Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá giảm mạnh, người chăn nuôi bỏ nghề

Các công ty chế biến, người nuôi đang gặp khó vì giá bán buôn thấp hơn chi phí từ 30-50%. Tuy nhiên, giá bán lẻ tới tay người dùng lại đang ở mức cao, khiến lợi nhuận rơi cả vào túi khâu trung gian.

Giá giảm mạnh, người chăn nuôi bỏ nghề

Các công ty chế biến, người nuôi đang gặp khó vì giá bán buôn thấp hơn chi phí từ 30-50%. Tuy nhiên, giá bán lẻ tới tay người dùng lại đang ở mức cao, khiến lợi nhuận rơi cả vào túi khâu trung gian.

Mượn kho lạnh thuỷ sản trữ thịt gà

Hai doanh nghiệp đầu tiên trong ngành chăn nuôi gà công nghiệp buộc phải thực hiện giải pháp giết mổ cấp đông dự trữ để cắt bớt nguồn cung là công ty C.P và Emivest. theo đó, mỗi ngày, hàng chục ngàn con gà công nghiệp quá lứa (từ 3,5 – 4,5kg/con) được giết mổ, sau đó thuê các kho lạnh thuỷ sản để cấp đông, dự trữ.

Ông Nguyễn Thanh Phương, phụ trách chăn nuôi công ty Emivest Việt Nam nói rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi giá gà công nghiệp đã duy trì ở mức thấp hơn giá thành tới 10.000 đồng/kg trong thời gian quá dài mà thị trường tiêu thụ vẫn quá ế.

Giá gà công nghiệp trong tuần cuối tháng 5/2013 tăng thêm 3.000 – 4.000 đồng lên mức 22.000 – 25.000 đồng/kg so với tuần trước đó, nhưng người chăn nuôi vẫn bị lỗ 7.000 – 8.000 đồng/kg, trong khi ước tính vẫn còn hàng triệu con gà quá lứa chờ xuất chuồng. “Mục tiêu lúc này là tìm cách giảm đàn thật nhanh để thoát khỏi khủng hoảng”, đại diện công ty C.P cho biết.

Tình trạng thịt ở trại và chợ đầu mối có giá thấp, nhưng đến tay người tiêu dùng có giá cao, vẫn đang xảy ra.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lúc này là năng lực giết mổ, cấp đông rất hạn chế do tại khu vực các tỉnh miền Đông hầu như chưa có nhà máy nào đáp ứng công suất, thậm chí cả về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, đến nay cũng chưa có doanh nghiệp nào đầu tư kho lạnh chuyên dụng trữ thịt gà, thịt heo nên doanh nghiệp “chống cháy” bằng cách phải thuê kho lạnh thuỷ sản. “Rất may là dịp này kho lạnh thuỷ sản còn trống để mà thuê, tuy nhiên với công suất giết mổ như hiện nay thì vài tuần nữa cũng đầy ứ hết, không còn chỗ để chứa nữa”, ông Phương nói.

Theo tính toán, chi phí cấp đông một ký thịt gà công nghiệp tiêu tốn 6.500 đồng, gồm 1.500 đồng giết mổ, 5.500 đồng cấp đông. Ngoài ra còn phải tốn thêm khoảng 500 đồng/kg phí lưu kho trong một tháng. Đây là chi phí quá cao và doanh nghiệp biết chắc là sẽ bị lỗ vốn bởi dự báo tình hình thị trường rất khó hồi phục trong ngắn hạn, nên càng dự trữ lâu phí càng đội lên.

Một khó khăn khác, như lời ông Nguyễn Thanh Phương, đó là gà cấp đông không thể bán giá cao được vì phải cạnh tranh với thịt gà nhập khẩu. “Biết là cầm chắc lỗ nhưng thà làm như vậy còn hơn là để cho sản lượng mỗi ngày một dư ra, đến lúc đó thì gà to, gà nhỏ đều không bán được”, ông Phương nói thêm.

Người chăn nuôi tháo chạy

Ông Trần Quang Trung, chủ trại heo ở Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai nói rằng liên tiếp trong năm tháng đầu năm nay, ngày nào mở mắt ra là gia đình ông cũng bị mất 5 triệu đồng do giá heo hơi bán ra ở mức quá thấp. “Trung bình mỗi tháng tôi lỗ 150 triệu đồng, tổng cộng năm tháng mất 750 triệu đồng”, ông nhẩm tính.

Tình trạng lỗ vốn đang đẩy gia đình ông Trung vào hoàn cảnh bi đát vì tiền mua thức ăn cho đàn heo không còn, đại lý bán nguyên liệu không cho nợ, trong khi khoản vay ngân hàng 1,1 tỷ đến ngày 20/6 này phải đáo hạn cũng chưa biết xoay xở ở đâu ra. “Có lẽ phải bán chuồng trại, bỏ nghề”, vị này nói.

Không chỉ ông Trung, rất nhiều chủ trại ở các tỉnh miền Đông, nơi có nghề chăn nuôi heo lớn nhất cả nước đang tìm cách bán tháo chuồng trại. Ông Trần Văn Hạt, ở Bình Dương vừa bán sạch trại heo 1,7ha cho rằng 100% trại heo bị lỗ vốn kéo dài suốt hơn một năm nay nên đến giờ này họ không còn đủ sức kháng cự nữa. “Càng nuôi càng lỗ, có vay được vốn lãi suất 0% vẫn bị lỗ do giá cả đã mất kiểm soát”, ông Hạt khẳng định.

Các doanh nghiệp lớn tuy không treo chuồng trại, cũng phải giảm đàn. Đại diện công ty Emivest cho hay nếu như trước đây trung bình mỗi năm nuôi 4,5 lứa gà công nghiệp thì nay cắt giảm còn 3,5 lứa, cộng thêm việc cắt giảm số lượng nuôi thì tổng lượng đàn của công ty giảm tới 30 – 50%. Công ty Japfa cũng gửi thông báo đến các trại nuôi gia công thanh lý hợp đồng, có trường hợp công ty buộc phải chấp nhận đền bù để chấm dứt hợp đồng với người nuôi hoặc trả lại chuồng trại thuê gia công. Một số công ty khác cũng thực hiện cắt giảm 30 – 50% sản lượng, cá biệt có công ty ở Long An còn chấm dứt nuôi gà bằng cách kêu bán sạch chuồng trại.

Giá bán lẻ vẫn quá cao

Giá gà công nghiệp tại trại hiện nay chỉ ở mức 22.000 – 25.000 đồng và gà tam hoàng khoảng 28.000 đồng/kg. Ghi nhận tại một số siêu thị, gà công nghiệp nguyên con vẫn đang có giá 41.000 đồng/kg; đùi gà tháo khớp 61.900 đồng/kg, đùi tỏi 75.000 đồng/kg, cánh gà 79.500 đồng/kg, đùi gà góc tư 58.000 đồng/kg, chân gà 63.800 đồng/kg và gà tam hoàng ở mức 61.000 đồng. Như vậy, đáng lẽ hệ thống siêu thị phải bán ở mức giá thấp hơn mức niêm yết hiện nay từ 10.000 – 15.000 đồng/kg mới là hợp lý.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, chủ trại gà tam hoàng ở huyện Long Khánh, Đồng Nai, thịt gà ế ẩm không chỉ vì nguồn cung dư thừa, tâm lý người dân sợ dịch cúm, còn do giá bán lẻ đến tay người dùng vẫn bị neo quá cao.

Theo Sài Gòn Tiếp thị

Theo Sài Gòn Tiếp thị

Bạn có thể quan tâm