Việc xây dựng thương hiệu quốc gia đã được bàn tính từ lâu, nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có sản phẩm nào do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất được thế giới biết đến rộng rãi. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc xây dựng thương hiệu quốc gia (THQG) từ những món ăn quen thuộc của Việt Nam như nem, phở...
Nên là ẩm thực
Cho đến nay, chưa có một sản phẩm nào do chính các DN trong nước sản xuất được thế giới biết đến rộng rãi, nhưng có một thứ mà khi nhắc ai cũng phải trầm trồ thán phục, đó là ẩm thực Việt Nam. Thậm chí những từ như "nem", "phở" đã trở thành danh từ trong ngôn ngữ của nhiều quốc gia.
Theo TS sử học Nguyễn Nhã, trong các loại hình văn hóa, "văn hóa ẩm thực" là loại hình văn hóa mạnh nhất của Việt Nam, có thể sánh với các nền văn hóa ẩm thực có bề dày như Trung Quốc, Pháp. Nếu so sánh với những nền ẩm thực này, các món ăn của Việt Nam có lợi cho sức khỏe hơn vì được chế biến từ những nguyên liệu như rau củ quả, cá là chính, và cũng phong phú hơn nhiều. Không chỉ có phở, chả giò, gỏi cuốn hay những món ăn Huế, Việt Nam còn rất nhiều món thú vị mà chúng ta chưa phát hiện và đánh giá hết. Món ăn Việt Nam ngon vì không quá nhiều dầu mỡ, không quá cay, lại rất nhiều rau, đầy dinh dưỡng.
Sự thú vị của các món ăn Việt Nam là một trong những sức hút đối với người nước ngoài. Doanh nhân các nước khi đến Việt Nam đều tìm cách thưởng thức những món ăn được nhắc nhiều trên thế giới. Mới đây, trong chuyến tháp tùng thái tử và công nương Na Uy thăm Việt Nam (từ ngày 18-21/3), Thứ trưởng Bộ thương, Công nghiệp và Thủy sản Ringdal cùng Liên đoàn các doanh nghiệp Na Uy đã đến thăm trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist.
Tại đây, ông Ringdal cùng đoàn đã được thưởng thức những món ăn đặc sắc được chế biến từ món cá hồi, và 15 đầu bếp của Việt Nam cũng đã có buổi giao lưu chế biến món ăn với đầu bếp hoàng gia Na Uy. Sự phong phú của món ăn Việt đã khiến Ringdal thích thú. Đó không chỉ cảm nhận của Ringdal mà ngay cả "cha đẻ” của thuyết marketing hiện đại Philip Kotler cũng thế. Ngay khi đến Việt Nam vào năm 2007, Philip Kotler đã gợi ý "bếp ăn của thế giới" như là một trong những chọn lựa của Việt Nam khi xây dựng THQG.
Với những lợi thế đó, TS Nguyễn Nhã cho rằng, nên chọn "Ẩm thực - Phở Việt" làm THQG. Vì có những cơ sở vững chắc khiến không thể không lựa chọn "Ẩm thực - Phở Việt" là THQG. Trong đó, những sản phẩm liên quan đến ẩm thực hiện đang có vai trò quan trọng tạo sự tín nhiệm quốc gia như gạo, cà phê, hạt điều, trong khi các loại thủy hải sản đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới còn các sản phẩm sành sứ như chén bát, tô đĩa... có nhiều triển vọng xuất khẩu.
Các gia vị như hành, gừng... sẽ được xuất khẩu trong tương lai nếu ẩm thực Việt Nam, trong đó có món phở, được quảng bá rộng rãi trên thế giới. Năm 2011, trong 50 món ngon thế giới do CNN bình chọn có 3 món là phở, gỏi cuốn, chả giò của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ẩm thực chưa được chọn là mũi nhọn trong lĩnh vực du lịch của nước ta.
Cần doanh nghiệp chung tay
THQG rất cần cho sự phát triển đất nước. Nếu thương hiệu là bảng hiệu của doanh nhân thì THQG là bảng hiệu doanh thương của cả quốc gia, là mặt mạnh nhất của quốc gia. Do đó, THQG phải mang tính tiêu biểu, độc đáo, tạo nên sự tự hào dân tộc. THQG càng được nhiều người trên thế giới tiếp cận, biết tới, yêu thích, càng có giá trị, tạo động lực lớn lao cho phát triển đất nước. THQG gia phải mang tính kinh tế cao nhưng cũng phải mang tính văn hóa dân tộc cao. Nhưng THQG cũng phải dễ dàng biểu hiện một logo hoàn hảo, dễ nhận, dễ biết để quảng bá đất nước ra thế giới.
Thuật ngữ "national branding" (xây dựng thương hiệu quốc gia) và "place brand" (thương hiệu địa phương) được Simon Anholt, một cố vấn ngoại ngạch về chính sách đối ngoại của Chính phủ Vương quốc Anh đề xuất. Các quốc gia nhanh chóng vận dụng nation branding là Canada, Mỹ, Pháp, Anh (nơi mà khái niệm này được hiểu là puclic diplomacy - ngoại giao bình dân), các nước Tây Âu nói chung, Nhật, rồi tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nam Phi.
Khi đã chọn lựa ngành ẩm thực để xây dựng THQG thì các nhà hàng Việt Nam, trong đó có các nhà hàng phở, các quán cà phê, các quán trà Việt phải làm thế nào để đan xen giữa thực ẩm và trưng bày (tranh, ảnh nghệ thuật, âm nhạc Việt...) để tạo ra một không gian rất Việt Nam - một nền văn hóa lúa nước tại bất cứ nơi đâu. Như vậy, sẽ quảng bá hiệu quả hình ảnh Việt Nam khắp thế giới. Theo TS Nguyễn Nhã, để làm được như thế cần phải chuẩn hóa các món ăn, các nhà hàng, chuẩn hóa đào tạo đầu bếp và nhân viên du lịch. Bên cạnh đó, cần xây dựng các công ty phát triển những nhà hàng đạt chuẩn được quốc tế thừa nhận quảng bá ra thế giới. "Chính sự kết hợp kinh tế với văn hóa, kết hợp ẩm thực du lịch sẽ là yếu tố thành công của thương hiệu quốc gia: "Ẩm thực Việt - Phở Việt", TS Nguyễn Nhã tư vấn.