“Thưởng Tết, khó mấy cũng phải có”
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch công ty xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình đã nói với BizLIVE như vậy khi được hỏi về kế hoạch thưởng cho người lao động trong dịp Tết Âm lịch năm 2015.
Ông Hải cho rằng, thưởng Tết vừa để động viên, khuyến khích tinh thần lao động của anh em, vừa là khoản để trang trải trong dịp Tết nên dù ít nhiều năm nào cũng phải có.
Ông Hải cho hay, nếu tính kể cả cộng tác viên và chính thức thì số lượng nhân viên công ty vào khoảng hơn 3.000 người. Lực lượng lao động thời vụ công ty lên tới hàng chục nghìn người. Số lượng nhân viên đông do vậy quỹ chi cho thưởng Tết cũng khá lớn.
Ông Lê Viết Hải. |
“Giờ vẫn chưa có con số cụ thể. Năm nay dù làm ăn không được như năm ngoái nhưng chúng tôi sẽ cố duy trì mức thưởng như năm ngoái, đó là trung bình khoảng 1 tháng lương”, ông Hải cho biết.
Không riêng ông Hải, nhiều chủ doanh nghiệp khác cũng cho rằng, thưởng Tết và nhiều các chính sách đãi ngộ tương xứng khác chính là yếu tố quan trọng để giữ chân được người lao động, trong bối cảnh “thất thoát” nguồn lực diễn ra rất phổ biến như hiện nay.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc công ty Saigon Food cho rằng: Bất kỳ người lao động nào cũng cần lo cho gia đình, về thăm gia đình trong dịp cuối năm, nên tiền thưởng Tết hết sức quan trọng với họ.
“Tiền thưởng Tết còn là cách ghi nhận thành quả lao động của nhân viên, khuyến khích sự gắn bó hơn nữa của họ với công ty. Do vậy, từ khi thành lập công ty đến nay, cho dù có những năm cực kỳ khó khăn chúng tôi vẫn phải ưu tiên lo tiền thưởng Tết cho người lao động”, bà Lâm chia sẻ.
Bà Lê Thị Thanh Lâm. |
Nói về kế hoạch thưởng Tết năm 2015, bà Lâm cho biết: "Công ty dành tổng quỹ thưởng là 14,5 tỷ đồng cho 1.230 nhân viên (bình quân vào 12 triệu đồng/người, cao hơn mức 10,6 triệu đồng năm ngoái); nhân sự giỏi sẽ được xét để thưởng thêm 1-2 tháng lương ngoài khoản thưởng chung; bình quân lãnh đạo thì ở mức 70-80 triệu đồng/người.
“Ngoài ra còn chế độ thưởng thâm niên: mỗi tháng làm việc tại công ty được thưởng từ 10.000-30.000đồng/người. Công ty còn tổ chức chu đáo việc đưa đón công nhân về quê ăn Tết. Công nhân ở lại cũng được tổ chức vui xuân”, bà Lâm nói.
Bà Lâm chia sẻ thêm, về thị trường thủy sản, mặc dù sức mua năm 2014 giảm mạnh nhưng doanh thu của công ty vẫn tăng 15%, là do chúng tôi không ngừng triển khai kênh phân phối và sản phẩm mới.
Làm ăn “khấm khá” hơn năm trước, ông Nguyễn Công Bình, Phó tổng giám đốc công ty Phát triển khu công nghiệp Long Bình cho hay, thưởng Tết năm nay trung bình là 2 tháng lương, nhân sự giỏi khoảng 5 tháng, mức lương trung bình nhân viên hiện vào khoảng 10 triệu đồng/tháng.
“Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Long Bình (Đồng Nai) nhìn chung làm ăn đều tốt hơn năm ngoái. Họ mở rộng xưởng, nhà máy, quy mô nhân viên, điện nước tiêu dùng... tăng mạnh. Các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản đẩy mạnh hơn đầu tư sang Việt Nam... Đấy là những yếu tố tích cực đẩy mạnh sự phát triển của công ty năm nay”, ông Bình chia sẻ.
Hà Nội có 50 doanh nghiệp báo cáo về thưởng Tết
Trong khi nhiều doanh nghiệp đã công bố mức thưởng Tết, vẫn còn nhiều doanh nghiệp giữ “bí mật” mức thưởng. Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi vẫn cho biết, chưa có kế hoạch chính thức, hoặc con số thưởng Tết sẽ không công khai với báo chí.
Một chủ doanh nghiệp tại Hà Nội chia sẻ, mức thưởng Tết Âm lịch phải đợi tới giữa tháng 1/2015, khi hạch toán doanh số mới biết được. Khi được hỏi về con số dự kiến, ông từ chối tiết lộ vì lý do “tế nhị”: Nếu không thưởng được như thế thì nhân viên sẽ hụt hẫng, và cũng có khả năng con số sẽ cao hơn như thế.
Trong khi đó, trưởng phòng truyền thông một hãng bán lẻ lớn tại Hà Nội thì cho hay: “Từ trước đến nay, công ty chúng tôi công bố con số thưởng Tết rộng rãi ra ngoài”.
Ảnh minh họa. |
Theo nguồn tin của BizLIVE từ Sở Lao động và thương binh xã hội Hà Nội, tính đến ngày 7/1/2015 cũng mới chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp báo cáo về tình hình thưởng Tết. Do số lượng doanh nghiệp báo cáo còn thưa thớt nên sở vẫn chưa có số liệu chính thức để báo cáo về Bộ.
Trước đó, nhiều sở lao động, thương binh và xã hội và Ban quản lý các khu công nghiệp nhiều tỉnh đã bắt đầu công bố báo cáo thưởng Tết, như ở Đã Nẵng, Bình Định, khu công nghiệp phía Nam.
Cụ thể, mức thưởng tết bình quân cho người lao động tại các khu chế xuất và khu công nghiệp các tỉnh, thành phía Nam hiện tại được công bố dao động từ 2,8 triệu đồng đến gần 200 triệu đồng/người.
Trong khi đó, Sở Lao động, thương binh và xã hội Bình Định cho biết, đã có 122 doạnh nghiệp báo cáo về tiền thưởng, trong đó mức thưởng cao nhất là 54 triệu đồng/người (doanh nghiệp có vốn cổ phần của nhà nước), thấp nhất là 200.000 đồng/người.
Tại Đà Nẵng, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất ở Đà Nẵng năm nay vượt trội hơn so với năm 2013. Dù mới có gần 400 doanh nghiệp báo cáo mức thưởng, nhưng con số cao nhất hiện nay đã là 300 triệu đồng/người, so với mức cao nhất của năm 2013 là 172 triệu đồng/người.
Từ đầu tháng 12/2014, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã gửi văn bản đến các tỉnh thành yêu cầu đốc thúc việc triển khai quy định cùng với việc xây dựng kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.
Các địa phương cũng phải báo cáo tình hình tiền lương và thu nhập năm 2014, cũng như xây dựng kế hoạch hỗ trợ, phương án thưởng cho người lao động nhân dịp tết Dương lịch năm 2015 và Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.