Đầu năm 2018, hai họa sĩ Thành Phong và Hữu Khoa cho ra mắt tập sách tranh Thương nhớ thời bao cấp. Tác phẩm đã dành được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, đặc biệt là độc giả lớn tuổi, những người đã sống trong những năm tháng bao cấp vô cùng khó khăn, thiếu thốn ấy.
Vừa qua, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phối hợp cùng với Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace đã tổ chức buổi tọa đàm “Thương nhớ thời bao cấp” để những người yêu quý tác phẩm có thể ngồi lại cùng nhau hàn huyên với nhau những câu chuyện cũ.
Các diễn giả trong buổi tọa đàm Thương nhớ thời bao cấp. Từ trái qua: họa sĩ Thành Phong, GS Nguyễn Minh Thuyết, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. |
Buổi tọa đàm có sự tham gia của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên giảng viên cao cấp của Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và họa sĩ Thành Phong.
Thời bao cấp và câu chuyện của một người mẹ
Là những người đã trải qua thời bao cấp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và GS Nguyễn Minh Thuyết đã chia sẻ những câu chuyện đời rất giản dị của mình về những năm tháng không thể nào quên ấy. Đó không chỉ là chuyện của riêng họ, mà là nỗi cơ cực chung của cả một thế hệ.
Bà Phạm Chi Lan kể vào những năm tháng ấy, bà đang nuôi con nhỏ, do thiếu sữa, nên chỉ có thể trông chờ vào nguồn sữa mậu dịch theo tiêu chuẩn của tem phiếu. Sữa mậu dịch khi ấy đa phần đã hết hạn, vàng và đặc quánh lại nhưng đành phải đun lên cho con uống.
Vào thời đó, từ gạo, đường, sữa, thịt… cùng nhiều nhu yếu phẩm khác đều phải phụ thuộc vào nguồn cung của nhà nước. Ở thủ đô Hà Nội, người dân phải xếp hàng, nhưng ít ra vẫn có hàng hóa để mua.
Còn ở các địa phương khác, nhiều người tuy có tem phiếu, nhưng vẫn không có thịt để ăn vì hàng hóa khan hiếm, thường xuyên hết hàng.
Tác phẩm Thương nhớ thời bao cấp. Ảnh: Nhã Nam. |
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ một kỉ niệm. Thời đó, ông có đi công tác tại Thái Nguyên, khi cầm tem phiếu đi lĩnh thịt lợn thì lại nhận được cám gạo. Khi thắc mắc thì được các cô mậu dịch viên giải thích rằng: “Hết thịt để bán nên phát cám về để các anh nuôi lợn”. Có người không nuôi được lợn nên cả năm không cắt được một ô tem phiếu nào.
Từng đoàn người xếp hàng dài ở cửa hàng mậu dịch là cảnh tượng thường thấy trong thời bao cấp. Vì vậy, từ “đặt gạch” mới ra đời. Một người, có khi phải cùng lúc xếp hàng ở hai, ba nơi để mua nhiều thứ, nên đành đặt cục gạch để giữ chỗ ở cửa hàng này, sau đó chạy đến cửa hàng khác để mua hàng tiếp.
Bà Phạm Chi Lan mô tả: “Thời đó, xếp hàng và đặt gạch là chuyện thường tình và người ta cũng thường xuyên giúp đỡ nhau trong những tình huống ấy. Trước khi đặt viên gạch xuống, phải dặn những người xung quanh đây là viên gạch của tôi, để họ nhớ mặt và không bị người khác tranh mất chỗ. Những người đang xếp hàng sẽ tự động để viên gạch lên theo đúng thứ tự”.
Những bức tranh sinh động mang đậm tính trào phúng trong Thương nhớ thời bao cấp. Ảnh: Nhã Nam. |
Nhân chia sẻ này, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết một trong những điểm ông tâm đắc ở cuốn Thương nhớ thời bao cấp là ngoài hình vẽ sinh động và việc sưu tầm được rất nhiều câu nói văn vần hay dùng lúc đó, các tác giả đã có những dòng chú thích về ý nghĩa và hoàn cảnh của những câu nói trong sách.
Điều này, tạo sự thuận lợi cho các độc giả trẻ khi đọc sách và dùng nó như công cụ để tìm hiểu về một thời đã qua.
Thời bao cấp và câu chuyện “cái khó ló cái khôn”
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan thừa nhận nền kinh tế bao cấp đã kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân. Nhưng những người dân khi đó vẫn tìm ra cách để buôn bán và kinh doanh.
Những tiểu thương khi đó được gọi bằng một từ không mấy tôn trọng là “con phe”. Nhưng nhiều người dân đã phải nhờ đến họ để cuộc sống bớt phần thiếu thốn.
Bà Phạm Chi Lan nhớ lại lúc đó, theo tiêu chuẩn, con trai bà mỗi tháng được 1 lạng thịt. Để cải thiện bữa ăn cho con, bà phải mua thịt ở bên ngoài của một người phụ nữ là bà Loan.
Nhờ những người như bà Loan mà bữa ăn của nhiều gia đình khi ấy được tươm tất hơn. Còn ở nông thôn, chính những “mảnh ruộng 5%” không thuộc quyền quản lý của hợp tác xã đã làm cho cuộc sống của nông dân bớt cơ cực.
Đám đông chen chúc ở cửa hàng mậu dịch là hình ảnh thường thấy ở thời bao cấp. |
Sự khó khăn, thiếu thốn của thời bao cấp cũng chính là động lực để chúng ta thay đổi một cách toàn diện và hiệu quả. Việc xóa bỏ bao cấp và thay đổi cơ cấu nền kinh tế đã mang lại cho đất nước chúng ta một diện mạo mới.
Nhiều độc giả lớn tuổi đến tham dự buổi tọa đàm đã đem đến nhiều chia sẻ và những câu chuyện cá nhân, giúp phác họa rõ nét hơn về thời bao cấp đáng nhớ ấy.
Phần lớn đều cho rằng ngoài những khó khăn, vất vả mà những người đã trải qua thời bao cấp phải chịu đựng thì thời kì này cũng đem đến cho chúng ta nhiều điều đáng trân trọng, phải giữ gìn. Đó là tinh thần nhân văn, đùm bọc nhau trong thời buổi khó khăn.
Bên cạnh tọa đàm “Thương nhớ thời bao cấp”, Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace còn tổ chức triển lãm trưng bày các bức tranh trong cuốn sách Thương nhớ thời bao cấp. Triển lãm này sẽ kéo dài đến hết 31/8.