Tiến sĩ Alex Zhavoronkov (trái) và Dmitry Kaminskiy (phải) từng đánh cược một triệu USD xem ai là người sống lâu hơn tại Hội nghị JPMorgan Health Care hồi tháng 1 ở thành phố San Francisco, Mỹ. Ảnh: Charlie Groome |
Triệu phú Dmitry Kaminskiy là đại cổ đông của Deep Knowledge Ventures - công ty quản lý quỹ liên doanh có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc). Ông hy vọng món quà "triệu đô" sẽ tạo ra bước đột phá trong nhóm những người sống trên 110 tuổi.
Kaminskiy cho biết, việc nghiên cứu các tế bào gốc, tái tạo mô,... trong y học sẽ giúp nhân loại kéo dài tuổi thọ. Nhờ đó, con người có thể sống tới hơn 120 tuổi.
"Chúng ta đang sống ở thời đại đỉnh cao trong tiến trình phát triển của nhân loại, khi công nghệ tác động ngày càng nhiều tới cuộc sống của con người", Kaminskiy nói với Daily Mail.
"Tôi hy vọng giải thưởng này sẽ giúp nhiều người mong muốn sống lâu hơn", triệu phú nhấn mạnh.
Bà Jeralean Talley, 115 tuổi, hiện là một trong những người cao tuổi nhất thế giới còn sống. Ảnh: Reuters |
Trong những năm qua, nhiều công ty đã theo đuổi giấc mơ chống lão hóa nhờ sự tài trợ của các tỷ phú như Larry Elliso, Sergey Brin, Peter Thiel, Paul F.Glenn và Dmitry Itskov.
Tiến sĩ Aubrey de Grey, làm việc tại Hiệp hội Nghiên cứu SENS, cho rằng, các nhà khoa học có thể kiểm soát tiến trình lão hóa trong tương lai gần. "Cơ hội của chúng ta là 50/50", ông nói.
Những nghiên cứu ngăn chặn và đẩy lùi quá trình lão hóa đang đạt thành công nhất định. Tuổi thọ trung bình trên thế giới đang tăng lên.
Theo Daily Mail, người giữ kỷ lục thọ nhất thế giới từ trước đến nay là Jeanne Calment. Cụ bà người Pháp qua đời vào năm 1997 khi 122,5 tuổi.
Những ứng viên tiềm năng nhất cho giải thưởng của Kaminskiy là cụ Nguyễn Thị Trù, 122 tuổi ở Việt Nam, Jeralean Talley, 115 tuổi, và Susannah Mushatt Jones, 115 tuổi ở Mỹ.
Một số người cho rằng, giải thưởng "triệu đô" dành cho người sống lâu nhất thế giới từ trước đến nay có thể sẽ phát triển thành một giải thưởng nổi tiếng như Nobel.