chuyện thanh danh quốc gia. Vậy chúng ta nên làm gì trước những sự việc như thế này?

- Theo tôi trước tiên không được bao che, bưng bít mà phải nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng và rõ sự thật. Dù đau đớn nhưng không bệnh thành tích, vì sĩ diện, vì cả nể hay vì ai đó “há miệng mắc quai” mà bưng bít, do đó phải công khai, phải làm rõ để sớm kết luận.

Nhưng công khai phải thận trọng để không nhầm lẫn, suy diễn mà tổn thương tới danh dự của người khác. Bên cạnh tiến công tội phạm, mổ xẻ tiêu cực, chúng ta cũng cần cẩn trọng với việc lợi dụng chuyện này để bôi nhọ, hạ uy tín của người khác. Đó là xu hướng dân chủ, công khai, tiến bộ, trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Đối với quan hệ Việt - Nhật, tôi thấy chúng ta không chỉ hợp tác trong kinh tế mà còn đang giúp đỡ nhau điều tra những nghi án hối lộ, tham nhũng, đó là những điềm mừng. Tới đây, chúng ta cũng phải xem lại các quy trình trong việc hợp tác để không còn tình trạng “bôi trơn”, “lót tay” diễn ra.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/cong-khai-som-ket-luan-nghi-an-16-ty-dong-691109.tpo

Theo Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm