Ông Nguyễn Thanh Thủy, ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long), cho biết, nếu như trước đây thu hoạch 2 ha lúa xong là gia đình ông đốt đồng để chuẩn bị đất cho vụ sau, thì năm nay rơm được thương lái ở Trà Vinh sang thu mua hết.
Theo ông Thủy, hiện ruộng nằm gần đường, xe tải đến được, 1 ha lúa bán được 1,2 triệu đồng tiền rơm, đồng xa đường lớn, mỗi ha có giá 800.000 đồng.
"Vụ này lúa Đông Xuân trúng mùa nhưng giá thấp. May có giá rơm bù lại được chút ít. Máy cuộn rơm ra đời cũng đã giúp nhiều nông dân trồng lúa tránh được cảnh đốt đồng gây ô nhiễm môi trường, loại chi phí thuê mướn nhân công đi gom rơm đốt bỏ như trước đây", ông Thủy nói.
Thương lái đưa ghe đi khắp các cánh đồng thu mua rơm. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Ông Lê Phước ở huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh, thương lái mua rơm trên cánh đồng huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cho biết, nhu cầu rơm hiện nay rất lớn. Thương lái lùng sục khắp ruộng tranh mua khiến giá luôn được đẩy lên cao. Không chỉ các hộ chăn nuôi trâu bò cần thức ăn cho gia súc, mà nông dân cũng mua loại này để che gốc thanh long, cây ăn trái. Rơm được thương lái mua gom tại nhiều cánh đồng miền Tây rồi đưa đi bán khắp nơi, từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến nhiều tỉnh ở Đông Nam Bộ.
Cũng theo ông Phước, nông dân miền Tây hiện đa số thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, máy cắt đến đâu phun rơm rãi ra đồng ruộng đến đó. Thương lái phải đầu tư loại máy chuyên dụng để đi thu gom rơm và cuốn lại thành cuộn tròn mang đi bán. Nhờ đầu tư 2 máy cuộn rơm cùng lúc, nên ông Phước mua được số lượng lớn rồi thuê xe chở lên Đồng Nai bán.
Lúa gặt đến đâu, rơm được thương lái xí phần mua đến đó. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Giá mua rơm tại ruộng được tính theo ha. Thương lái sau khi thu gom sẽ bán cho người có nhu cầu với giá 2.000-3.000 đồng/kg. “Bây giờ bán rơm dễ hơn bán lúa, vì nhu cầu cho chăn nuôi, bón cây ăn trái, làm nấm rơm rất lớn. Một máy cuộn rơm tôi đầu tư 85 triệu đồng, mang về gắn vào đầu kéo máy cày chạy trong 2-3 tháng thu lại vốn”, ông Phước nói.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, bình quân tuốt 1 tấn lúa cho khoảng 700 kg rơm vung rải trên mặt ruộng. Với sản lượng lúa gần 25 triệu tấn, địa phương sẽ có 17,5 triệu tấn rơm cần phải xử lý mỗi năm. Nếu đốt đồng sẽ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời làm mất dần chất hữu cơ trong đất. Để rơm lại trên đồng rồi cày xới sẽ gây ngộ độc hữu cơ cho cây lúa ở vụ sau.
Từ khi nhu cầu của các nhà vườn trồng cây ăn trái, làm nấm rơm tăng cao, máy cuộn rơm cũng ra đời, giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập đang kể để đầu tư phân, thuốc sau mỗi mùa vụ.