Không ai biết họ nhập những thứ đó để làm gì, kể cả những thương lái người Việt Nam. Chỉ biết rằng, từng xảy ra chuyện sau khi thương lái Trung Quốc bỗng dưng biến mất thì người nông dân và thương lái Việt ôm trái đắng.
Đua nhau bán cả vườn
Ông Hoàng Bình Thuận, chủ vườn sầu riêng ở xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, cho hay: “Tôi trồng sầu riêng đã hơn 12 năm, nhưng chưa có năm nào giá cao như năm nay.
Thương lái vào tận vườn giành giật nhau để mua. Năm ngoái, vào dịp này thương lái mua sầu riêng 'chốt' rất nhiều loại giá, tương ứng với sầu riêng từ loại 1 đến loại 3, với giá tối đa chỉ 24.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, họ ưa thích trái sầu riêng non với giá 32.000 đồng/kg. Còn sầu riêng ghép đã chín, họ chỉ mua với giá bằng năm ngoái”.
Theo ông Thuận, có những quả sầu riêng phải hơn tháng nữa mới già, nhưng thương lái vẫn mua. “Mà họ lại thích mua quả non mới lạ, càng xanh họ càng thích, bao nhiêu cũng mua, chỉ sợ không có hàng bán thôi. Giá bán non cao hơn giá bán chín”, ông Thuận cho biết.
Sầu riêng non đang được thương lái Trung Quốc nhập với giá trên 30.000 đồng/kg. |
Một chủ vườn tên Tuấn cũng ở Cẩm Mỹ, cho biết thêm: “Gia đình tôi hiện có gần 2 ha sầu riêng đã cho thu hoạch; trong đó, có 1 ha đã thu hoạch vụ đầu tiên, 1 ha còn lại tuy đang non nhưng thương lái vẫn mua, và họ đặt vấn đề mua luôn cả vườn. Thấy lạ, nên tôi hỏi và họ nói rằng, được các đầu mối đặt hàng với giá hấp dẫn nên bà con cứ yên tâm, có bao nhiêu chúng tôi thu mua hết!
Họ còn nói với tôi, sầu riêng càng xanh, thì càng có giá. Vì loại này đem ngâm hóa chất là chín và để được lâu. Họ chốt giá sầu riêng non nhà tôi là 30.000-32.000 đồng/kg. Nhưng có phải thương lái Trung Quốc mua về ngâm hóa chất hay không chưa ai xác thực”.
Việc thương lái hỏi mua quả non với giá cao, cũng như anh Tuấn, nhiều chủ vườn đều đồng ý bán quả non.
Một chủ đại lý thu mua sầu riêng ở huyện Cẩm Mỹ, cho biết: “Giá sầu riêng non chúng tôi thu mua và nhập lại cho các đầu mối chuyển đi tiêu thụ ở Trung Quốc với giá trên 35.000 đồng/kg. Mỗi ngày tôi thu mua được từ 12-15 tấn sầu riêng non. Vì sầu riêng đang 'sốt' giá nên tôi phải thuê thêm 5 người chuyên đóng hàng để kịp giao cho khách”.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, đã nắm thông tin thương lái thu mua sầu riêng non, và cũng đã phối hợp với cơ quan liên quan khuyến cáo nhà vườn không nên bán quả non.
Ngâm chín trái non rồi bán ngược trở lại?
Từ mấy năm nay, việc thương lái thường thu mua các loại quả non không còn là chuyện lạ. Còn nhớ cách đây không lâu, việc các thương lái ồ ạt săn lùng tìm kiếm mua cau non và cam non với giá khá cao, mà không nói rõ bất kì lí do gì khiến người dân không chỉ tò mò, mà còn cảm thấy hoang mang khi bán cho các thương lái.
Bài học về việc thương lái Trung Quốc thu mua đỉa, ốc bươu vàng, sừng trâu và các loại rễ cây vẫn còn đó. Các nhà vườn cần cẩn thận với việc ban đầu, họ mua số lượng ít với giá cao, sau đó gom số lượng lớn rồi bỏ mua. Lúc đó thương lái địa phương rơi vào cảnh gom hàng nhưng không biết bán ở đâu. Không có tiền trả cho dân, nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, rất có thể những trái sầu riêng non đó sẽ được thương lái Trung Quốc dùng thuốc ép cho chín, rồi lại tuồn ngược về Việt Nam. Hoặc khi giá sầu riêng non được đẩy lên cao hơn nữa, thì chính thương lái Trung Quốc sẽ đẩy ngược lượng hàng đã mua đó trở lại, bán cho thương lái Việt rồi… biến mất.
Biết thông tin sớm như vậy là rất kịp thời. Nhưng sao chỉ “khuyến cáo”, mà không có biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn tình trạng này?
Việc tìm hiểu cho bằng được thương lái Trung Quốc thu mua những thứ lạ đời để làm gì là việc phải làm vì lợi ích quốc gia. Nếu họ mua thuần túy để sử dụng, mà ta có lợi thì ta có kế hoạch hợp tác đàng hoàng, còn nếu vì mục đích khác bất lợi cho Việt Nam thì phải có đối sách. Không làm được việc này thì “chuyện lạ đời” thuộc về người Việt Nam chứ không dành cho các thương lái Trung Quốc.
“Thấy giá cao nên trong vườn có bao nhiêu sầu riêng từ già đến non, tôi bán hết. Thế là chỉ sau 2 ngày, họ 'dọn' sạch vườn, chẳng còn lại một trái nào trên cây. Cũng như gia đình tôi, các chủ vườn khác tại đây đều được thương lái tới 'chốt' một giá và cắt hái sạch một lần”.
(Chủ vườn tên Tuấn ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai)
“Hiện ở vùng này, sầu riêng mới vào vụ thu hoạch nên dù thu gom cả trái chưa đủ độ già thì nhiều vườn cũng chỉ cắt được vài tạ. Đa số các vườn còn lại phải cả tháng nữa mới vào vụ thu hoạch. Tình trạng thu gom trái bất chấp chất lượng đang diễn ra, khiến nhiều nhà vườn rất lo lắng. Vì từng xảy ra tình trạng thương lái thu gom chộp giật kiểu này để xuất hàng sang Trung Quốc, chỉ mấy tuần sau, nhiều nhà vườn lỗ nặng vì sầu riêng rớt giá”.
(Ông Tân, Chủ nhiệm CLB sầu riêng ấp Tân Hạnh, Xuân Bảo, Cẩm Mỹ)