Mùa đông vừa qua, nỗi nhớ "Đức Bà" của Paris thêm quay quắt. Những ngày lễ cuối năm trôi đi mà không có thánh lễ Giáng sinh tại nhà thờ được ví von như "linh hồn" của thủ đô nước Pháp. Cây Giáng sinh cũng không được dựng lên trên quảng trường công cộng mặt tiền phía tây công trình.
Nhà thơ Hilaire Belloc từng mô tả Nhà thờ Đức Bà Paris như một người mẹ, với quyền uy đã trở nên quen thuộc, thầm lặng nhưng mọi người đều ngầm thừa nhận. “Đức Bà” giờ đây dường như đã câm lặng sau vụ cháy giữa tháng 4/2019.
“Thánh đường vẫn đang trong tình trạng nguy hiểm”, tướng Jean-Louis Georgelin, người chịu trách nhiệm giám sát trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris, đầu tháng 1 báo tin chẳng mấy tốt lành trên đài CNews.
Gần 9 tháng trôi qua sau vụ cháy kinh hoàng tại Nhà thờ Đức Bà Paris, hướng trùng tu công trình lịch sử nước Pháp vẫn còn nhiều tranh cãi. Ảnh: AFP. |
Tranh cãi gay gắt về diện mạo mới của "Đức Bà"
Ủy ban do tướng Georgelin dẫn đầu phải đến tháng 12 mới có cuộc họp đầu tiên. Nước Pháp rõ ràng phải mất thêm nhiều thời gian để tìm tiếng nói chung về hướng phục dựng thánh đường được xem như linh hồn Paris.
Nhiều tuần trước đó, Philippe Villeneuve, kiến trúc sư trưởng cơ quan phụ trách các công trình lịch sử Pháp, nói ông thà từ chức còn hơn phải nhìn “tháp hiện đại” mọc lên trên Nhà thờ Đức Bà theo cái cách mà Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất. Tướng Georgeloin đáp trả ngắn gọn. Ông bảo vị kiến trúc sư nên “ngậm mồm”.
Những bình luận như vậy không mấy xa lạ với câu chuyện muôn thuở giữa kiến trúc và bảo tồn di sản tại Pháp.
“Đây là một cuộc tranh luận kinh điển”, Philippe Barbat, tổng giám đốc cơ quan di sản thuộc Bộ Văn hóa Pháp, trả lời truyền thông về tình hình phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris.
“Liệu chúng ta cố gắng phục hồi kiến trúc gần giống nguyên trạng hết mức khả dĩ? Hay chúng ta cố gắng tạo ra một điều gì giàu chất sáng tạo hơn”, ông dẫn chứng kim tự pháp bằng kính của viện bảo tàng Lourve, thiết kế bởi I.M. Pei, như một nét chấm phá của chủ nghĩa hiện đại ngay tại trái tim một trong những không gian kiến trúc thiêng liêng nhất Paris.
Sự thay đổi cũng mang tính “cổ điển”. Dù kiến trúc của Nhà thờ Đức Bà được giữ nguyên trong nhiều thế kỷ qua, đặc biệt sau cuộc đại trùng tu vào giữa thế kỷ 13, công trình này đã trả qua nhiều lần thay da đổi thịt xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Trong khi nước Pháp và thế giới tiếp tục chờ đợi hình hài mới của “Đức Bà”, chúng ta có thể yên tâm rằng đại thánh đường Paris vẫn luôn là tổng hòa của những mảnh ghép: lịch sử và huyền thoại, thế kỷ 12 và thế kỷ 21, sự tưởng tượng được ghi lại bằng tranh vẽ và văn học, cùng những tảng đá mới lẫn cũ xếp chồng lên nhau suốt gần 9 thế kỷ qua.
Người Paris câu cá bên bờ sông Seine gần cây cầu dẫn vào đảo Île de la Cité, phía xa là Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: AFP. |
Thay đổi không ngừng
Hòn đảo Île de la Cité ngăn đôi dòng sông Seine chảy qua trái tim thành phố cổ Paris, nơi ngự đại thánh đường thành phố, đã được dùng cho các hoạt động tôn giáo suốt nhiều thế kỷ. Năm 1160, Đức cha Maurice de Sully sau khi được sắc phong giám mục giáo phận Paris đã lập tức lên kế hoạch xây dựng một đại thánh dường cho Đức Mẹ Maria tại thành phố. Nhiều công trình trên đảo Île de la Cité, trong đó có nhà thờ Saint-Étienne, dần được giải tỏa mở đường cho thánh đường mới.
Trước sự chứng kiến của vua Louis VII và Giáo hoàng Alexander III, nền móng công trình lịch sử bắt đầu được xây dựng vào năm 1163. Đến năm 1182, phần lớn gác đàn (choir), không gian tín ngưỡng chính của thánh đường cho sinh hoạt tôn giáo, đã hoàn tất với kiến trúc trụ áp bay (hay thanh chống ngang giữa tường và trụ cái) đã trở thành chuẩn mực của trường phái Gothic. Đến năm 1220, hình hài đại thánh đường Paris cơ bản đã hoàn thành.
Bắt đầu từ giữa thập niên 1220, thi công tại Nhà thờ Đức Bà phần lớn nhằm đáp ứng thị hiếu kiến trúc đương đại. Hai tòa tháp phía tây hoàn thành. Tháp ngọn (spire) xây ngay giao điểm gian giữa (nave) và cánh ngang (transept) nhà thờ. Giai đoạn thi công cuối cùng của thánh đường nguyên bản kết thúc vào giữa thế kỷ 14, hơn 150 năm kể từ khi động thổ.
Nhà thờ Đức Bà được xây lại và tu sửa liên tục trong nhiều thế kỷ qua. Cứ mỗi thời kỳ, việc điều chỉnh lại vấp phải chỉ trích gay gắt.
Một trong những cuộc “lột xác” đáng chú ý nhất của Nhà thờ Đức Bà sau vụ đại hỏa hoạn thế kỷ 13, gần giống vụ cháy xảy ra vào năm 2019. Nhiều thay đổi về kiến trúc được tiến hành trên quy mô lớn. Sau gần 60 năm tồn tại, thánh đường tại Paris dần bị những công trình mới và cao hơn lu mờ. Thành phố phải cho mở rộng cửa sổ của nhà thờ, lợp lại mái và trùng tu các trụ áp bay để bắt kịp thời đại.
Cuộc đại trùng tu kế tiếp diễn ra vào thế kỷ 19, được châm ngòi từ đại văn hào Victor Hugo. Kiệt tác “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà” của Hugo khơi dậy sự quan tâm của nước Pháp vào kiến trúc Gothic của công trình từ thời Trung Cổ. Từ tình cảnh đang dần bị lãng quên, trùng tu Nhà thờ Đức Bà trở thành ưu tiên của nhiều ủy ban và chính quyền thành phố.
Eugène Emmanuel Viollet-le-Duc cho thay đổi cửa sổ, bổ sung nhiều chi tiết trang trí cho trụ áp bay, tạc những bức tượng mới, thêm những bức tượng quái thú bảo vệ nhà thờ như gargoyle và chimera. Ông để lại dấu ấn mạnh mẽ đến mức nhiều người vẫn nhầm tưởng các thiết kế của Nhà thờ Đức Bà Paris ngày nay là nguyên bản kiến trúc Gothic thời Trung Cổ.
Mái và tháp ngọn của Nhà thờ Đức Bà Paris bị thiêu rụi trong vụ cháy ngày 15/4/2019. Ảnh: Getty. |
Chờ dấu ấn của tổng thống
Sau vụ cháy định mệnh vào ngày 15/4/2019, tháp ngọn của nhà thờ sụp đổ cùng một phần lớn mái nhà bị hư hại nghiêm trọng.
Câu hỏi lớn lập tức được đặt ra: Liệu có nên trùng tu nhà thờ khôi phục chính xác thiết kế trước hỏa hoạn, xây lại tháp ngọn kiểu của thế kỷ 19? Hay lại một cuộc đại trùng tu khác sẽ diễn ra với những yếu tố kiến trúc của thế kỷ 21 và xa hơn nữa? Tháp ngọn và vật liệu xây dựng đã trở thành những vấn đề chia rẽ dư luận Pháp trong việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà.
“Chúng ta hoàn toàn đủ khả năng xây lại nhà thờ như trước kia. Nhưng chúng ta có sẵn sàng hy sinh vô số cây rừng cho việc đó không”, Francis Rambert, trưởng phòng thiết kế kiến trúc của Bảo tàng Cité de l’Architecture et du Patrimoine, nơi lưu giữ bộ sưu tập vô giá gồm nhiều mô hình thiết kế Viollet-le-Duc thực hiện cho những công trình của mình.
Sau những tranh cãi của giới chuyên gia, bảo thủ, giáo hội Công giáo và những người muốn bảo tồn lịch sử, Tổng thống Macron cuối cùng vẫn là người có tiếng nói quyết định về hình hài mới của Nhà thờ Đức Bà Paris.
Các đời tổng thống Pháp thường khó cưỡng lại mong muốn đặt dấu ấn trên bản đồ Paris. Georges Pompidou từng ủng hộ xây dựng một trung tâm văn hóa hiện đại cho thủ đô. Và Trung tâm nghệ thuật văn hóa quốc gia Georges-Pompidou đã ra đời như tượng đài của kiến trúc hậu hiện đại. Francois Mitterand gắn liền tên tuổi với dự án Kim tự tháp Lourve của kiến trúc sư I.M.Pei.
Tổng thống Macron có lẽ lại học theo những người tiền nhiệm của mình trong bài toán phục dựng “linh hồn” của Paris với một chút chấm phá hiện đại.