Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giám đốc Nhã Nam: Cám ơn những người tận tụy với thế giới sách vở

Trong bài diễn văn nhận Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật, ông Nguyễn Nhật Anh nói nghề xuất bản là vật lộn với ngôn từ và tỏ lòng cám ơn những người say mê sách vở.

Tối 16/8, lễ trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật cho ông Nguyễn Nhật Anh diễn ra tại Thư viện Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Ông Nhật Anh nhận huân chương cao quý này từ Bộ Văn hóa Pháp.

Trong vai trò giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, ông được đánh giá là đã “mang lại cho Nhã Nam phong cách và không khí làm việc năng động và hiện đại, ở đó sách Pháp chiếm một vị trí đặc biệt”.

Cam on nhung nguoi tan tuy voi sach vo anh 1
Ông Nhật Anh (trái) và ông Étienne Rolland-Piègue, Tham tán Hợp tác và hoạt động Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, trong lễ trao Huân chương tối 16/8.

Tới nay, Nhã Nam là một đơn vị có vị thế nhất định trong làng xuất bản Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Nhật Anh còn là tác giả sách, một dịch giả chuyển ngữ một số tác phẩm được yêu thích như Hoàng tử bé, Nhóc Nicolas

Sau khi nhận Huân chương cao quý từ Ngài Étienne Rolland-Piègue, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, ông Nhật Anh gửi lời cám ơn tới các cá nhân, tổ chức đã trao tặng Huân chương.

Quá trình vật lộn với chữ nghĩa, sách vở của những người làm sách được ông Nhật Anh nêu trong bài diễn văn. Ông đặc biệt cám ơn giới làm sách: “Danh hiệu cao quý này, tôi chỉ nhận một phần, còn một phần lớn khác, là thuộc về bạn bè và đồng nghiệp của tôi, các biên tập viên, dịch giả, ở cả trong và ngoài Nhã Nam, những người vẫn bền bỉ, cần mẫn làm việc với thế giới sách vở nói chung và say mê, tận tụy với văn chương và nghệ thuật Pháp nói riêng”.

Lòng say mê đó, theo ông Nhật Anh, được nuôi dưỡng từ ngày đầu tiên Nhã Nam xuất bản sách, suốt 14 năm liên tục, đến giờ vẫn chưa suy suyển. Người vừa nhận Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật cho rằng nghề sách là nghề vật lộn với chữ nghĩa.

Ông nói: “Tôi xin bày tỏ ở đây sự quý mến, khâm phục tất cả bạn bè mình, xin cám ơn họ vì tình yêu sách vở lớn lao ấy, bởi chúng ta đều biết, nghề nghiệp của chúng ta là một nghề gian khổ, nhọc nhằn".

"Khắp nơi trên thế giới, trong nghề này, mọi người đều vật lộn với chữ nghĩa. Nhưng ở đây, chúng ta vật lộn với chữ nghĩa vất vả hơn. Biên tập và xuất bản ngôn từ của Jean-Paul Sartre đã khó, nhưng giữ được nhiệt huyết, được lửa lòng cho văn chương sách vở, giữ được tình yêu ngôn từ, giữa cuộc sống khó khăn bề bộn này, còn khó hơn gấp bội”.

Cam on nhung nguoi tan tuy voi sach vo anh 2
Ông Nhật Anh trò chuyện cùng giảng viên văn học Pháp Trần Hinh trong khuôn khổ lễ trao Huân chương.

Theo đuổi việc xuất bản văn học, văn chương Pháp, đơn vị sách của ông Nhật Anh có sự đóng góp của những cộng tác viên, những dịch giả giàu kinh nghiệm, những biên tập viên miệt mài với bản thảo.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng dịch thuật và biên tập, để tác phẩm của các tác giả Pháp luôn có thể tiếp cận được tốt nhất với các thế hệ độc giả Việt", ông khẳng định.

Ông thừa nhận quá trình làm sách ấy không chỉ có vinh quang, mà có cả chất chồng khó khăn, và thi thoảng, một vài sai lỗi vẫn xảy ra.

"Dẫu rằng thi thoảng, một vài sai lỗi, hay lầm lẫn có xảy ra với bản dịch đi nữa, thì mong rằng các dịch giả, các biên tập viên vẫn bền gan vững chí trước sự phê bình của gạch đá. Khi đã cố gắng hết sức mà lỗi vẫn còn xảy ra, thì ta cũng đừng tự dằn vặt mình quá. Nhiều khi sai lỗi của chúng ta chỉ là sai lỗi về trình độ của một nền sản xuất, hay đơn giản là sai sót của con người đang làm việc", ông nhấn mạnh.

Ông Nhật Anh nói cả cá nhân ông và sách Nhã Nam đều cần trưởng thành hơn, già dặn hơn để nhận những công việc xuất bản khó khăn hơn, nhất là với văn chương Pháp. “Marcel Proust không thể chờ chúng tôi mãi, Jean-Paul Sartre hay Michel Foucault cũng vậy", ông nhận định.



Tần Tần

Bạn có thể quan tâm