Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thưởng Tết cho người lao động có thể không phải tiền mặt

Thưởng Tết của người lao động có thể bằng tiền, tài sản hoặc hình thức khác, tùy theo quyết định của doanh nghiệp và người sử dụng lao động.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 chuẩn bị đi vào cuộc sống từ ngày 1/1/2021. So với Bộ luật hiện hành, Bộ luật năm 2019 có thêm nhiều quy định về chế độ nghỉ phép, nghỉ hưu, đóng bảo hiểm xã hội cùng nhiều nội dung liên quan đến nghỉ lễ, Tết, thưởng Tết và hưởng lương hưu.

Trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2021 kéo dài 3 ngày, người lao động đặt câu hỏi về chế độ hưởng lương, thưởng trong dịp lễ, Tết được quy định trong Bộ luật mới.

Theo quy định trong điều 103 của Bộ luật Lao động sửa đổi, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, thưởng Tết của người lao động có thể không phải là tiền mặt. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động duy trì việc thưởng hiện vật như bánh, kẹo, mứt, vé tàu, vé xe hoặc chính sản phẩm của công ty làm quà Tết cho người lao động trong dịp lễ, Tết.

Đáng lưu ý, Bộ luật Lao động 2019 cũng không quy định cứng doanh nghiệp, người sử dụng lao động bắt buộc phải có thưởng Tết cho người lao động.

thuong tet 2021 theo Bo luat lao dong sua doi anh 1

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định doanh nghiệp có thể thưởng Tết cho người lao động bằng tiền hoặc hiện vật. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Ngoài ra, quy định về tiền lương của người lao động làm việc trong các ngày nghỉ lễ, Tết được giữ nguyên so với Bộ luật lao động hiện hành.

Cụ thể, nếu đi làm trong những ngày nghỉ lễ, người lao động sẽ nhận thêm 300% lương cơ bản. Như vậy, người lao động hưởng tổng cộng 400% lương/ngày nếu đi làm vào những ngày được quy định là lễ, Tết.

Bộ luật cũng giữ quy định người lao động được hưởng 100% tiền lương trong các ngày nghỉ lễ dù không đi làm.

Trước đó, vào dịp đầu năm 2020, Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết khoảng 86% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết dương lịch với mức thưởng bình quân là 930.000 đồng/người.

Mức thưởng cao nhất cho cá nhân dịp Tết dương lịch 2020 là 3,5 tỷ đồng, thuộc về doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực ngân hàng tại TP.HCM.

Trong khi đó, khoảng 89,3% doanh nghiệp có báo cáo dự kiến về thưởng Tết Nguyên đán năm 2020 với mức bình quân là 1 tháng lương (khoảng 6,7 triệu đồng/người).

Mức thưởng cao nhất cho cá nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý là 950 triệu đồng/người, thuộc về một doanh nghiệp dân doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa sinh học tại tỉnh Hải Dương.

Theo Cục Quan hệ lao động và tiền lương, những doanh nghiệp có tiền thưởng Tết cao thường tập trung vào ngành nghề có nhiều lợi thế như ngân hàng, kiểm toán, điện tử... Doanh nghiệp thưởng khoảng 100.000 đồng/người thường thuộc nhóm ngành gia công, chế biến.

Bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết gắn với phòng, chống Covid-19

“Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu kiểm soát, dẫn đến lây lan Covid-19 trên phương tiện giao thông hoặc địa bàn quản lý", Phó thủ tướng chỉ đạo.

Lương giảng viên thay đổi ra sao từ giữa tháng 12?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 40/2020 quy định mức lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập từ ngày 12/12.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm