Ông Hawley là thành viên Thượng viện đầu tiên xác nhận tham gia nỗ lực thách thức kết quả ở Quốc hội. Văn phòng Thượng nghị sĩ Hawley chưa phản hồi câu hỏi ông sẽ thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn tiểu bang nào, The Hill đưa tin.
"Tôi không thể xác nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn vào ngày 6/1 mà không nêu lên thực tế một số tiểu bang, đặc biệt là Pennsylvania, đã không tuân thủ luật bầu cử. Và tôi không thể xác nhận kết quả mà không chỉ ra âm mưu của các siêu tập đoàn, gồm Facebook và Twitter, can thiệp vào cuộc bầu cử nhằm hỗ trợ Joe Biden", ông Hawley nói.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley. Ảnh: AP. |
Quyết định được Thượng nghị sĩ Hawley đưa ra trong bối cảnh một nhóm thành viên Cộng hòa tại Hạ viện, dẫn đầu bởi Hạ nghị sĩ Mo Brooks đại diện tiểu bang Alabama, cam kết thúc đẩy một nỗ lực nhằm lật ngược kết quả bầu cử, bằng cách thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.
Nếu thách thức kết quả nhận được sự ủng hộ của ít nhất một thượng nghị sĩ và một hạ nghị sĩ, vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu riêng tại Thượng viện và Hạ viện. Thách thức kết quả cần có sự ủng hộ của 2/3 thành viên mỗi viện lập pháp để được thông qua.
Nếu thủ tục thách thức kết quả được khởi động vào ngày 6/1/2021, đây sẽ là lần thứ 3 trong lịch sử kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu ở Quốc hội. Trong hai lần trước vào năm 1969 và 2005, các thách thức không nhận được đủ sự ủng hộ tại lưỡng viện, vì vậy bị bác bỏ.
Các chuyên gia nhận định ít có khả năng nỗ lực thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn có thể nhận đủ số phiếu ủng hộ tại Quốc hội.
Tại Thượng viện, thủ lĩnh phe đa số Cộng hòa Mitch McConnell đã kêu gọi các thượng nghị sĩ Cộng hòa không ủng hộ nỗ lực thách thức kết quả, do lo ngại sẽ làm tổn hại tới các ứng viên của đảng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.