Mô hình nuôi lươn trên cạn vào mùa nước nổi từ lâu đã được nông dân tại xã Vĩnh Hanh, Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang) áp dụng. Đến nay, các xã đầu nguồn của An Giang và Đồng Tháp, người dân cũng đổ xô nuôi lươn theo mô hình này. Các tuyến đường chạy theo xã Đa Phước, Phú Hữu (An Phú), xã Phú Lộc, Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa (thị xã Tân Châu), cùng thuộc tỉnh An Giang, xã Phú Hiệp, Phú Đức (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), có nhiều "ô bao nhân tạo" kế tiếp nhau được bà con dùng nuôi lươn.
Lươn là loài sống dưới bùn, nhưng với mô hình này, người nuôi không cần dùng nước mà lươn vẫn sống tốt, cho hiệu quả kinh tế. Người dân tận dụng đất trống hai bên đường hoặc xung quanh nhà, đóng cọc xung quanh rồi trải bạt nylon làm ô bao để nuôi. Bể nuôi thông thường có chiều dài khoảng 4m, ngang 2 - 2,5m, cao 1m trở lên. Trong bể, người nuôi bỏ đất bùn và các loại cây như lục bình, thân cây ngô, cây sậy, rơm khô, lá chuối... làm chỗ cho lươn trú ngụ.
Lươn nuôi trên cạn tại huyện Châu Thành (An Giang). Ảnh: Ngọc Trinh. |
Ông Nguyễn Văn Xuẩn, thành viên câu lạc bộ Nông dân ấp Vĩnh Lợi là một trong những nông dân đầu tiên tại xã này nuôi lươn. Ông Xuẩn cho hay, ban đầu nuôi thử bằng cách mua lươn nhỏ ở chợ về thả trong bồn nylon. Do ông Xuẩn chưa có kinh nghiệm nuôi nên lươn bị hao hụt nhiều. Sang đến vụ thứ hai, ông Xuẩn rút ra kinh nghiệm và bắt đầu cho mở rộng quy mô chăn nuôi. Năm 2008, gia đình ông đầu tư 6 bể nuôi có diện tích khoảng 200m2 say nhà. Với lượng lươn giống ban đầu là 400 kg (bình quân 25 - 30 con/kg), sau 7 - 9 tháng nuôi, ông Xuẩn thu hoạch được khoảng 980 kg lươn thịt. Giá bán bình quân 70.000 - 140.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lãi gần 29 triệu đồng. Vào mùa nước nổi các năm sau đó, ông Xuẩn mở rộng diện tích và gần như mùa nào cũng thu lợi hơn 40 triệu đồng từ mô hình nuôi lươn trên cạn.
Theo nông dân này, người nuôi khi làm bồn nên hướng về phía mặt trời, tránh gió bão. Diện tích bồn nuôi thích hợp nhất là 10 - 20m2, chiều cao 1 - 1,3m. Trong bồn, người nuôi nên cho thêm đất ruộng để lươn có chỗ cư trú, đồng thời độn thêm cỏ mục, trồng lục bình, rau mác, rau dừa để tạo bóng râm trong bồn. Mực nước trong bồn, theo ông Xuẩn, khoảng 20 - 30 cm vì nếu sâu quá sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của lươn. Ông Xuẩn cũng nói thêm, lươn là loài không ưa ánh sáng nên bồn nuôi phải có mái che hoặc trồng dây leo. Người nuôi cũng cần giữ sạch môi trường sống cho lươn bằng cách thay nước trong bồn mỗi ngày.
Nói về lươn giống, ông Trần Văn Ngạn, một hộ nuôi khác ở Phú Lộc, Tân Châu (An Giang), cho biết, lươn mới đem về không nên cho ăn ngay trong thời gian đầu. Lươn giống, nhất là loại bắt trong tự nhiên, thường có tỷ lệ hao hụt cao 20 - 50%. Thời gian hao hụt kéo dài 10 - 30 ngày. "Nhưng có thiệt hại 50% thì vẫn còn lời. Nếu để lươn chết trong đất, sẽ làm ô nhiễm môi trường, nên hằng ngày phải thay nước, rửa đất, có khi phải thay đất mới. Theo tôi, con giống có màu vàng sẫm, phát triển tốt nhất, màu vàng xanh sẽ phát triển bình thường còn màu xám tro thì chậm lớn. Kích cỡ lươn giống thả nuôi tốt nhất từ 30 đến 40 con/kg, phải đồng cỡ, khỏe mạnh và không bị xây xát”, ông Ngạn nói.
Vào mùa nước nổi, người dân tại An Giang, Đồng Tháp dựng chuồng trên cạn nuôi lươn, cho thu nhập khá ổn định. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Theo những người nuôi lươn lại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Hanh hay xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành, An Giang), mô hình này ngày càng được nhân rộng do nguồn lươn tự nhiên vào các tháng 5 đến tháng 7 khá dồi dào. Theo thống kê, tính đến năm 2008, có 381 hộ tại xã Vĩnh Hanh đã tận dụng diện tích đất quanh nhà, bố trí chuồng nuôi với tổng diện tích lên đến 4 ha. Mô hình đơn giản, việc nuôi dễ dàng nên các hộ bắt chước nhau nuôi.
Thời điểm nuôi lươn trên cạn lý tưởng nhất là mùa nước lũ, vì đây là lúc phù hợp với thời gian sinh trưởng, phát triển của loài này. Ngoài ra, giai đoạn này, nguồn con giống khá dồi dào, đặc biệt là giống lươn từ Campuchia. Thức ăn cho lươn vào mùa nước nổi cũng dễ kiếm hơn so với các giai đoạn khác. Nuôi lươn mùa này, người dân cũng có thể thu hoạch vào những tháng sau Tết nên giá bán khá cao, lợi nhuận tốt hơn.
Vì tạo thêm thu nhập cho nhiều bà con ngư dân trong mùa nước nổi, nên nuôi lươn trên cạn được xem là mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả ở địa phương. Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân, nếu được hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt hơn, năng suất nuôi sẽ được tăng lên, lợi nhuận từ nuôi lươn trên cạn cũng cao so với việc nuôi các loại thủy sản khác. Ngoài ra, người dân kiến nghị được cảnh báo dịch bệnh, nguy cơ tiềm ẩn có thể gặp trong việc nuôi lươn kịp thời để tránh thất thu hay tái diễn vòng luẩn quẩn "được mùa, rớt giá".