Một buổi tối gần đây, Amar Sitayeb đang xoay sở sau quầy tính tiền chật chội ở cửa hàng tiện lợi của mình. Nằm ở quận Marais ở trung tâm Paris, đây là nơi mà ông và anh trai mình là Ali đã lập ra và quản lý trong hơn 35 năm qua.
Một con mèo xám đang đi lang thang trên sàn, và dán bằng băng dính trên chiếc máy tính tiền đã cũ là những bức ảnh cũ của những đứa trẻ sinh sống xung quanh khu vực này, nhiều đứa trong số đó đã thành người lớn.
Ông Ali Sitayeb đứng trước cửa hàng tiện lợi do mình và anh trai mở ra từ năm 1984, trên phố Sainte-Croix de la Bretonnerie ở khu Marais, Paris. Ảnh: New York Times. |
"Thật buồn khi phải rời đi"
Một loạt khách quen của cửa hàng xuất hiện, họ mua snack khoai tây, kẹo cao su, nước ngọt và trò chuyện với ông chủ thân thiện. Một người hàng xóm mang theo chú chó nhỏ đi vào mua trà với mật ong, và được ông Sitayeb lấy thêm cho một chút bạc hà.
10 phút sau, người phụ nữ quay lại và hỏi mua rượu rum. Ông chủ lại niềm nở lấy đồ cho người khách và nói: "Thứ này sẽ giúp mau khỏi ốm".
Những giao dịch này chủ yếu là cái cớ để người dân khu phố Sainte-Croix de la Bretonnerie đến cửa hàng và trò chuyện với anh em nhà Sitayeb - hai người mà họ coi là tai, mắt và tổ trưởng không chính thức của khu dân cư.
Nhưng điều đó sẽ sớm phải chấm dứt, vì đến ngày 31/1 này, cửa hàng tiện lợi của anh em nhà Sitayeb sẽ phải đóng cửa để nhường chỗ cho một shop nội y của thương hiệu nổi tiếng Princesse Tam Tam. Không chỉ vậy, một loạt các cửa hàng nhỏ và quán cà phê tư nhân khác ở xung quanh cũng sẽ phải dừng hoạt động, thay vào đó là các shop thời trang hàng hiệu.
"Chúng tôi biết mọi người ở khu phố này, chúng tôi đã sống ở đây cả đời với họ và rất buồn khi phải rời đi", ông Ali Sitayeb chia sẻ. Năm nay đã 70 tuổi, người đàn ông gốc Morocco này vẫn tràn đầy năng lượng, nhưng không thể giấu được nỗi buồn khi sắp phải rời xa một phần cuộc đời của mình.
Hàng xóm cũng đầy nuối tiếc vì cửa hàng tiện lợi là địa điểm để người dân trong khu phố tụ tập, hỏi han và trò truyện với hai anh em nhà Sitayeb. Hai ông chủ cũng thường xuyên giữ giùm chìa khoá nhà cho mọi người, và luôn biết sớm nhất các thông tin của khu phố, từ chuyện nhà nào ly dị cho đến việc nhà nào mới sinh em bé hay mới bị mất trộm.
Nhưng những không gian mang tính cộng đồng, đầy màu sắc cuộc sống như vậy đang dần biến mất ở Paris. Trên con đường Sainte-Croix de la Bretonnerie này giờ đây đã xuất hiện nhiều shop bán giày hàng hiệu (giá mỗi đôi từ 500 euro) để phục vụ khách du lịch giàu có từ khắp nơi trên thế giới, những người coi Paris như là địa điểm lý tưởng để mua sắm hàng xa xỉ.
Và cư dân khu vực bắt đầu cảm thấy một phần lối sống của họ, và một phần bản sắc của thành phố, đang bị đe doạ bởi các tập đoàn toàn cầu với tiềm lực tài chính hùng mạnh.
"Điều này đang thay đổi mọi thứ. Tôi chỉ muốn đập hết tất cả chúng đi, quá buồn!", bà Eva Beau, một bác sĩ sống ở phía trên cửa hàng của anh em nhà Sitayeb suốt 20 năm qua, tỏ ra giận dữ với những shop thời trang hàng hiệu đang mọc lên trên khu phố.
Những shop thời trang của các thương hiệu lớn ngày càng mọc lên nhiều hơn ở Paris, nhằm phục vụ hoạt động mua sắm của khách du lịch, và dần đẩy những cửa hàng nhỏ thuộc sở hữu tư nhân như của anh em nhà Sitayeb ra khỏi khu trung tâm. Ảnh: New York Times. |
Nhà bà Beau nằm ở tầng 4, và thỉnh thoảng người phụ nữ này vẫn buộc dây vào một cái xô nhựa, ra ban công và thả dây xuống dưới để một trong hai ông chủ cửa hàng tiện lợi đặt cà phê và những thứ khác mà bà muốn mua vào đó.
"Khu phố này không cần thêm những cửa hàng xa xỉ nữa. Chúng tôi cần giao tiếp với những con người như Ali và Amar", bà Beau chia sẻ.
"Tiền là thứ tạo ra luật lệ"
Hai anh em nhà Sitayeb đã nghĩ đến chuyện nghỉ hưu từ lâu, nhưng sau khi một vụ cháy xảy ra tại cửa hàng cách đây 5 năm do chập điện, sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân khu phố khiến cho họ cảm động và tiếp tục điều hành cửa hàng. Nhưng rồi người đại diện của Princesse Tam Tam - thương hiệu thuộc về người khổng lồ Nhật Bản Fast Retailing (sở hữu Uniqlo) - xuất hiện và đưa ra một mức giá vô cùng hấp dẫn cho mảnh đất này.
Điều tương tự cũng xảy ra ở những thành phố khác trên khắp nước Pháp, từ Aix-en-Provence đến Reims, từ Tours đến Srasbourg, những cửa hàng bánh mì, quán cà phê nhỏ và shop tư nhân đang dần bị thay thế bởi các thương hiệu đến từ những toàn cầu.
Ở cạnh cửa hàng của anh em nhà Sitayeb là một loạt các thương hiệu nổi tiếng: Sandro, Maje và Claudie Pierlot thuộc sở hữu của tập đoàn dệt may lớn nhất Trung Quốc, Sơn Đông Như Ý. Một cửa hàng bánh và một cửa hàng sách được thay thế bằng hai shop bán đồ Lacoste và Kooples - thương hiệu thuộc về tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thuỵ Sĩ là Maus Freres.
Trong khi đó hai gã khổng lồ hàng xa xỉ là Channel và LVMH thì mở cửa hàng nước hoa và mỹ phẩm. Những hoạt động rầm rộ này cũng khiến giá bất động sản ở khu Marais tăng chóng mặt.
Rồi anh em nhà Sitayeb cũng gặp những đối thủ trực tiếp khác - là các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 - được chống lưng bởi các tập đoàn bán lẻ lớn ở châu Âu như Casino Groupe và Carrefour. Điều đó khiến cho những cửa hàng tiện lợi nhỏ lẻ - phần lớn do người nhập cư Bắc Phi mở ra - dần dần bị xoá bỏ khỏi những góc phố ở Paris.
"Tiền là thứ tạo ra luật lệ", anh Tariq, con trai của ông Ali Sitayeb, nhận xét.
Nhà Sitayeb rời khỏi Morocco vào thập niên 1970, hai anh em - khi đó là hai cậu thiếu niên - đã làm đủ các công việc từ rửa bát đến bồi bàn ở Paris. Sau đó họ gom góp và mở ra một cửa hàng tiện lợi, mở cửa tới tận gần đêm để cạnh tranh với các chuỗi bán lẻ Pháp - vốn khi đó chỉ mở cửa đến 19h.
Hai anh em nhà Sitayeb - Ali và Amar - rời Morocco đến Paris vào thập niên 1970, và đã gắn bó với khu Marais từ đó tới nay. Ảnh: New York Times. |
Khi cửa hàng của anh em Sitayeb mở cửa vào năm 1984, ông Francois Mitterrand vẫn là tổng thống Pháp, giá cả vẫn được tính bằng đồng franc và quận Marais này - khu phố lịch sử của cộng đồng người Do Thái - đang thay đổi nhanh chóng. Các nhà máy dệt và kim loại được đập bỏ và các khu dân cư mọc lên. Hàng thịt và hàng bánh mì xuất hiện ở khắp các con phố.
Rồi sau đó là các quán cà phê, quán bar và cửa hàng thủ công mỹ nghệ, và rồi khu vực này trở thành trung tâm của cộng đồng LGBT Paris, khiến nó trở nên rực rỡ và sống động - điều hấp dẫn khách du lịch châu Âu và thế giới.
Nhưng kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu kết thúc vào năm 2012, các shop hàng xa xỉ bắt đồng tấn công khu phố, và người dân ở đây cảm giác rằng họ đang mất đi một phần bản sắc riêng.
"Khu phố đã mất đi tâm hồn của nó"
"Nơi đây từng là một khu dân cư thật sự, với các gia đình và trẻ nhỏ. Giờ thì tất cả đã biến mất", ông Amar nói và nhìn ra đường, nơi hàng đoàn khách du lịch lũ lượt đi qua.
"Khu Marais đã mất đi tâm hồn của nó", Jean Luc Rouillard, người năm nay 67 tuổi và đã sống ở khu phố kể từ thập niên 1980, cũng đồng tình với ông Amar.
"Cửa hàng kia cũng đóng cửa rồi", ông Rouillard nói và chỉ tay về phía một cửa hàng đồ cổ 45 năm tuổi ở phía cuối con đường, nơi đang bị tháo dỡ để nhường chỗ cho một khách sạn hạng sang.
"Và cả chỗ đó nữa", ông Rouillard tiếp tục, hướng mắt về quán cà phê Au Rendez-Vous des Amis (Điểm hẹn của Những người bạn), vừa mới đóng cửa để nhường chỗ cho một cửa hàng hamburger của thương hiệu lớn.
Les Mots a la Bouche - cửa hàng sách lâu đời nhất của khu Marais, cũng sắp phải đóng cửa và theo tin đồn thì một shop giày Dr Martens sẽ thay thế nó.
Người dân khu phố đều nuối tiếc trước sự kết thúc của một thời kỳ, và họ quyết định tổ chức một bữa tiệc bất ngờ để tri ân anh em nhà Sitayeb tại Le Point Virgule - sân khấu hài kịch nhỏ nằm bên cạnh cửa hàng.
Những người hàng xóm xuất hiện lặng lẽ: bác sĩ Beau và con gái Manon 21 tuổi; ông Vincent Douget - đầu bếp cũ tại quán cà phê; Henriette Delyfer - chủ cửa hàng đồ trang trí - người biết hai anh em kể từ khi còn là một cô bé; và cả những sĩ quan cảnh sát ở khu vực - những người thỉnh thoảng vẫn ghé qua cửa hàng để mua nước cam ép.
Hai anh em là người đến cuối cùng, họ bật khóc vì xúc động và không thể nói lên lời. Mặc dù đã lớn tuổi và muốn dành thời gian bên gia đình, ông Amar Sitayeb thừa nhận là "thật khó khăn khi chúng tôi phải rời đi".
"Họ là trái tim của khu phố", ông George Fisher, một người đã về hưu và sống ở đây hơn 20 năm, chia sẻ.
Trong khi đó ở cửa hàng, con trai của ông Ali là Tariq Sitayeb đang chuẩn bị cocktail rum punch và bánh mì Morocco để thết đãi đám đông.
Kể từ ngày 31/1 tới, người dân khu phố sẽ không còn được thấy cửa hàng tiện lợi Au Marche du Marais hoạt động - và hình ảnh thân thiện của hai anh em nhà Sitayeb cũng sẽ chỉ còn là kỷ niệm. Ảnh: New York Times. |
Ông Ariel Weil, thị trưởng quận 4 Paris cũng xuất hiện và bắt tay Ali Sitayeb. Một nhóm cư dân bắt đầu vây quanh ông và phàn nàn về sự thay đổi của khu phố.
"Toàn là quần áo, quần áo và quần áo. Làm sao mà một chiếc áo lót có thể thay thế cho nước cam ép của tôi?", ông Fishẻ nói.
"Cá nhân mà nói thì tôi buồn. Với tư cách là thị trưởng, tôi rất lo lắng về việc không tìm được giải pháp để ngăn những cửa hàng nhỏ rời đi", ông Weil nói.
Ông Ali nhìn vào đồng hồ và thở dài. Đã đến ca trực của anh trai ông, và ông cần phải về nhà để nghỉ ngơi. Ngày mai, họ sẽ phải tiếp tục thu dọn bớt đồ đạc tại cửa hàng, chuẩn bị cho một cái kết.