Chiến tranh cũng giống như một trận cuồng phong, lạnh lùng cuốn phăng tất cả những gì xuất hiện trên đường đi của nó. Tuổi trẻ, hạnh phúc, mơ ước hay hoài bão… bỗng chốc chỉ hóa thành hư vô.
Khi sợ hãi mạnh hơn tất thảy, con người dường như không còn thiết tha điều gì nữa. Những trái tim son trẻ bỗng trở nên già cỗi, tàn lụi khi sống mà không biết ngày mai rồi sẽ ra sao?
Tàn khốc và dữ dội, chiến tranh đôi khi giết chết con người ta từ trong suy nghĩ. Đâu chỉ có máu và thuốc súng, những tâm hồn rệu rã trong tuyệt vọng cũng là một phần trong bức tranh hiện thực về những tháng ngày đen tối của nỗi đau và chết chóc.
Không cần nhập vai một người lính để kể chuyện chiến trường, Dương Nghiễm Mậu đã khắc họa một cách sống động sự khốc liệt của chiến tranh từ một phía khác trong tiểu thuyết Tuổi nước độc.
Khi tuổi trẻ bị chôn vùi trong buổi loạn ly
Nhà văn Dương Nghiễm Mậu đưa độc giả ngược dòng kí ức về với Hà Nội những năm 50 của thế kỉ trước. Tác phẩm xoay quanh cuộc sống của Ngạc, chàng trai ấy đang sống những ngày tháng chán chường và tuyệt vọng.
Bởi chiến tranh đang hút cạn những giọt nhựa sống cuối cùng trong con người anh. Một cuộc đời mà hễ nhắm mắt lại người ta đều nghĩ đến chết chóc và sự thảm bại thì còn gì để mà tha thiết nữa.
Ngạc sinh ra trong một gia đình khá giả. Mẹ anh mất sớm khi đứa con thơ còn chưa kịp lưu giữ trong đầu bất cứ hình ảnh nào về bà. Cha anh hóa điên. Ngạc lớn lên bằng tiền cho vay nặng lãi của người ông keo kiệt. Anh cảm thấy mình không thuộc về cái nơi mà anh vẫn gọi là nhà. Ngạc trở thành khách lạ trong chính gia đình mình.
Tiểu thuyết Tuổi nước độc của Dương Nghiễm Mậu. |
Số phận vốn đã không cho Ngạc một khởi đầu tốt đẹp. Nhưng cuộc sống ngoài kia ít ra vẫn còn vài thứ đáng để anh bấu víu, đó là chuyện học hành và tình yêu với Hiền. Nhưng rồi chiến tranh ập đến, tầng lớp thanh niên lúc ấy chưa kịp xây hoài bão đã trải qua một biến động ghê gớm.
Trong khi bạn bè đã chia năm, sẻ bảy với những dự định và lý tưởng riêng thì một chàng trai mơ mộng như Ngạc vẫn đang quay cuồng trong cơn bão tố. Anh không biết mình muốn gì và nên làm gì, anh như chiếc lá úa, cứ thế để mặc bão tố thổi đi vô định.
Trong lòng chàng thanh niên tuổi đôi mươi, sự tuyệt vọng đã có lúc lên đến cực điểm. Chiến tranh và chết chóc đã biến anh trở thành một con người vô hồn. Sau cơn lửa đạn, sẽ chẳng còn ai sống sót, vậy hà cớ gì phải thiết tha với cuộc đời ngắn ngủi này?
Đó là suy nghĩ thường trực trong đầu Ngạc. Trận chiến ngoài kia không giết anh bằng mũi tên hòn đạn, nó đang đầu độc anh bằng những ám ảnh vô hình.
Chiến tranh không chỉ lấy đi mạng sống của những người lính. Thím của Ngạc, một người phụ nữ hiền lành, chỉ biết ngóng trông chồng đang đi làm ở bến cảng và lo cho năm đứa con.
Trong đầu người đàn bà ấy, nỗi sợ hãi về những trận ốm liên miên của đứa con nhỏ còn lớn hơn những ám ảnh về cuộc chiến ngoài kia. Một lần theo chồng xuống cảng, người đàn bà ấy đã bị trúng bom. Từ một người khỏe mạnh, bỗng chốc trở thành tàn phế: mù hai mắt, cụt hai tay, bị cưa cả chân.
Hình ảnh người thím của Ngạc, người mà anh coi như mẹ nằm đau đớn trên giường bệnh, tự dày vò mình vì giờ đây bản thân là gánh nặng của những người xung quanh, đã trở thành những chi tiết đầy ám ảnh trong tác phẩm. Không ai khác, chính Ngạc đã dùng súng bắn chết người thím, mang đến cho kiếp người tội nghiệp ấy một sự giải thoát.
Người khóc thương cho những tâm hồn khốn khổ
Đọc Tuổi nước độc, không ít người sẽ phải thán phục bút pháp miêu tả tinh tế, độc đáo mà không kém phần sắc sảo của Dương Nhiễm Mậu. Sự sắc sảo trong văn ông thể hiện rõ nhất khi khắc họa nội tâm nhân vật. Hiện lên rõ nét trong tác phẩm là một chàng thanh niên với nhiều suy ngẫm cùng những diễn biến tâm lý phức tạp.
Một người đàn bà đau khổ đến tột độ trước thân thể tàn phế. Hay hình ảnh người đàn ông với cái chân cụt sống lặng lẽ trong bệnh viện bằng nghề bán máu... Tuy chỉ xuất hiện trong thoáng chốc, nhưng cũng đủ để độc giả cảm nhận được trái tim đang rã rời, muốn buông xuôi tất cả.
Nhà văn Dương Nghiễm Mậu. |
Trong Tuổi nước độc, Dương Nghiễm Mậu rất hạn chế miêu tả ngoại hình nhân vật. Độc giả chỉ biết Ngạc là một thanh niên gầy gò, xanh xao. Con người anh được lột tả chủ yếu qua thế giới nội tâm phức tạp: mềm yếu, giàu tình thương, nhưng đôi khi lại quyết liệt và cứng rắn khiến người ta phải giật mình.
Đã không ít lần, nhân vật Ngạc tự hỏi bản thân về mục đích sống của bản thân và những người xung quanh. Ta chỉ biết rõ một con người là ai khi nhìn thấu được tâm hồn họ.
Một bối cảnh khốc liệt như chiến tranh cũng tạo cho con người ta nhiều cơ hội để khám phá những mầm thiện ẩn giấu bên trong những tâm hồn đầy rẫy tội lỗi. Với tác giả, không có trái tim nào là hoàn toàn trong sạch.
Thiện và ác luôn đi song hành cùng nhau giống như mặt sấp và mặt ngửa của đồng xu. Cuối cùng, sự bình yên chỉ đến khi con người ta biết tha thứ.
Trong áng văn đầy tuyệt vọng, Dương Nghiễm Mậu vẫn dành cho Hà Nội những tình cảm thật tha thiết và chân thành. Ông miêu tả cái lạnh đầu đông và hình ảnh những con phố cổ Hà Nội bằng những từ ngữ rất trau chuốt, tuy ngập đầy nỗi buồn nhưng cũng không kém phần thơ mộng.
Dường như chiến tranh chẳng thể nào xóa nhòa được vẻ đẹp cổ kính và thanh tao của mảnh đất kinh kỳ nghìn năm tuổi.