Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thương lái gom heo hơi xuất sang Trung Quốc

Tuần giữa tháng 7/2013, ngành chăn nuôi chứng kiến đà phục hồi ngoại mục của giá heo hơi tại các tỉnh thành phía Nam, do có sự xuất hiện trở lại các thương lái mua gom xuất sang Trung Quốc.

Thương lái gom heo hơi xuất sang Trung Quốc

Tuần giữa tháng 7/2013, ngành chăn nuôi chứng kiến đà phục hồi ngoại mục của giá heo hơi tại các tỉnh thành phía Nam, do có sự xuất hiện trở lại các thương lái mua gom xuất sang Trung Quốc.

Chênh lệch giá giữa trại nuôi và cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) ở mức 10.000 đồng/kg đang hấp dẫn hàng chục xe tải mỗi ngày len lỏi tận các trang trại nuôi heo ở khu vực miền Đông Nam bộ để chở heo ra cửa khẩu…

 
Trong một tuần gần đây, giá heo hơi tăng 500 – 1.000 đồng/kg, do Trung Quốc nhập tiểu ngạch trở lại sau gần hai năm gián đoạn.

Gần hai năm nay, ông Trần Quang Trung, người nuôi heo ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai mới lại được nghe tiếng xe tải “ìn ìn” ở khắp các con hẻm trong thôn. 10h một ngày cuối tháng 7, ông cho hay chỉ trong vài con hẻm ngắn ở Gia Kiệm mà có đến không dưới mười đầu xe tải vào bắt heo. Với ông Trung và những người chăn nuôi heo ở đây, lượng xe tải càng vào nhiều cũng đồng nghĩa giá heo hơi sẽ tăng, đem lại lợi nhuận cho họ.

“Có tiếng xe tải là có niềm vui”

Người chăn nuôi cho biết đa số xe tải vào các trang trại mua gom heo trong suốt tuần qua là để xuất sang Trung Quốc. Việc có thêm nhiều xe tải vào bắt heo giúp giá tăng đáng kể. Lần đầu tiên sau gần hai năm, giá heo hơi mới có thể nhích lên 40.000 – 41.000 đồng/kg. Những ngày này, người chăn nuôi như được “giải cơn khát” về giá. Họ cảm thấy phấn chấn bởi sau nhiều tháng chỉ biết đến thua lỗ, thì nay giá tăng trở lại giúp họ có lợi nhuận. “Chúng tôi chờ ngày này quá lâu rồi. Mức giá hiện tại chỉ mới có lời chút đỉnh nhưng giúp chúng tôi có thêm niềm tin là sẽ không bị phá sản”, ông Trung giãi bày.

Ông Âu Thanh Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty chăn nuôi Duy Cường (Đồng Nai) cho biết, hai năm liên tiếp gần đây, do kinh tế suy thoái khiến ngành chăn nuôi dư ra 20 – 30% sản lượng thực phẩm. Cung vượt cầu nên giá bán sản phẩm luôn duy trì ở mức thấp hơn giá thành. Bởi vậy, việc giải quyết đầu ra hàng tồn kho trong chăn nuôi không thể hy vọng vào thị trường nội địa, xuất khẩu chính ngạch cũng bế tắc do Việt Nam nằm trong vùng dịch bệnh nên chỉ còn trông chờ vào thị trường tiểu ngạch bán qua Trung Quốc. “Chỉ có khai thông thị trường Trung Quốc mới giải quyết hết lượng heo, gà còn tồn tại trong các trang trại hiện nay”, ông Long khẳng định.

Theo người chăn nuôi, heo xuất sang Trung Quốc không cần loại chất lượng tốt, ngược lại, thương lái đang lựa chọn mua heo to, heo có tỷ lệ mỡ cao (loại này đang tồn khá nhiều ở các trang trại). Ông Phúc, một chủ hàng từ Móng Cái có ba xe tải loại ba tầng đang gom heo ở khu vực Đồng Nai, cho hay, chênh lệch giá heo hơi ở đây so với cửa khẩu vào khoảng 10.000 đồng/kg. Mức này, sau khi trừ các chi phí: thuê xe, xăng, phí kiểm dịch, cầu đường…, chủ hàng còn bỏ túi vài ba ngàn đồng mỗi ký. “Khoảng hơn một tuần nay phía Trung Quốc có nhu cầu nên các chủ hàng phải túc trực mua gom cho kịp chuyến. Lượng heo đạt chuẩn xuất đi còn rất nhiều, tui có ba xe, cứ hai ngày là gom được một xe, trừ chi phí còn lời 5 – 7 triệu đồng”, ông Phúc nói.

Lo ngăn sông cấm chợ

Cuối tuần này gia đình ông Trung dự định bán khoảng 200 con heo. Ông Trung đang cầu mong cho ngày nào cũng được nghe tiếng xe tải “ìn ìn”, xịt khói đen ngòm ở các con hẻm trong xóm. Nhưng ông Trung và nhiều hộ chăn nuôi heo khác đang lo nếu Trung Quốc không ăn hàng nữa, chắc chắn giá heo hơi sẽ rớt. Vì trước đây cũng có hiện tượng heo, gia cầm và nhiều loại nông sản được thương lái mua gom xuất sang Trung Quốc, nhưng do lo ngại nguồn cung bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến thị trường nên việc mua bán bị ngăn lại bởi các hàng rào kiểm soát. Đầu ra bị chặn, ngay lập tức giá sản phẩm giảm sút.

“Lúc heo còn dồi dào, giá vừa phải thì không sao, nhưng hễ có biến động một chút là chúng tôi bị công an giao thông, các trạm kiểm dịch, thậm chí hải quan cửa khẩu hành đủ đường. Càng bị hành nhiều thì chi phí càng đội lên nên không thể đi được nữa”, một chủ hàng mua heo xuất sang Trung Quốc, cho biết. Ông Âu Thanh Long cho rằng, giá thực phẩm thấp chỉ có một nguyên nhân duy nhất là cung vượt cầu. Theo ông Long, sản lượng thịt chăn nuôi thời gian gần đây không tăng, thậm chí nhiều nơi giảm nhưng do kinh tế suy thoái, nhu cầu tiêu dùng giảm nên nguồn cung vẫn dôi ra 20 – 30%. Vì vậy, để cứu nông dân, lúc này Nhà nước phải có chính sách khuyến khích cho xuất khẩu dưới mọi hình thức, chứ đừng nên vì lo ngại biến động giá rồi lại sử dụng biện pháp ngăn cấm như trước đây.

Không thể chạy theo nhu cầu tức thời

Theo TS Đặng Kim Sơn (Viện trưởng viện Chính sách chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn): trong điều kiện ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, bất kỳ giải pháp tạm thời nào có tín hiệu tốt, mang lại hiệu quả thúc đẩy thị trường thì chúng ta nên khuyến khích. Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ở nước láng giềng hơn 1 tỷ dân cũng gặp không ít khó khăn, sức cạnh tranh giảm nên việc họ phải nhập khẩu nông sản từ Việt Nam hay bất cứ của nước nào khác là điều bình thường. Về phía chúng ta, trong khi hệ thống phân phối còn kém, giá từ nông dân bán ra thấp, bị thua lỗ nhưng đến tay người dùng thường cao; xuất khẩu chính ngạch lại không được thì yếu tố thương lái vào mua gom heo, gia cầm xuất tiểu ngạch là lối ra tốt.

Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta phải hiểu rõ nơi tận cùng của người mua sản phẩm của mình là ai, biết thị trường cần gì để hoạch định chiến lược sản xuất cho phù hợp chứ không thể chạy theo nhu cầu tức thời. Có thể, ngày hôm nay thị trường tốt lên nhờ tín hiệu thương lái mua gom xuất sang Trung Quốc. Nhưng nếu nhu cầu mua gom tăng dần làm cho giá biến động, nông dân thấy có lời cao đổ xô vào nuôi, khi đó lại có gặp rủi ro.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Bạn có thể quan tâm